Miền Bắc đề phòng mưa giông, Tây nguyên và miền Đông Nam bộ khô hạn gay gắt

23/03/2019 07:18 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Cuối tuần, mưa có xu hướng tăng cả 3 miền. Do ảnh hưởng bởi không khí lạnh, miền Bắc có mưa trên diện khá rộng, đề phòng giông sét, lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng mưa sẽ mở rộng dần xuống miền Trung, vùng có thể mưa to là từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, càng xuống phía nam chủ yếu mưa nhỏ. Đêm và sáng sớm trời trở rét ở miền Bắc, vùng đồng bằng trung du phía đông bắc có nhiệt độ thấp nhất 15 - 18oC, vùng núi có nơi dưới 12 - 14oC.
Tuần sau không khí lạnh suy yếu nên mưa sẽ giảm nắng nhiều hơn, nhưng từ thứ năm đến cuối tuần sau lại thêm một đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa giông trở lại ở phía bắc.
Miền Trung từ Đà Nẵng trở vào có thời tiết khá dễ chịu so với các nơi khác. Chiều tối có mưa giông vài nơi tại Đà Nẵng, Quảng Nam, còn các nơi khác hầu như rất ít mưa. Nhiệt độ dao động trong khoảng 23 - 33oC, một số nơi có dấu hiệu hạn hán do ít mưa và nắng tăng mạnh.
Trong hai ngày cuối tuần, do có nhiễu động gió Đông từ biển vào gây mưa giông trái mùa ở Tây nguyên và Nam bộ. Miền Tây có mưa diện rộng hơn, riêng tại Cà Mau, Kiên Giang có nơi mưa khá lớn, vùng mưa sẽ mở rộng ra tới ven biển phía đông. Sau nhiều ngày nóng bức, đề phòng giông kèm theo sấm sét, lốc và gió giật.
Tuần sau nắng nóng và oi bức, nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh miền Đông và TP.HCM 35 - 37oC, có nơi cao hơn. Miền Tây cũng xảy ra nắng nóng ở An Giang, Long An, Cần Thơ với nhiệt độ 34 - 36oC. Độ ẩm còn thấp, hầu hết dưới 70% nên khả năng cháy rất cao, đặc biệt là các khu vực có rừng, các vùng trồng mía thuộc nam Trung bộ và Nam bộ do điều kiện khô hạn kéo dài.
Triều cường vẫn còn cao trong ngày thứ bảy, sau đó sẽ xuống nhanh. Như vậy, do triều cường và gió chướng nên trong vài ngày tới, các vùng hạ lưu sông Nam bộ nước bị nhiễm mặn, độ mặn xâm nhập sâu hơn so với đầu tháng 2 âm lịch, ảnh hưởng nhiều nhất là các tỉnh ven biển từ Tiền Giang đến Sóc Trăng và Hậu Giang, Cần Thơ. Do nắng nóng kết hợp nhu cầu bơm tưới cao nên mực nước các sông giảm, có khả năng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất vì xâm nhập mặn còn kéo dài trong 2 tháng tới.
Miền Bắc có mưa ẩm bổ sung nên chưa xảy ra hạn hán, nhưng thời tiết nồm ẩm và sương mù có lúc xuất hiện khá nhiều nên sâu cuốn lá, rầy nâu - rầy lưng trắng và châu chấu tre có thể gây hại trên diện rộng.
Tây nguyên và miền Đông Nam bộ khô hạn gay gắt, tăng cường mọi biện pháp tưới tiêu, bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây chống hạn. Phòng tránh bệnh khô cành - quả trên cây cà phê, bọ xít muỗi, bệnh thán thư gây hại trên sầu riêng và cây điều.
ĐBSCL có mưa trái mùa, lượng ẩm sẽ tăng dần và ngày nóng bức hơn, biên độ nhiệt ngày - đêm lớn, cây trồng dễ bị thiếu nước, cần tưới tiêu hợp lý, bổ sung dinh dưỡng giảm tỷ lệ rụng trái. Ngoài ra, cần theo dõi ruồi đục quả, nhện đỏ, rệp sáp gây hại trên cây bưởi và bệnh chổi rồng gây hại trên cây nhãn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.