Mệt mỏi, khó thở, nhập viện phát hiện bị nhồi máu cơ tim, suy thận nặng

Lê Cầm
Lê Cầm
14/01/2024 11:39 GMT+7

Nam bệnh nhân T.V.N (64 tuổi, ngụ TP.Tân Uyên, Bình Dương) nhập viện trong tình trạng mệt, khó thở nhiều, phù cổ chân hai bên... Bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, phù phổi, suy thận cấp giai đoạn nặng.

Nhồi máu cơ tim kèm nhiều biến chứng nguy hiểm, đe doạ tính mạng 

Ngày 14.1, bác sĩ chuyên khoa 2, chuyên gia tim mạch Dương Duy Trang, Phó giám đốc Bệnh viện Gia An 115, cho biết: Qua khai thác tiền sử bệnh cho thấy, bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh thận mạn giai đoạn 5. Thời gian qua, bệnh nhân thường có những cơn mệt, khó thở nhưng không điều trị. Một tháng trở lại đây, những cơn mệt, khó thở liên tục xuất hiện, tăng cả khi vận động và khi nghỉ ngơi.

"Kết quả cận lâm sàng cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim dưới nội mạc cấp, kèm với đó là phù phổi cấp, suy thận cấp, suy tim độ 4 - tình trạng vô cùng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời", bác sĩ Trang cho biết.

Sau khi hội chẩn nhanh đa chuyên khoa, các bác sĩ quyết định điều trị nội khoa tích cực xử trí cơn nhồi máu cơ tim và các tình trạng suy tim, suy thận, phù phổi cấp. Song song đó, theo dõi sát sao và sẵn sàng chạy thận nhân tạo, lọc máu liên tục nếu cần thiết. Đối với tình trạng bệnh mạch vành - nguyên nhân gây cơn nhồi máu cơ tim - sẽ được can thiệp xử lý sau khi người bệnh đã qua cơn nguy hiểm.

Nhờ sự điều trị tích cực và theo dõi sát sao của các bác sĩ, bệnh nhân đã đáp ứng điều trị nội khoa, tình trạng diễn tiến tốt. Sau 4 ngày điều trị nội khoa, bệnh nhân được tiến hành chụp và can thiệp đặt stent động mạch vành...

Bác sĩ Trang cho biết, nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm, được xếp vào dạng biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành, cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trong các bệnh lý tim mạch. Bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như bệnh nhân N., cơn nhồi máu cơ tim có thể kéo theo nhiều biến chứng rất nguy hiểm khác, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Bác sĩ Dương Duy Trang đánh giá, đối với trường hợp bệnh nhân N. dù tình trạng lúc nhập viện rất nặng khi cùng lúc nhồi máu cơ tim, phù phổi, suy thận cấp, suy tim độ 4 nhưng may mắn bệnh nhân đã đáp ứng điều trị nội khoa tốt, do đó không phải tiến hành chạy thận nhân tạo, lọc máu liên tục, tránh được nhiều rủi ro. Sau khi can thiệp đặt stent động mạch vành, tình trạng bệnh nhân diễn tiến rất tốt. Bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng ổn định.

Mệt mỏi, khó thở, nhập viện phát hiện bị nhồi máu cơ tim, suy thận nặng- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám và theo dõi sức khỏe bệnh nhân sau khi đặt stent

H.A

Hai triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp

Bác sĩ Trang cho biết, đau thắt ngực và khó thở là triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp. Ngoài hai triệu chứng này, bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác tức nặng ngực; đau ở ngực, lưng, hàm và các nơi khác ở nửa trên cơ thể kéo dài trên 1 phút hoặc biến mất và quay trở lại; đổ mồ hôi lạnh; buồn nôn, nôn; choáng váng hay chóng mặt đột ngột, nhịp tim nhanh... Tuy nhiên, do các triệu chứng có thể thoáng qua, mơ hồ nên bệnh nhân cần cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, dù là nhỏ nhất. Nếu phát hiện các triệu chứng cảnh báo nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay và điều trị chuyên khoa tim mạch tích cực để không nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi điều trị, bệnh nhân cần dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đều đặn. Bên cạnh đó, cần thay đổi lối sống để có lối sống tích cực (ngưng sử dụng thuốc lá, rượu bia, nên tập luyện thể dục, thể thao, tránh căng thẳng trong cuộc sống...), thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tốt cho tim mạch (hạn chế ăn mặn; tránh sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ; nên ăn nhiều trái cây và rau củ...) để ngăn ngừa tái phát.

Một số yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cấp là: hút thuốc lá, lối sống thụ động, không vận động thường xuyên, các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, gout, rối loạn lipid máu, chế độ ăn không lành mạnh… Ngoài ra, nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp còn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như tuổi tác (độ tuổi trung niên), giới tính (nam giới), tiền sử gia đình có bệnh lý tim mạch. Nếu có các yếu tố nguy cơ, cần đặc biệt chú ý việc kiểm tra, tầm soát định kỳ và có lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.