Miền Đông, nơi những dòng sông hò hẹn

09/12/2023 09:00 GMT+7

Dẫu làng mạc, phố xá đổi thay, tàu thuyền tấp nập, dòng sông Vàm Cỏ Đông vẫn giữ cho mình vẻ đẹp thiên nhiên cùng những năm tháng huyền thoại về lịch sử đấu tranh hào hùng.

"Ở tận sông Hồng em có biết

Quê hương anh cũng có dòng sông

Anh mãi gọi với lòng tha thiết:

Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!"

(Thơ Hoài Vũ)

Sông Vàm Cỏ Đông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ vùng đồng bằng trũng thấp phía bắc tỉnh Svay Rieng thuộc nước bạn Campuchia có tên Khmer là Prek Kampong Spean.

Cầu bắt qua sông Vàm Cỏ Đông_ảnh Thu Phan

Cầu bắt qua sông Vàm Cỏ Đông

Thu Phan

Chảy vào biên giới Việt Nam, sông có tên gọi theo tiếng bản địa là sông Cái Cay tại xã biên giới xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, rồi chảy qua các huyện: Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh với thủy trình khoảng 105 km, rồi xuống hướng đông nam chảy qua địa phận tỉnh Long An qua các huyện: Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức và Cần Đước với thủy trình gần 90 km, rồi kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ đổ vào sông Soài Rạp và đi ra Biển Đông.

Với chiều dài của sông hơn 280 km, lưu vực sông rộng hơn 8.500 km2, dòng sông uốn khúc quanh co qua nhiều làng mạc trù phú của hai nước Việt Nam – Campuchia và hằng năm đem lại nhiều hoa lợi cho ngư dân ven bờ.

Vẻ đẹp dòng sông Vàm Cỏ Đông vào thơ ca với lịch sử 

Nơi bến sông thơ, bến phà cũ đã được xây mới cây cầu Đức Huệ bắt qua sông Vàm Cỏ Đông, nối liền hai huyện Đức Hòa – Đức Huệ thuộc tỉnh Long An. Từ đây, là điểm xuất phát xuôi ngược dòng sông Vàm Cỏ Đông về phía thượng nguồn là tỉnh Tây Ninh, ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp dòng sông thi ca, dòng sông lịch sử. Men theo con nước, những đám lục bình tím ngắt ngã mình theo thuyền rẽ sóng lên xuống trong làn nước. Những tấm lưới, cây dầm, những hàng dừa nước nép mình dưới những nhà dân hai bên bờ sông đã tạo nên những trang sử hào hùng đi vào thơ ca:

"Đây con sông như dòng lịch sử

Sáng ngời lên từ thuở cha ông

Đã bao phen dòng sông cảm tử

Vùi đáy sông xác giặc tanh nồng"

(Thơ Hoài Vũ)

Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông, sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua tỉnh Tây Ninh và Long An đều mang trong mình những ký ức lịch sử hào hùng. Với mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, những hàng dừa nước xanh xanh tàu lá phây phẩy ngả mình soi bóng trong nước như những tấm lá chắn cho các anh du kích "lẫn ánh trăng vàng băng lửa đạn qua sông". Nơi đây có biết bao người con ưu tú đã không tiếc tuổi xuân, ngã xuống vì màu xanh sông Vàm Cỏ Đông.

Trải qua mấy mươi năm kháng chiến trường kỳ, dòng sông Vàm Cỏ Đông đã cùng dân đánh giặc. Dòng sông như người mẹ hiền bao bọc chở che qua bao năm tháng đạn bom kẻ thù. Với biết bao chiến công thầm lặng, dòng sông cùng với nhân dân nơi đây vẫn "chung thủy đợi chờ", vẫn vang mãi khúc hát bài "ra trận" trên dưới một lòng.

Và vẻ đẹp hữu tình của dòng sông trong thời bình

Trong chiến tranh, dòng sông anh dũng hào hùng. Trong thời bình, khi quê hương đã lặng im tiếng súng, dòng sông Vàm Cỏ Đông vẫn con nước xuôi dòng với tấp nập tàu thuyền, xuồng ghe của những ngư dân và khách thương hồ mưu sinh, khám phá vẻ đẹp sông nước. Trải qua nhiều thăng trầm, biến động của thời gian, của những kiến tạo trong thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước, sông Vàm Cỏ Đông đã có những đổi thay đáng kể. Những chiếc cầu, những khu du lịch sinh thái ven sông Vàm Cỏ Đông như gọi mời, chào đón những du khách bốn phương đến với vẻ đẹp thiên nhiên trù phú nơi đây.

Bạn hãy thử một lần trải nghiệm ngược dòng sông Vàm Cỏ Đông về phía thượng nguồn, bắt đầu từ nước bạn Campuchia, sẽ được mở rộng tầm mắt trước thiên nhiên như tranh vẽ hữu tình. Có một điều sẽ lôi cuốn bước chân ta đến đây và dừng lại để du ngoạn, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của di sản văn hóa ASEAN Lò Gà – Xa Mát tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ngồi trên chiếc thuyền ba lá, lướt nhẹ trên sông mới cảm nhận hết được nét đẹp của mây trời sông nước nơi đây, khác nào lạc vào một miền cổ tích.

Vẻ đẹp dòng sông Vàm Cỏ Đông càng trở nên kỳ vĩ với những nét văn hóa hai bên bờ sông khi ta rời khu di sản với hệ sinh thái kỳ thú ấy, xuôi theo con nước về phía hạ nguồn của đoạn sông còn lại qua các huyện thuộc tỉnh Tây Ninh và giao với địa phận tỉnh Long An.

Càng về phía hạ nguồn, ta dễ dàng bắt trọn khoảnh khắc vẻ đẹp của những cánh cò trắng lúc hoàng hôn của mùa nước nổi tràn bờ; là nét đẹp dân dã của ngư dân ven bờ thu hoạch cá tôm, sản vật mùa lũ; là hình ảnh bình yên của các nông dân đang tranh thủ gặt lúa vụ mùa, cuộn rơm trước khi con nước tràn đồng…

Trên sông, có nhiều con rạch nhỏ dẫn vào những vùng quê thanh bình, phù sa cứ thế theo từng con nước mà nặng lòng với ruộng lúa quê hương. Những cánh đồng lúa chín trĩu nặng vàng bông như nghiêng mình chào đón du khách bốn phương đến với vùng nước ngọt cây lành. Và còn gì bằng khi chúng ta vừa nghe đờn ca tài tử vừa thưởng thức đặc sản miền sông nước như canh chua cá lóc, bánh canh cá rô đồng, mắm đồng ở xã Phước Chỉ (Trảng Bàng)… Những hàng dừa xiêm sai quả, những cây thuốc quý cùng mật ong từ các cánh rừng ven sông là những sản vật địa phương được du khách ưa chuộng làm quà thơm thảo sau mỗi chuyến đi.

Dẫu làng mạc, phố xá đổi thay, tàu thuyền tấp nập, dòng sông Vàm Cỏ Đông vẫn giữ cho mình vẻ đẹp thiên nhiên cùng những năm tháng huyền thoại về lịch sử đấu tranh hào hùng. Không hẹn mà gặp, để rồi những con nước tâm tình hò hẹn như gặp lại cố nhân. Tình người, tình đất sông Vàm Cỏ Đông sẽ mãi là những hình ảnh đẹp về văn hóa sông nước phương Nam.

Miền Đông, nơi những dòng sông hò hẹn - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.