Metaverse 'cất cánh', Sharp đặt cược vào phần cứng thực tế ảo

Hiển Đạt
Hiển Đạt
09/03/2022 19:16 GMT+7

Sau nhiều năm âm thầm phát triển màn hình thực tế ảo (VR) công suất cao, Sharp bắt đầu thu lợi nhuận nhờ metaverse.

Từ năm 2016, Sharp đã bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực phát triển VR, sau khi hãng điện tử Foxconn (Đài Loan) mua lại và dành nhiều nguồn lực hơn cho các thị trường ngách, lợi nhuận cao hơn như thực tế ảo và các giải pháp ô tô.

Theo các nguồn tin thân cận của công ty cung cấp cho Nikkei Asia, mảng VR đã bắt đầu tạo doanh thu có ý nghĩa cho Sharp kể từ năm ngoái, với lượng màn hình VR cao cấp hằng tháng vượt mốc 1 triệu chiếc kể từ giai đoạn tháng 10 - 12.2021. Bên cạnh đó, công ty cũng trở thành nhà cung cấp màn hình chủ yếu cho tai nghe Oculus Quest 2 do Meta, công ty mẹ của Facebook, sản xuất.

Sau 5 năm lấn sân, mảng VR của Sharp đã bắt đầu tạo doanh thu có ý nghĩa

AP

Các lô hàng màn hình VR của Sharp đạt doanh thu hơn 200 triệu USD cho cả năm 2021, dựa trên chi phí ước tính khoảng 50 đô la cho mỗi màn hình, theo phân tích và phỏng vấn của Nikkei Asia. Trong mỗi thiết bị VR, màn hình và chip xử lý được cho là hai thành phần đắt tiền nhất.

Nhu cầu thực tế ảo "chạy đua" cùng metaverse

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng các thiết bị thực tế ảo đã có sự tăng trưởng đột biến. Ngoài ra, sự xuất hiện của metaverse và xu hướng bùng nổ của nó cũng góp phần không nhỏ trong thúc đẩy nhu cầu thiết bị VR.

"Hình ảnh rất quan trọng đối với trải nghiệm trong metaverse. Những nỗ lực kéo dài nhiều năm của Sharp trong lĩnh vực VR sẽ mang lại cho công ty lợi thế để đảm bảo luôn nằm ở top đầu trong ngành công nghiệp metaverse đang bùng nổ", một nguồn tin nói với Nikkei Asia.

Quay trở lại tháng 10.2021, Facebook chính thức đổi tên thành Meta để thể hiện cam kết của công ty trong việc thúc đẩy metaverse và tận dụng các cơ hội kinh doanh của mình. Không lâu sau đó, Meta đã dẫn đầu thị trường thiết bị VR mà trong đó Sharp đóng vai trò là một trong những nguồn cung cấp màn hình tối quan trọng.

Mặc dù tiên phong trong metaverse, Meta chỉ là một trong số nhiều công ty công nghệ đặt cược vào metaverse làm xu hướng phát triển cho mình. Cụ thể, Microsoft đã có kính thực tế hỗn hợp HoloLens, trong khi đó Apple được cho là đang phát triển thiết bị thực tế tăng cường đầu tiên của mình.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng "đu" theo làn sóng Metaverse. ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cũng đã lấn sân sang lĩnh vực thực tế ảo vào năm ngoái khi mua lại công ty khởi nghiệp Pico VR. Ngoài ra, DPVR, một công ty khởi nghiệp về thiết bị VR được thành lập vào năm 2015, hiện là một trong những công ty dẫn đầu toàn cầu về các lô hàng.

Không những thế, các ông lớn công nghệ ở Trung Quốc, có thể kể đến như Tencent, Alibaba hay Baidu, đã đăng ký nhiều nhãn hiệu liên quan đến metaverse.

Thống kê bởi IDC, dòng Oculus hàng đầu của Meta chiếm 75% thị trường VR độc lập. Theo sau đó là DPVR và Pico VR lần lượt giữ vị trí số 2 và số 3.

Bên cạnh đó, IDC dự kiến thị trường thiết bị thực tế ảo và thực tế tăng cường dự kiến ​​sẽ tăng lên 32,8 triệu thiết bị vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 45,9%.

Đảm bảo chuỗi cung ứng đạt chất lượng và những thách thức

Foxconn, công ty mẹ hiện tại của Sharp, sẽ "chắc chắn" đảm bảo một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng liên quan đến metaverse, theo Chủ tịch Young Liu. Vào tháng trước, nhà lắp ráp iPhone này cho biết họ đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với Xrspace, một nhà sản xuất các mô hình 3D của Đài Loan, với mục tiêu nghiên cứu cơ sở hạ tầng metaverse. Trong kế hoạch hợp tác này, Foxconn sẽ rót vốn đầu tư tới 100 triệu USD vào Xrspace trong những năm tới.

Chia sẻ với Nikkei Asia, Sharp cho biết họ đã "tập trung vào AR/VR như một lĩnh vực tăng trưởng mới và số lượng tấm nền LCD xuất xưởng cũng đang tăng nhanh chóng" trong những năm gần đây. Công ty cho biết họ có mọi công nghệ "không thể thiếu đối với lĩnh vực VR/AR" và sẽ 'tăng cường hơn nữa ưu thế trong lĩnh vực".

Do được đặt gần mắt người dùng, màn hình cho thiết bị VR yêu cầu mật độ điểm ảnh lên đến 800 pixel mỗi inch (PPI), cao hơn gần gấp đôi so với màn hình iPhone 13 Pro, một trong những điện thoại thông minh cao cấp nhất trên thị trường tính đến thời điểm hiện tại, chỉ đạt 460 PPI. Không những vậy, một số chuyên gia trong ngành còn cho rằng yêu cầu độ phân giải màn hình VR có thể sẽ sớm tăng lên mức 1.200-1.300 PPI và đây sẽ là một thử thách lớn đối với Sharp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.