Miền Tây hỗ trợ người khó khăn do Covid-19: 'Chi ngay, không để bà con chờ lâu'

Bắc Bình
Bắc Bình
12/08/2021 19:36 GMT+7

Triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, một số tỉnh miền Tây linh hoạt tạm ứng ngân sách chi cho bà con.

Long An, Trà Vinh… chủ động, linh hoạt ngay từ đầu

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Trà Vinh, cho biết toàn tỉnh có khoảng 48.000 đối tượng thuộc diện được hỗ trợ vì gặp khó khăn do Covid-19 từ đây đến cuối năm.
“Xác định rằng nhóm đối tượng bán vé số dạo là dễ tổn thương nhất nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng ngay khi Chính phủ, UBND tỉnh Trà Vinh có ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết 68 là đã có danh sách trình lên. Danh sách các địa phương lấy từ danh sách hỗ trợ trong đợt trước, cập nhật thêm và thông qua hội đồng thẩm định cấp xã, cấp huyện xem xét, trình lên là tỉnh duyệt chi ngay, không để bà con chờ lâu”, ông Út cho hay. Nghị quyết 68 của Chính phủ ký ban ngày 1.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19). 
Tính đến ngày 12.8, hơn 24.000 người khó khăn do Covid-19 đã được chi hỗ trợ, mỗi người 1,5 triệu đồng. Tổng số tiền đã giải ngân gần 20 tỉ đồng. Hằng ngày, các huyện đều có trình danh sách bổ sung đối tượng được hỗ trợ về tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, trao quà hỗ trợ cho người gặp khó khăn do Covid-19 vào ngày 13.7 tại H.Bến Lức. Long An là một trong các địa phương đã triển khai nhanh Nghị quyết 68, chi ngay cho người gặp khó khăn do dịch Covid-19

ẢNH: B.B

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Long An, cho biết Long An đã chi hỗ trợ cho 38.991 người thuộc nhóm lao động tự do gặp khó khăn do Covid-19, với tổng số tiền 35,8 tỉ đồng. Trong đó, có 10.513 người bán vé số dạo, với số tiền hơn 7,8 tỉ đồng; 28.478 người lao động tự do khác cũng đã nhận tổng số tiền 28 tỉ đồng.
“Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp, xét duyệt và tiến hành hỗ trợ cho các đối tượng lao động tự do trên tinh thần là hỗ trợ tối đa cho người dân khó khăn, thiếu đói do dịch Covid-19”, bà Mai cho hay.
Ngoài ra, theo bà Mai, tính đến ngày 12.8, tỉnh Long An đã triển khai hỗ trợ hơn 15,4 tỉ đồng tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 và người phải thực hiện cách ly y tế, tổng cộng hơn 14.200 người. Ngoài ra, 12 trẻ em trong các khu cách ly cũng đã được hỗ trợ số tiền 20 triệu đồng.
Nhóm chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã có 17 lao động nhận hỗ trợ với số tiền 74 triệu đồng.
“UBND cấp xã phối hợp với các trưởng ấp, trưởng khu phố nắm danh sách người bán vé số dạo và lao động tự do. Danh sách đó do hội đồng xã xét duyệt với sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, lên cấp huyện cũng làm vậy. Cho nên chúng tôi tự tin là không xác định nhầm hoặc sai đối tượng. Trên tinh thần là Cần Đước không để bà con khó khăn phải chờ đợi lâu nên chỉ cần có danh sách là tôi duyệt tạm ứng ngân sách huyện để chi hỗ trợ cho bà con liền, tỉnh chuyển về bù lại sau. Trong tháng 7, Cần Đước đã chi xong cho đối tượng bán vé số dạo”, ông Huỳnh Văn Quang Hùng (Chủ tịch UBND H.Cần Đước) cho biết.

Tiền Giang mới có 1 huyện chi tiền hỗ trợ

Ông Lý Hiền (56 tuổi, một người bán vé số dạo, có hộ khẩu ở xã Tân Lý Tây tạm trú tại xã Tân Hương, cùng H.Châu Thành, Tiền Giang): “Tôi đến UBND xã Tân Hương được hướng dẫn về nộp hồ sơ vô UBND xã Tân Lý Tây để chờ nhận hỗ trợ. Hôm 3.8, tôi đã làm xong giấy tờ nộp vô UBND xã Tân Lý Tây theo hướng dẫn và được cán bộ xã nói trung tuần tháng 8 này nếu trên phát tiền về sẽ kêu tôi lên lãnh tiền hỗ trợ khó khăn do Covid-19. Vậy mà đến nay vẫn chưa có được đồng nào".

Toàn tỉnh Tiền Giang có gần 13.000 người bán vé số dạo nhưng hiện chỉ số ít người tại H.Gò Công Tây là nhận được tiền hỗ trợ nhờ lãnh đạo UBND H.Gò Công Tây linh hoạt ứng tiền ngân sách để chi

ẢNH: B.B

Ghi nhận toàn tỉnh Tiền Giang đến 12.8, duy nhất UBND H.Gò Công Tây đã tạm ứng ngân sách huyện để chi hỗ trợ cho gần 3.000 người bán vé số, cùng vài chục lao động tự do.
“Trong tình cảnh khó khăn, chúng tôi quyết định tạm ứng ngân sách huyện để chi hỗ trợ cho bà con bán vé số và số ít lao động tự do ảnh hưởng dịch Covid-19 trước. Số người cần hỗ trợ vẫn đang được địa phương liên tục cập nhật để trình về UBND tỉnh phê duyệt. Nói chung về quy trình thủ tục, đối tượng đã rõ hết rồi, chỉ cần mình không chi sai đối tượng thôi, còn tiền thì tỉnh chắc sẽ rót về để bù lại ngân sách huyện sớm”, ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND H.Gò Công Tây, cho biết.

Tỉnh Tiền Giang đang còn nhiều điểm phải phong tỏa, cách ly nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập danh sách đối tượng nhận hỗ trợ tại các địa phương để gửi về tỉnh

ẢNH: B.B

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Tiần Giang, ước tính sơ bộ thì toàn Tiền Giang sẽ có khoảng 50.000 đối tượng được nhận hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68, trong đó có gần 13.000 người bán vé số dạo.
“Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương có khu vực phong tỏa, một số nơi có tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên triển khai còn chậm. Ngoại trừ H.Gò Công Tây đã tạm ứng ngân sách huyện để cho hỗ trợ cho người bán vé số dạo, đa số các địa phương chưa linh động trong công tác triển khai, lập danh sách người được hỗ trợ… nên dẫn đến việc chậm. Chúng tôi đã có nhiều văn bản nhắc nhở địa phương về tình trạng này”, ông Cẩm thừa nhận.
Ông Cẩm cho biết kế hoạch của UBND tỉnh quy định rõ các sở, ngành, địa phương phụ trách chính sách hỗ trợ nào thì phải sớm có hướng dẫn cho đối tượng đó. Về thủ tục hành chính trong triển khai Nghị quyết 68 rất thông thoáng, giảm 2/3 thủ tục, rút ngắn 2/3 thời gian so với các lần hỗ trợ trước.
Cụ thể, đối với lao động làm việc tại doanh nghiệp (tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc), Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Sở KH-ĐT, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Phòng LĐ-TB-XH cấp huyện hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký chính sách hỗ trợ người la động được kịp thời trong tình hình các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động từ ngày 5.8.
Đối với lao động tự do gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, theo ông Cẩm, người lao động cần chủ động đến đăng ký với UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.