Miền Trung trong tôi là mẹ

14/11/2020 14:00 GMT+7

Nếu ai hỏi miền Trung trong tôi là gì thì chắc chắn: Đó là mẹ!

Mẹ tôi năm nay vừa tròn năm mươi nhưng nom già hơn tuổi bởi bao nắng gió, mặn mòi của mảnh đất này đã in hằn lên mẹ.
Sinh ra không có cha bởi những cuộc gặp gỡ, chia ly không lời hẹn thời chiến tranh loạn lạc. Một mình bà ngoại kiên cường vượt qua hoàn cảnh “không chồng mà chửa” để sinh và nuôi dưỡng mẹ khôn lớn. Bà kể ngày xưa mẹ xinh gái nhất vùng, lại học giỏi toán. Năm nào mẹ cũng được đi thi học sinh giỏi mà mẹ bị bệnh tim, cứ vào phòng thi là hồi hộp nên chưa lần nào đỗ. Nhà nghèo quá, học hết cấp 2 phải theo bà làm nghề hàng xáo (buôn gạo) và được gả cho cha - một người đàn ông cũng bỏ dở việc học theo cái cày, con trâu.
Mẹ thông minh, quán xuyến hết chuyện trong ngoài nhưng một mực tôn trọng và chăm lo cho chồng con. Đúng chuẩn của những người vợ chịu thương, chịu khó, những người mẹ tảo tần sớm hôm vì con trẻ mà miền Trung chúng tôi vẫn luôn tự hào mỗi khi nhắc đến.
Tôi mãi nhớ về mùa hè năm 2007. Vẫn là một mùa hè Nghệ An nóng chảy nhựa đường, vẫn những cơn gió  Lào phả rát mặt người. Và vẫn là người phụ nữ miền Trung can trường đến vĩ đại. Năm đó, mẹ ba bảy tuổi, đang mang bầu em trai út tháng thứ sáu, chị gái kề cận ngày thi đại học, còn tôi bệnh nặng đang nằm ở bệnh viện. Chị ôm sách đi chăm em, mỗi lần em lên cơn đau hai đứa trẻ chỉ biết ôm nhau khóc bất lực. Xung quanh bảo “Mẹ cha mô (đâu) mà chỉ có hai đứa trẻ con?”. Có người nặng lời hơn còn trách mẹ vô tâm. Nhưng, có ai biết mẹ đang ngồi trên từng bao tải lạc cao ngút sau xe máy của cha với cái bụng bầu đã “vượt mặt” để cuối ngày có tiền cho con. Chiếc xe wave cũ, cái nắng 40 độ như thiêu như đốt, có cả những lần trượt ngã bầm dập đầu gối mà may sao mẹ và cậu út vẫn bình an. Một lần mẹ xuống, người cùng phòng bảo: “Nhìn như sáu mươi tuổi ri (thế này) mà vẫn đẻ tiếp à”. Hai hàng nước mắt chỉ biết lăn dài trên má của hai chị em tôi, bởi… mẹ chúng tôi còn chưa đến bốn mươi tuổi! Khoảnh khắc ấy, tôi đã hận biết bao cái nắng khủng khiếp của miền Trung khiến gương mặt mẹ nám đen, tôi hận cái mảnh đất cằn cỗi này sao in lắm vết chân chim trên khóe mắt mẹ. Và tôi hận cả chính tôi cứ luôn là gánh nặng của mẹ. Cái ngày cha cõng tôi chạy cấp cứu ngoài Hà Nội, cũng là cái ngày cô giáo đưa chị đi thi ở Huế phải bán trang sức cá nhân lo cho chị - nhưng đó cũng là ngày tôi biết mẹ ở quê nhà đã kiên cường đến thế nào, đã mạnh mẽ đứng vững ra sao. Và cái ngày đó, tôi hiểu mình có một người mẹ vĩ đại hơn tất thảy!
Hơn mười năm đã trôi qua, cậu út giờ đã học lớp bảy, chị em tôi đã lấy chồng, đã là những người mẹ miền Trung như mẹ vậy. Dáng mẹ nhỏ gầy vẫn chở gạo trên con xe wave, gánh xôi vẫn thơm phức trước cổng trường mỗi sáng. Làm được một đồng muốn tích góp nguyên một đồng cho con. Hai đứa chúng tôi có tiếng là “bà chủ” khi cũng có những cơ sở nho nhỏ nhưng chẳng hề lo được gì cho mẹ, ngược lại mỗi lúc góp được ba triệu, năm triệu mẹ đều gọi “Khó khăn ri (thế này) có cần tiền không để mẹ gửi?”.
Mẹ suốt đời vẫn thế! Mỗi năm già đi thêm một tuổi nhưng vẫn muốn dang trọn vòng tay để gánh hết cho các con những khó khăn trên mảnh đất xứ Nghệ nặng tình người nhưng khắc nghiệt vô cùng này. Có lẽ may mắn được thừa hưởng từ mẹ mà giờ đây chị em tôi luôn học cách mạnh mẽ, học cách bao dung, học cách chấp nhận, học cách vượt qua nghịch cảnh để dành những điều tốt đẹp nhất cho gia đình như mẹ đã dành cho cha con tôi.
Miền Trung, đời này qua đời khác, thiên nhiên cứ mãi “ưu ái” cái “đặc sản” gió Lào, nắng gắt. Cũng như mẹ vậy, mười bảy tuổi, ba bảy tuổi, giờ năm mươi tuổi, vẫn chọn lựa riêng mình những điều khó nhọc nhất để phần trái ngọt cho các con.
Miền Trung trong con sinh ra là mẹ, lớn lên có mẹ, tính cách con, thành công nhỏ của con cũng từ một người mẹ Nghệ An mà có.
Nắng vẫn gay gắt, bão vẫn gào thét trên mảnh đất này. Và mẹ, vẫn can trường qua bao sóng gió, vẫn tảo tần gánh nặng đôi vai, vẫn bình dị mỗi ngày, vẫn bao dung với cuộc đời để cho con một miền Trung bình yên, một miền Trung yêu thương, một miền Trung không bao giờ gục ngã.
Và…
Một miền Trung có mẹ!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.