Miền Tây vượt mốc 2.000 ca nhiễm Covid-19/ngày

04/11/2021 04:26 GMT+7

Từ ngày 31.10 - 2.11, số ca mắc Covid-19 tại các tỉnh miền miền Tây đã vượt mốc 2.000 ca/ngày. Trong đó, tốc độ tăng bất thường số ca mắc mới trong cộng đồng tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang… rất đáng lo ngại.

Nhiều ổ dịch trong cộng đồng

Theo số liệu do Bộ Y tế công bố, ngày 30.9.2021, số ca nhiễm Covid-19 của cả khu vực miền Tây Nam bộ là 488 ca; trong đó 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Hậu Giang không có ca mắc mới.

Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, ngày 31.10, số ca nhiễm tại 13 tỉnh, thành miền Tây đã tăng lên 2.029 ca, cao gấp hơn 4 lần so với cuối tháng trước và vượt mốc 2.000 ca nhiễm/ngày kể từ khi có dịch. Đáng lo ngại, 2 ngày tiếp theo (1 và 2.11), số ca mắc mới tiếp tục vượt mốc 2.000 ca. Trong đó, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng khiến công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trong khu vực càng thêm khó khăn.

Cà Mau tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân

GIA BÁCH

Ngoài các tỉnh tăng cao liên tục trong 3 ngày qua, như Bạc Liêu (bình quân 371 ca/ngày), Kiên Giang (392 ca/ngày)… thì tại các địa phương khác, dịch bệnh cũng bắt đầu lan rộng. TP.Cần Thơ ghi nhận gần 150 ca mắc mới mỗi ngày, cá biệt có ngày ghi nhận hơn 430 ca.

Covid-19 sáng 4.11: Cả nước 939.463 ca nhiễm, 833.675 ca khỏi | 4.800 công nhân chưa quay lại TP.HCM

BS Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết ngày 30.10 tỉnh ghi nhận 223 ca mắc Covid-19, trong đó có gần 100 ca cộng đồng. Nghiêm trọng nhất, các ổ dịch xuất hiện tại nhiều doanh nghiệp có số lượng công nhân đông và di chuyển phức tạp dễ dẫn đến ổ dịch mới sẽ tiếp tục phát sinh trong cộng đồng. Các huyện: Châu Thành, Cái Bè, Gò Công Đông và TP.Mỹ Tho đang có diễn biến dịch phức tạp nhất. Trong đó, H.Châu Thành từ ngày 19.10 đến nay số ca mắc mới tăng cao, số ca mắc trung bình 7 ngày gần nhất tăng đến 400% so với thời điểm nửa đầu tháng 10. Tại TP.Mỹ Tho, H.Cái Bè so sánh tương tự tăng 283,3%...

Nhiều nơi ở tỉnh Bạc Liêu tái lập nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19

TRẦN THANH PHONG

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho hay trong ngày 2.11 tỉnh ghi nhận 314 ca mắc mới, trong đó có đến 109 ca cộng đồng. Diễn biến dịch đang lây lan nhanh tại TP.Long Xuyên và các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Tri Tôn… Chỉ trong 5 ngày từ 28.10 - 3.11, tỉnh ghi nhận hơn 1.400 ca mắc mới.

Tại Cà Mau, những ngày qua, dịch Covid-19 lây lan nhanh, nhiều ổ dịch mới đồng loạt xuất hiện trong cộng đồng. Ngày 1.11 có 26 ca cộng đồng nhưng đến ngày 2.11 nhảy vọt lên 102 ca. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, 101 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều ở cấp độ dịch từ vàng đến đỏ. Dịch bệnh diễn biến khó lường, tốc độ lây lan nhanh. Nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Đầm Dơi.

Gần 4.800 công nhân chưa quay lại TP.HCM làm việc

Bạc liêu tái lập chốt tại vùng đỏ

Ngày 3.11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu nhận định tuy số ca mắc Covid-19 trên địa bàn đã giảm nhiều so với 2 ngày trước đó, nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ca mắc trong cộng đồng tiếp tục tăng cao. Cụ thể, sáng cùng ngày, tỉnh ghi nhận thêm 290 ca mắc Covid-19; trong đó có đến 96 ca cộng đồng, 64 ca trong khu phong tỏa, 128 ca trong khu cách ly tập trung, chỉ có 2 ca là người dân tự phát về quê từ vùng dịch.

Tối 2.11, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ký quyết định điều chỉnh một phần biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn khi tỉnh theo cấp độ 4, cấp nguy cơ rất cao (vùng đỏ).

Theo đó, từ ngày 3.11, việc đi lại nội tỉnh của người dân (kể cả người đi bộ, di chuyển bằng phương tiện cá nhân đường bộ và đường thủy) chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 mới được phép di chuyển. Đối với chợ truyền thống, chợ đầu mối, người tham gia giao dịch mua bán (đi chợ) đã tiêm 1 liều vắc xin thì được đi chợ tối đa 2 lần/tuần; người chưa tiêm vắc xin giao cho UBND cấp xã hỗ trợ, bố trí đi chợ hộ. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động đã tiêm đủ 2 liều vắc xin thì hoạt động bình thường, không phải tham gia phương án 3 tại chỗ; người lao động đã tiêm 1 liều vắc xin khi tham gia sản xuất thì đơn vị, người sử dụng lao động phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện để thực hiện phương án 3 tại chỗ mới được phép hoạt động.

Ngày 3.11, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Bạc Liêu đã tái lập nhiều chốt kiểm soát nhằm siết chặt, tăng cường các biện pháp sớm khống chế dịch bệnh lây lan. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại các chốt kiểm soát ra vào vùng đỏ ở các phường 2, 3, 7 và xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu), lực lượng chức năng đã từ chối giải quyết, không cho nhiều người dân và phương tiện được qua chốt do không có giấy xét nghiệm âm tính hoặc giấy xác nhận tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ra chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hiện Kiên Giang vẫn giữ lại các chốt kiểm soát liên tỉnh nhưng chủ yếu để kiểm soát tình hình an ninh trật tự.

Tăng cường hệ thống giám sát

Ngày 3.11, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã chỉ đạo, các sở, ngành cần làm ngay, quyết liệt những việc quan trọng. Đó là những nơi nào có nguy cơ cao, đặc biệt những vùng có F0 phải điều tra, truy vết để khoanh vùng, cách ly nhanh nhất có thể, không chần chừ.

Cùng ngày, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, thông tin An Giang đang tập trung phát hiện sớm ổ dịch trong cộng đồng. Tỉnh cũng tăng cường hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm dịch Covid-19 và tiến hành tầm soát ở những nơi có nguy cơ cao như chợ, siêu thị, bến xe, shipper, các cơ sở y tế, phòng mạch; đồng thời tiếp tục chuẩn hóa các khu cách ly tập trung để tránh hiện tượng lây nhiễm chéo…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.