Lăng kính bạn đọc:

Miễn sao tiện, lợi cho người dân

Kim Lan
Kim Lan
(tổng hợp)
17/06/2023 06:14 GMT+7

Bạn đọc cho rằng chừng nào các thủ tục hành chính thông suốt, không chậm trễ thì vai trò của căn cước công dân gắn chip mới thực sự làm nên thay đổi lớn.

Như Thanh Niên vừa đề cập, mới đây, tỉnh Lâm Đồng có một số kiến nghị gửi Bộ Tư pháp, liên quan đến công tác tư pháp và thi hành án dân sự. Theo đó, từ thực tế công tác, tỉnh Lâm Đồng cho biết bộ phận tiếp nhận hồ sơ đã phải "hướng dẫn người dân đi xác nhận thông tin cư trú tại cơ quan công an, gây phát sinh thêm thủ tục hành chính". Phát sinh này thường xảy ra trong hai khâu thủ tục "cải chính số chứng minh nhân dân (CMND) trên giấy tờ hộ tịch" và "cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân".

Lăng kính bạn đọc: Miễn sao tiện, lợi cho người dân - Ảnh 1.

Lực lượng công an làm thủ tục cấp CCCD gắn chip

Phúc Bình

Trả lời các nội dung vừa nêu, Bộ Tư pháp cho biết với thủ tục cải chính số CMND trên giấy tờ hộ tịch, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy xác nhận số CMND, căn cước công dân (CCCD). Với thủ tục đăng ký hộ tịch (nhất là thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn), cũng không yêu cầu người dân phải nộp/xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú.

Quan trọng hơn, Bộ Tư pháp chỉ ra rằng nếu cần xác định các thông tin chưa rõ ràng, cơ quan đăng ký hộ tịch phải có trách nhiệm chủ động, phối hợp với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xác minh.

Tất cả trong một

Nhận xét về "sự liên thông thủ tục chưa thông khiến địa phương đi hỏi Bộ Tư pháp", bạn đọc (BĐ) Quốc Thanh cho rằng "Giờ đã có CCCD gắn chip, nên cơ quan quản lý cần nhanh chóng trang bị hoặc ra quy định như thế nào đó để người dân chỉ cần cầm CCCD gắn chip là không còn phải soạn thêm giấy tờ phiền phức gì nữa. Như vậy mới là số hóa, là 4.0, là tất cả trong một". BĐ Quốc Thanh phân tích thêm: "Tất cả thông tin cần thiết nếu đã lưu trữ trên chip mà còn phải ra cơ quan công an làm giấy xác định mã định danh thì thật phiền phức".

Tán thành, BĐ Trường Lưu nêu ý kiến: "Theo tôi, vấn đề nào hợp lý, tiện nhất cho người dân thì làm, thậm chí các địa phương có thể linh hoạt làm trước rồi tổng hợp báo cáo, lấy ý kiến sau, miễn là tiện cho dân. Chứ như câu chuyện này thì địa phương kiến nghị gửi Bộ Tư pháp, để hỏi cho rõ, nghĩa là bản thân sự liên thông dữ liệu trên CCCD giữa các ngành vẫn chưa thông suốt?".

Nhiều BĐ mong muốn khâu tích hợp mọi thông tin công dân vào CCCD gắn chip phải "nhanh nhanh hoàn tất" thì mục tiêu chuyển đổi số trong thủ tục hành chính mới thực sự tạo ra cuộc cách mạng. BĐ Tuấn An cho rằng: "Mục tiêu tích hợp các dữ liệu thông tin của công dân vào CCCD gắn chip chính là để giảm tối thiểu các thủ tục hành chính như giấy khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, tình trạng hôn nhân…".

Câu hỏi về sự đồng bộ

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mọi khâu thủ tục hành chính xoay quanh CCCD gắn chip "tất cả trong một" cũng phải đồng bộ, nhất là về mặt thiết bị. Nếu không, nhiều BĐ lo ngại CCCD gắn chip chỉ phát huy thế mạnh ở những địa phương có hạ tầng hiện đại, còn về "vùng sâu vùng xa không có internet thì phải làm sao?".

Trước đi khám bệnh chỉ cần nộp thẻ BHYT, nay có thông báo phải dùng ứng dụng, hí hửng mang điện thoại đi, nhưng hệ thống của bệnh viện không chấp nhận mà phải nộp thẻ BHYT kèm xuất trình CCCD. 

Linh

Tôi chỉ mong các thủ tục hành chính nhanh, chính xác chứ chẳng ngại xuất trình CCCD hay các loại giấy tờ xác nhận. 

Tuấn Đào

Cũng nên quy định không được chụp CCCD nếu người dân không đồng ý. Hiện nay nhiều nơi chụp lại CCCD. Việc này rất dễ bị lộ thông tin. 

Hà Vinh

Câu hỏi BĐ đặt ra về sự đồng bộ không chỉ hướng về trang thiết bị, mà còn đề cập đến cách ứng xử khác nhau đối với CCCD trong thủ tục hành chính. BĐ luuthanh nguyen băn khoăn: "Không ít lần tôi đối mặt với cách giải thích, xử lý tình huống hành chính liên quan đến thủ tục giấy tờ đôi lúc ngược nhau giữa các địa phương, tỉnh thành. Khổ nhất là gia đình tôi sẽ bảo, thôi mang về chỗ mình ở mà làm cho an tâm. Nhưng như vậy thì còn gì là tiện lợi của việc chuyển đổi số trong cải cách hành chính?".

"Việc cập nhật liên tục CCCD, thậm chí sửa đổi, là cần thiết để phù hợp thực tế và thuận tiện cho công tác quản lý. Cốt lõi là tần suất sửa đổi phải thể hiện năng lực quản lý, triển khai nhanh gọn để giảm chi phí, phiền hà cho người dân", BĐ Bách Trương Duy gửi gắm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.