Michel Platini kêu gọi Chủ tịch FIFA từ chức vì 'đứng trên luật pháp'

Tây Nguyên
Tây Nguyên
14/05/2020 21:42 GMT+7

Cựu chủ tịch UEFA Michel Platini vừa lên tiếng kêu gọi Chủ tịch FIFA Gianni Infantino từ chức khi “đi đêm” với Tổng chưởng lý Thụy Sĩ Michael Lauber để “đứng trên luật pháp”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí L'I Illustre được công bố hôm 13.5, ông Platini đã kêu gọi Infantino từ chức khi cho rằng quan chức này và Tổng chưởng lý Lauber bí mật dàn xếp các cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào FIFA vì nghĩ rằng họ "không thể đụng chạm tới và đứng trên luật pháp". Tuyên bố của huyền thoại bóng đá Pháp được đưa ra ngay trong ngày mà Thụy Sĩ mở thủ tục tố tụng để luận tội ông Lauber liên quan đến các cuộc họp bí mật với Infantino.

Tổng chưởng lý Thụy Sĩ Lauber đang đối mặt việc bị luận tội xung quanh cuộc điều tra nhằm vào FIFA

REUTERS

Tổng chưởng lý Lauber - người đang tiến hành điều tra về cáo buộc tham nhũng tại FIFA, sẽ bị đưa ra trước ủy ban tư pháp của Quốc hội Thụy Sĩ, theo AFP. Ông Lauber - công tố viên hàng đầu của Thụy Sĩ, sẽ được thẩm vấn trong cuộc họp tiếp theo của ủy ban vào ngày 20.5. Ủy ban của các nhà lập pháp sau đó dự kiến sẽ quyết định về việc có thể mở rộng khiếu nại điều tra đối với ông Lauber.
Tại Thụy Sĩ, Tổng chưởng lý được lựa chọn bởi các nghị sĩ. Lauber đã bị điều tra bởi cơ quan giám sát liên quan đến các cuộc họp bí mật với Chủ tịch FIFA Infantino vào năm 2016. Ủy ban trên cho biết họ đã ghi nhận quyết định kỷ luật của cơ quan giám sát vào ngày 2.3 để xử phạt Lauber bằng cách cắt giảm lương của ông này.
Cuộc điều tra cho thấy Lauber đã phạm "những vi phạm rất nghiêm trọng" trước đó. Ủy ban tư pháp cho biết: "Chúng bao gồm các tuyên bố gian dối, vi phạm nghĩa vụ trung thành hoặc cản trở cuộc điều tra kỷ luật". Ông Lauber đã kháng cáo quyết định kỷ luật khi cáo buộc cơ quan giám sát đã có một số lỗi thủ tục, vượt quá quyền hạn của mình và thiếu công bằng.

Chủ tịch FIFA Infantino (trái) từng là "lính" của Platini ở UEFA

AFP

FIFA chưa bao giờ phủ nhận các cuộc họp bí mật giữa Infantino và Lauber, đồng thời nói rằng họ luôn "sẵn sàng hợp tác với hệ thống tư pháp Thụy Sĩ". Nhưng sự không chắc chắn về mặt pháp lý trong đó các cuộc họp bí mật diễn ra đã đặt ra câu hỏi về sự thông đồng tiềm năng giữa các công tố viên Thụy Sĩ và FIFA, tổ chức có trụ sở tại Zurich.
Thụy Sĩ đã theo đuổi một số cuộc điều tra kể từ sau cuộc đột kích của cảnh sát vào một khách sạn sang trọng ở Zurich vào tháng 5.2015 đã dẫn đến việc bắt giữ nhiều quan chức FIFA và phơi bày bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Tổng cộng, hơn 20 thủ tục tố tụng FIFA đã được mở tại Thụy Sĩ trong 5 năm qua về các cáo buộc tham nhũng, mua phiếu bầu đăng cai World Cup, bê bối hối lộ để trao các hợp đồng bản quyền truyền hình.
Trong những cáo buộc trên, ông Infantino được cho là có dính líu đến một số cáo buộc khi chưa được bầu làm Chủ tịch FIFA vào năm 2016. Ông Infantino trước đó từng là “cánh tay phải” với vị trí tổng thư ký khi Platini còn giữ chức Chủ tịch UEFA. Danh thủ Pháp bị cách chức và cấm hoạt động bóng đá 4 năm (vừa mãn hạn hồi cuối năm ngoái) liên quan đến việc nhận một khoản tiền hơn 2 triệu USD mờ ám từ FIFA được cựu chủ tịch Sepp Blatter ủy quyền. Nhờ Platini và Blatter (người từ chức năm 2016) bị cấm, ông Infantino đã có cơ hội để ứng cử vào chiếc ghế quyền lực nhất bóng đá thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.