Miền Tây 'ăn đong' nước ngọt: Khuyến khích đào ao, tích nước ngọt

08/03/2021 08:16 GMT+7

Tổng cục Thủy lợi yêu cầu các đơn vị quản lý công trình thủy lợi phải lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh, đặc biệt là tại các vùng cây ăn trái.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lương Văn Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cho rằng xâm nhập mặn kéo dài ở ĐBCSL vừa qua do Trung Quốc giảm lượng xả từ thượng nguồn sông Mê Kông và kết hợp tác động của 2 đợt triều cường.
Ngay từ đầu mùa khô năm nay, Tổng cục Thủy lợi phát tin cảnh báo rất sớm. Đợt xâm nhập mặn gần đây nhất là cuối tháng 2 và đầu tháng 3, cảnh báo có trước cả tháng, thì người dân và các địa phương cũng phải sớm có biện pháp tích trữ nước cho sinh hoạt và sản xuất. Do nguồn nước sông Mê Kông sụt giảm, cần tận dụng tối đa mưa trái mùa để tích nước ngọt cho sinh hoạt và tưới cây.
Tổng cục Thủy lợi yêu cầu các đơn vị quản lý công trình thủy lợi phải lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh, đặc biệt là tại các vùng cây ăn trái. “Đối với vụ lúa hè thu năm nay, chúng tôi cũng khuyến cáo và yêu cầu các địa phương chỉ tổ chức xuống giống ở những khu vực chủ động về nguồn nước. Còn các khu vực không chủ động về nguồn nước thì cần đợi mùa mưa chính vụ để xuống giống”, ông Anh nói.
Còn ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết tổng diện tích lúa đông xuân 2020 - 2021 là trên 1,5 triệu ha thì đến nay đã thu hoạch được 400.000 ha. So với các năm thuận lợi nguồn nước, vụ đông xuân đã được đẩy sớm hơn khoảng 10 ngày nên toàn bộ diện tích lúa vẫn an toàn trong các đợt xâm nhập mặn từ đầu năm đến nay.
Cục Trồng trọt nhận định trong tháng 3, tháng 4 và thời gian tới thì các địa phương cần đề phòng khả năng xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến khoảng 40.000 ha cây ăn trái (Tiền Giang 19.000 ha, Bến Tre 15.000 ha, Vĩnh Long 1.800 ha và Sóc Trăng 3.400 ha) và khoảng 5.000 ha lúa của tỉnh Trà Vinh.
Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, tỉnh Bến Tre đã đào gần 500 ao với dung tích 500 m3 nước/ao. Còn tại H.Cai Lậy (Tiền Giang) nông dân đã đầu tư 1.200 dụng cụ tích nước tưới; trong đó đào 109 ao với dung tích 2.000 m3 nước/ao, đây là việc làm nên khuyến khích. Ở Long An, Sóc Trăng và Trà Vinh, nước đã tích trong kênh, rạch nên đến nay hạn mặn chưa ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, sản xuất.
Ông Cường lưu ý vụ lúa hè thu chỉ nên xuống giống từ cuối tháng 3 và tháng 4 và kết thúc muộn nhất là trước thời điểm 10.6 thì sẽ an toàn. “Các địa phương cũng được khuyến cáo chủ động chuyển đổi diện tích, cơ cấu cây trồng, lựa chọn những cây ít tiêu tốn nước nhưng đặc biệt phải có những chính sách hỗ trợ đi kèm để thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hoặc thu mua, chế biến gắn với nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng chuyển đổi cây trồng xong thì nông sản không tiêu thụ được”, ông Cường nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.