Mẹ Việt ở Pháp: Thế giới 'đứng yên' vì Covid-19, tôi chọn không về!

24/03/2020 13:16 GMT+7

Lệnh phong tỏa đất nước ban ra để ngăn dịch Covid-19 , tất cả người dân ở Pháp, trong đó có tôi, phải tập làm quen với nhịp sống mới - ở yên trong nhà. Tôi chọn không về Việt Nam vì có lý do của mình.

Không tụ tập bạn bè tán gẫu, không nhà hàng - café, không rạp chiếu phim, không triển lãm bảo tàng, không ghế đá công viên... Điều này xem ra chẳng dễ chịu chút nào ở Pháp - một quốc gia có nền tự do, dân chủ, nhân nquyền được đặt lên hàng đầu. 

Một nước Pháp đứng im, một châu Âu bất động

Những ngày đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan ở châu Âu, mọi hoạt động ở Pháp dường như không bị ảnh hưởng. Trẻ con vẫn đi học, mọi người vẫn đi làm. Chính phủ lúc bấy giờ chỉ tạm dừng các sự kiện quy mô 5.000 người trở lên. Tôi - một bà mẹ Việt có hai con nhỏ đang ở bậc tiểu học bồn chồn, lo lắng. Dịch bệnh tiến triển với cấp số nhân, tôi sợ chẳng may con mình nhiễm bệnh, bệnh viện quá tải biết làm thế nào.
Lo lắng đó kéo dài không lâu, vài ngày sau, tổng thống ban lệnh đóng cửa các trường học trên toàn nước Pháp. Tôi nhẹ nhõm như trút được gánh nặng.
Tuy nhiên tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan với tốc độ kinh hoàng. Cứ hai ba ngày, số người nhiễm bệnh lại tăng lên gấp đôi. Liệu con số nhìn thấy là bề nổi của tảng băng chìm? Còn bao nhiêu người nữa đã nhiễm bệnh nhưng chưa xét nghiệm, thậm chí chưa biết mình đang nhiễm virus mà lại tung tăng khắp nơi?  
Một chủ tiệm nail nhắn vào nhóm người Việt xa xứ: chị đang có khoảng 4.000 khẩu trang y tế, làm cách nào để cho đi?
Ngày 16.3, Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình, lặp đi lặp lại câu “chúng ta đang trong chiến tranh”, để nhấn mạnh tính nghiêm trọng của đại dịch, để người dân ý thức được việc "ở yên trong nhà" là bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Ông trấn an dân chúng, đảm bảo người dân vẫn có thu nhập và việc làm, không để bất cứ doanh nghiệp nào phải phá sản. Trước mắt, lệnh phong toả thực hiện trong 15 ngày, có thể sẽ kéo dài hơn, trừ năm trường hợp ngoại lệ gồm: đi làm nếu công việc bắt buộc phải hiện diện (đài phát thanh, truyền hình, bác sĩ, lao công…), đi chợ mua nhu yếu phẩm, lý do gia đình hoặc giúp người cao tuổi, di chuyển trong phạm vi hẹp quanh nơi ở (mua thuốc, khám bệnh…), rèn luyện thể thao cá nhân.
Không chỉ nước Pháp, các nước Liên minh châu Âu đóng cửa biên giới. Sống ở đây lâu rồi, chưa khi nào tôi tưởng tượng có lúc nước Pháp đứng im, châu Âu bất động như những ngày vừa qua. Chúng tôi chính thức bước vào cuộc chiến làm chậm tốc độ lây lan của con virus, để các bệnh viện, cơ sở y tế trong nước có thể cứu chữa người dân một cách tối đa.

Ở nhà làm gì?

Chồng tôi không đến cơ quan nhưng sinh hoạt dường như không thay đổi mấy. Anh thức dậy  lúc 6 giờ 30 sáng, điểm tâm và ngồi vào bàn làm việc, họp, điện thoại cho đến tối, chỉ ăn trưa nửa tiếng cùng ba mẹ con tôi.
Hai đứa con gái 10 tuổi và 7 tuổi làm gì cho hết ngày? Cô giáo trao đổi với phụ huynh qua blog, giao bài tập. Cô dặn chúng lên kế hoạch hằng ngày cho hôm sau, ghi lại hoạt động một ngày như kiểu nhật ký.
Tôi tranh thủ mỗi ngày dạy con đọc một chút tiếng Việt. Bọn trẻ thường xuyên trò chuyện qua điện thoại và internet với ông bà nội ở Pháp, ông bà ngoại ở Việt Nam.

Tôi không về - việc đùm túm cả gia đình bốn người đi lại giữa hai châu lục lúc này không phải phương án tốt nhất bảo vệ sức khỏe gia đình trước dịch bệnh

Gia đình tôi sống ở ngoại ô Paris, trời đẹp các con có thể ra vườn chạy nhảy. Chúng tôi vẫy tay chào hỏi hàng xóm từ xa chứ không ôm và hôn má như mọi khi nữa. Mùa xuân đang đến, nắng ấm chan hòa. Cây cối đua nhau đâm chồi nẩy lộc. Hoa nở khắp nơi. Tôi làm vườn, cắt cây, tỉa cành. Khóm mẫu đơn, cúc họa mi đang vén đất lún phún mọc lên. Tôi tưới thêm chút nước cho chúng.
Không ra ngoài mua hoa, tôi vẫn cắm được một bình lá đẹp hái trong vườn. Ngày bình thường suốt 12 năm ở Pháp, bình yên này đôi khi làm tôi thấy tẻ nhạt. Nhưng bây giờ, giữa bộn bề công việc phải tạm ngưng, tôi lại muốn níu giữ đôi chút thảnh thơi.

Bố người Pháp cùng 2 con gái làm bếp trong thời gian "ở nhà ngăn dịch Covid-19"

NVCC

Buổi tối, bọn trẻ tập đàn. Tối qua, ông bố Pháp đã giới thiệu với hai con gái một phim tài liệu chiến tranh Việt Nam. Ba bố con ngồi xem trong khi tôi dọn dẹp bếp núc sau bữa ăn tôi. Đêm đến yên tĩnh, nhẹ nhàng. Ngoài kia, các bác sĩ, nhân viên y tế, cảnh sát, gia đình những bệnh nhân mắc virus không qua khỏi, đêm với họ hẳn rất dài và mệt mỏi lắm.
Vài người bạn trên Facebook của tôi đã chia sẻ video người dân Paris mở cửa sổ, ra ban công vào lúc 8 giờ tối, vỗ tay như thông điệp cảm ơn các bác sĩ, nhân viên y tế - những người chịu nhiều vất vả, áp lực nhất.
Pháp là quốc gia đa chủng tộc, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, người châu Á có bề ngoài hao hao Trung Quốc là Việt Nam, Thái Lan, Nhật... tự dưng biến thành người Trung Quốc trong cái nhìn của dân bản xứ.
Cô bạn người Nhật của tôi kể lại: khi Pháp chỉ mới có hơn chục ca nhiễm Covid-19, cô ngồi trong tàu điện cùng con gái. Những người xung quanh đột nhiên dạt hẳn ra. Hàng ghế đối diện không ai bước đến ngồi. Riêng tôi cũng từng vài ba lần bắt gặp ánh mắt dè chừng, đôi khi hằn học, bực tức nhắm vào mình, cứ như thể tôi là tội đồ phát tán virus. Tôi học cách phớt lờ với ý nghĩ: đó là những kẻ ngu ngốc.
Có gì lạ đâu, 5 năm trước, khi Paris liên tục bị khủng bố, ánh mắt kỳ thị đã dồn về những người Hồi giáo đó thôi! Ở một quốc gia đa chủng tộc, phải chấp nhận sống chung với những người khác biệt lẫn cá biệt.
Sau công bố đóng cửa các trường học rồi lệnh phong tỏa đất nước, người dân hoang mang đổ xô đi mua thực phẩm, cả giấy vệ sinh nữa. Tôi vẫn đi chợ cho một tuần, hoàn toàn không trữ thực phẩm. Tôi mua nhiều hơn vì bây giờ cả nhà cùng ăn trưa và tối với nhau.
Trước ngày thực hiện lệnh phong toả, tôi ghé siêu thị định mua một ít khoai tây. Hỡi ôi, các kệ hàng thực phẩm có thể trữ lâu trống trơn. Không có cảnh tranh giành, mọi người xếp hàng đợi đến lượt mình thanh toán tiền. Tội nghiệp nhân viên siêu thị, họ phải làm việc cực nhọc gấp mấy ngày thường.
Khi con người rơi vào cảm giác bất an, chông chênh sợ hãi, ở nơi nào cũng vậy, bản năng khiến chúng ta chỉ nghĩ làm sao để sinh tồn. Chính phủ khẳng định nước Pháp đủ lượng thực cung cấp cho dân ít nhất đến hết mùa hè (bây giờ mới đầu Xuân). Tôi có cơ sở để tin điều đó.
Những ngày này, đi siêu thị mua thức ăn, tôi phải thủ sẵn tờ khai lý do phòng hờ cảnh sát chặn hỏi. Ai ra ngoài nhởn nhơ, không tờ khai, không trong 5 lý do được phép, sẽ bị phạt 135 euro, mời về sở cảnh sát vài tiếng đồng hồ cho bớt nổi loạn.
Ba ngày không bước chân ra ngoài, hôm nay tôi quay lại siêu thị. Hàng hoá lại đầy ngập như thể chưa từng bị vơi đi. Thỉnh thoảng lại nghe loa phát thanh siêu thị nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách an toàn. Siêu thị vắng người, tôi chả cần đợi lâu thanh toán tiền. Tôi nghe một khách hàng nhắn nhủ nhân viên siêu thị: "Cố lên nhé!" thay cho câu "chào tạm biệt, chúc một ngày tốt lành."

Không muốn trở thành gánh nặng cho chính phủ, đồng bào mình

Ngày 1.3, Pháp mới có 100 người nhiễm bệnh, Việt Nam đã chữa khỏi 16 bệnh nhân và hiện không có ca bệnh nào. Tôi thường tự hào nói với chồng: "Sát biên giới với Trung Quốc nhưng Việt Nam không để dịch bệnh ây lan. Bệnh nhân không ai tử vong cả".
Sau đó, đài Mỹ đài Pháp phát bài hát phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, kèm theo nhận xét, đánh giá cao Việt Nam khống chế hiệu quả dịch bệnh. Tôi đem bài hát đã dịch sang tiếng Pháp trên truyền hình Pháp khoe với chồng. Anh ấy thích thú bảo tôi gửi đường link, sáng mai vào công ty cho bạn bè đồng nghiệp xem.

Tôi có thêm thời gian để hôn những người mình yêu thương nhiều hơn. Trò chuyện với cha mẹ lâu hơn. Đọc xong quyển sách đang dở đã lâu. Sống chậm lại để soi rõ trái tim mình.

10 ngày nay, số người nhiễm bệnh ở châu Âu và Mỹ tăng chóng mặt, mọi người rôm rả bình luận "Âu - Mỹ chủ quan, phen này toang rồi". Trên thực tế, mỗi vùng, mỗi đất nước phản ứng, giải quyết vấn đề tùy theo quan điểm chính trị, văn hóa, tư tưởng xã hội. Không thể lấy cách làm của nước này áp dụng lên nước kia.
Vài người bạn của tôi nhắn nhủ: "Châu Âu nhiều người nhiễm bệnh quá, về Việt Nam đi cho an toàn!". Tôi không về - việc đùm túm cả gia đình bốn người đi lại giữa hai châu lục lúc này không phải phương án tốt nhất bảo vệ sức khỏe gia đình trước dịch bệnh. Máy bay và sân bay là nơi dễ lây nhiễm nhất. Tôi lại càng không muốn trở thành gánh nặng cho chính phủ, đồng bào mình khi về tới quê hương.
Chồng tôi vẫn làm việc, chỉ không đến văn phòng. Bọn trẻ ở nhà chơi nhưng vẫn phải học. Công viên, nhà hàng, rạp chiếu phim đóng cửa. Không sao, chúng tôi giải trí, sinh hoạt tại gia. Chúng tôi tuân theo quy định nơi mình sống. Bạn bè Việt của tôi ở đây không ai kéo nhau về Việt Nam lúc này dù chính phủ vẫn mở cửa, nuôi cơm cách ly, chăn giường ấm. Có lẽ ai cũng vướng bận công việc và cùng suy nghĩ như tôi.
Tôi lên mạng theo dõi tin tức, cập nhật tình hình quê hương trên các trang báo chính thống lẫn mạng xã hội. Số ca nhiễm bệnh ở Việt Nam cứ nhích dần, nhích dần lên. Hôm nay con số đã là 123. Tôi sốt ruột nhắn tin dặn dò bố mẹ, gia đình. Chúng tôi bên nhau mỗi ngày, chỉ xa khoảng cách địa lý mà thôi.
Thông tin Việt kiều về nước tránh dịch Covid -19 làm sân bay quá tải", Vietnam Airline tạm dừng các đường bay Việt Nam - Pháp, nhóm hành khách làm náo loạn sân bay... Từ vài cá nhân ban đầu, những người xa xứ về Việt Nam lúc này hầu hết là du hoc sinh, lao động nước ngoài cũng bị cư dân mạng đả kích. Tôi bị cuốn vào mớ thông tin hỗn loạn đó với đủ cung bậc cảm xúc...
Nhưng niềm tin vào những điều tố đẹp khác vẫn còn đó.

Hai cô con gái chơi trong sân nhà

NVCC

Ở Pháp, khẩu trang hiện nay không kịp sản xuất cho đội ngũ bác sĩ, y tá, bệnh nhân. Một chủ tiệm nail nhắn vào nhóm người Việt xa xứ: chị đang có khoảng 4.000 khẩu trang y tế, làm cách nào để cho đi?
Hình ảnh bộ đội màn trời chiếu đất ở vùng giáp biên giới, thêm cảnh các bạn tình nguyện viên nhường chiếu giường cho người Việt ở nước ngoài về, đang trong thời gian cách ly khiến tôi quá xúc động. Người Việt mình ở đâu cũng giàu lòng nhân ái. Tự nhiên thoảng trong tâm trí tôi lời một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng... Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...”
Thế giới đang dừng lại. Tôi có thêm thời gian để hôn những người mình yêu thương nhiều hơn. Trò chuyện với cha mẹ lâu hơn. Đọc xong quyển sách đang dở đã lâu. Sống chậm lại để soi rõ trái tim mình. Và tôi vẫn còn nhiều ngày “ở yên trong nhà” để thưc hiện điều đó.
Tính đến sáng 24.3, Pháp đã có 16.689 người nhiễm Covid-19, trong đó có 674 người đã thiệt mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.