Mẹ Việt ở châu Phi: Sạch túi vì cú lừa trả tiền chuyển nhầm thời phong tỏa

22/12/2021 12:12 GMT+7

Hưởng ứng quy định hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, mẹ Việt cùng 3 con ở Kenya từng rơi vào cảnh dở khóc dở cười ở thời điểm nước này giãn cách phòng dịch Covid-19 vì trả lại tiền cho người chuyển khoản nhầm.

Ở thời điểm Kenya áp dụng các lệnh hạn chế toàn quốc để phòng dịch Covid-19 năm ngoái, một trong những điểm tôi thấy hợp lý là quy định hạn chế sử dụng tiền mặt trong mua bán.

Kenya có dịch vụ M-pesa (một dạng ví điện tử) của Safaricom - công ty truyền thông lớn nhất quốc gia, kiểu như Momo hay Zalo pay ở Việt Nam. Người dùng có thể sử dụng M-pesa để thanh toán mọi thứ từ phí điện, nước, dịch vụ điện thoại, thuê bao truyền hình cáp cho đến đi chợ, đi ăn nhà hàng, khám bệnh, trả tiền taxi, đóng học phí, thậm chí là mua rau ở sạp bán lẻ ngoài đường. Người dùng chỉ cần đăng ký dịch vụ này tại bất cứ cửa hàng nào của Safaricom thông qua số điện thoại hợp lệ là dùng được. Để nạp tiền vào tài khoản M-pesa, người dùng nộp tiền mặt trực tiếp tại điểm dịch vụ M-pesa ở bất kỳ đâu hoặc chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản M-pesa thông qua dịch vụ e-banking. Hầu như ở Kenya ai cũng dùng M-pesa nên việc giao dịch rất thuận tiện và nhanh chóng. Nhiều lần tôi đi chợ mà chẳng cần mang ví theo người ngoài chiếc điện thoại có kết nối internet.

Những cú lừa qua điện thoại khiến nhiều người mất sạch tiền trong tài khoản

ảnh minh họa: shutterstock

Một lần, khi tôi tám chuyện với mẹ chồng ở Ý, bà bảo là nhà hết tiền mặt nên không thể thanh toán tiền vận chuyển đồ từ siêu thị do có lệnh phong tỏa, vì vậy bà phải nhờ một người hàng xóm ra máy ATM rút tiền hộ.

“Tầm này ở Ý người ta vẫn đòi tiền mặt hả mẹ? Bên Kenya có dịch vụ trả tiền qua điện thoại vừa tiện vừa vệ sinh, công nghệ tiên tiến này mà nhẽ Ý không có sao?”, tôi thắc mắc. “Rất tiếc là không, siêu thị vẫn yêu cầu trả bằng tiền mặt nếu mẹ đặt mua đồ mang đến tận nhà”. Hóa ra châu Phi có cái đi trước cả châu Âu.

Cũng vì cái “đi trước” này mà tôi đã một lãnh cú lừa cay đắng, một trong những kỷ niệm mà tôi sẽ không bao giờ quên trong mùa dịch Covid-19 ở châu Phi.

Số là để hưởng ứng quy định hạn chế giao dịch bằng tiền mặt của chính phủ, tôi quyết định sẽ sử dụng M-pesa là chủ yếu. Vì vậy, tôi nạp một khoản tiền kha khá vào ví điện tử để trang trải chi phí chợ búa cho 4 mẹ con (khoảng 50 ngàn shilling, tức 10 triệu Việt Nam đồng). Như vậy, khi cần mua bất cứ thứ gì, tôi chỉ cần mỗi chiếc điện thoại là xong.

Một chiều, khi đang lúi húi chuẩn bị bữa tối trong bếp thì tôi nhận được một cuộc điện thoại. “Xin chào, tôi là Nelson. Tôi vừa chuyển nhầm vào tài khoản M-pesa của chị 2.870 shilling (khoảng 28 đô la, tức 560.000 đồng). Chị có thể kiểm tra trong mục tin nhắn và xác nhận giúp tôi được không ạ?," giọng một người đàn ông vang lên trong máy

Đúng là mỗi lần thanh toán tiền hoặc chuyển tiền qua M-pesa cho ai, tôi đều nhận được tin xác nhận dịch vụ của tổng đài. Tôi mở hộp tin nhắn thì quả là có tin xác nhận đã nhận được 2.870 shilling từ Nelson X. Ý nghĩ đầu tiên thoáng qua trong đầu tôi là "Tội nghiệp anh Nelson, tự dưng mất tiền oan. May là anh ta đã gửi nhầm tiền vào tài khoản của một bà mẹ nhạy cảm".

Sau cú lừa chuyển tiền, kẻ lừa đảo đã khóa sim chiều gọi đi máy điện thoại của nạn nhân

ảnh minh họa: shutterstock

"Ồ đúng rồi, tôi có nhận được số tiền này. Làm sao để tôi hoàn lại nó cho anh đây?," tôi hỏi. "Một nhân viên của Safaricom sẽ gọi lại để hướng dẫn chị cách hoàn tiền qua M-pesa. Chị vui lòng trả lời khi anh ta gọi đến nhé. Cảm ơn rất nhiều và xin lỗi đã làm phiền chị".

Lịch sự thế này thì phải trả lại người ta tiền là đúng rồi. Lấy tiền của người không quen là không tốt, đồ không phải của mình dứt khoát không được giữ, tôi nghĩ thầm, tay vẫn thoăn thoắt nấu nướng. Tôi muốn chuẩn bị xong bữa ăn trước khi cô giúp việc ra về để quản lý 3 đứa trẻ dễ hơn.

Reng reng, một số điện thoại trông rất giống số của call-center gọi tới. Hẳn là người của M-pesa gọi về vụ chuyển nhầm tiền đây. Giọng một người đàn ông vang lên từ đầu dây bên kia: "Xin chào, chị có phải là PVPH, chủ nhân của số điện thoại 07xxx không ạ?".

Ồ anh ta biết cả họ cả tên của tôi cơ à? Thế thì đúng là tổng đài của Safaricom rồi, vì tôi đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân khi mua số điện thoại này mà!

"Vâng, tôi đây". "Tôi là nhân viên của Safaricom gọi tới về vấn đề chuyển nhầm tiền của khách hàng Nelson X. Tôi sẽ hướng dẫn chị cách hoàn lại số tiền này vào tài khoản M-pesa của anh Nelson. Chị vui lòng làm theo chỉ dẫn sau đây nhé!". "Rất sẵn lòng," tôi vui vẻ trả lời. 2.800 shilling là tiền đi chợ của cả một gia đình đấy. Nhất định tôi phải trả lại cho người ta thôi!

Những kẻ lừa đảo thường sử dụng các thuật toán để thực hiện lệnh chuyển tiền trên hệ thống

ảnh minh họa: shutterstock

"Chị hãy nhấn số xxx, bấm tiếp ký tự # rồi yyy, sau đó bấm 3-8-5-0-0". “Sao lại là số 38500 vậy? Phải là 2800 chứ?," tôi thắc mắc. "À, đây là những bước thủ tục ban đầu, không sao đâu! Chị cứ nhấn các ký tự mà tôi đọc đi," người đàn ông trả lời với giọng chắc chắn.

Tôi ngoan ngoãn thao tác theo hướng dẫn, không quên nếm thử thìa súp đang sôi sùng sục trên bếp lửa. Món cà-ri gà sắp chín rồi, 5 phút nữa là tôi mình có thể tắt bếp. "Mình còn quên chưa nấu món gì không nhỉ?", tôi tự hỏi.

"Bây giờ chị hãy nhấn tiếp số zzz, ký tự *, rồi 1-0-0-0-0". "Xong, rồi sao nữa?". "Chị hãy nhấn abc ### xyz… Chúng ta sắp xong rồi". "Sao nhiều thao tác vậy? Mà tôi không hiểu rõ những câu anh nói sau cùng. Xin lỗi, tiếng Anh của anh khó nghe quá," tôi hỏi khi không hiểu được người đàn ông nói gì. "Chị hãy nghe tôi, để tôi nhắc lại thao tác…". "Tôi không hiểu, để tôi đưa máy cho người giúp việc, anh giải thích với chị ấy nhé!".

Tôi gọi cô giúp việc nhờ nghe máy dùm. Tôi nghe cô ấy nói tiếng Anh một lát rồi chuyển sang tiếng địa phương, thế rồi họ bắt đầu cãi nhau trên điện thoại. Cô ấy đưa máy lại cho tôi và bảo: "Chị dập máy đi! Hình như đây là bọn lừa đảo đấy. Đừng nghe anh ta, hãy gọi đến trung tâm để kiểm tra".

Tôi dập máy trong khi người đàn ông vẫn lải nhải rằng ở đầu dây bên kia. Chúng tôi cố gắng mãi vẫn không kết nối được với tổng đài của Safaricom, không lẽ nhân viên trực tổng đài cũng nghỉ ở nhà vì Covid-19 rồi sao?

Vừa lúc này, tôi nhận được tin nhắn từ tổng đài xác nhận 2 lần chuyển tiền với 38.500 shilling ở lần đầu (đúng con số mà kẻ lừa đảo yêu cầu tôi gõ vào máy) và 10.000 shilling cho lần hai, tổng cộng 48.500 shilling tức khoảng 450 đô la, tương đương gần 10 triệu đồng, đến một số điện thoại lạ, tôi tá hỏa bảo với cô giúp việc: "Tình hình này chắc tôi phải đến đại lý của Safaricom nhờ kiểm tra thôi. Phiền cô ở lại thêm giờ trông giúp tôi 3 đứa trẻ nhé!". Vì chưa tới giờ giới nghiêm nên tôi vẫn có thể ra ngoài và tôi nên tận dụng điều này để giải quyết ngay mọi việc

Hãng taxi quen thuộc gửi đến một tài xế mới có gương mặt hiền lành. Tôi nói sơ qua với ông ấy về vấn đề vừa gặp phải và nhờ ông đưa tới một đại lý của Safaricom gần nhất, đồng thời yêu cầu ông đợi trong thời gian tôi xử lý sự việc. Đây là thói quen mà tôi đã có được khi sống ở Kenya khi trước khi đi đâu, tôi luôn hỏi các tài xế của hãng về sự an toàn của khu vực mà tôi muốn đến, thỉnh thoảng họ còn làm "vệ sỹ" khi tôi phải tới một nơi không quen.

Đúng lúc ấy thì Andrea, chồng tôi, gọi sang từ Sudan để "điểm danh" như mọi hôm (anh đang làm việc tại Sudan trong khi tôi và các con sống ở Kenya để đảm bảo vấn đề an ninh), tôi tóm tắt nhanh và nói: "Em đang trên đường đến đại lý của Safaricom để nhờ can thiệp".

Anh tỏ ra lo lắng nhưng trấn an tôi: "Em đi cẩn thận. Kể cả nếu số tiền ấy có bị mất thì điều quan trọng hơn cả vẫn là em và các con an toàn. Anh rất tiếc vì em chỉ có một mình"

Trong hơn 1 năm qua, tôi được ở bên chồng rất ít. Ngoại cảnh chia rẽ gia đình khiến tôi thường xuyên phải ở một mình với 3 con trong khi anh ấy đi làm nhiệm vụ ở nơi khác. Thỉnh thoảng tôi có thấy tủi thân một chút, nhưng rồi lại tự an ủi bản thân rằng cái gì xảy ra cũng đều có lý do. Nếu tôi chịu hợp tác với hoàn cảnh thì sẽ tiếp thu được ít nhiều trải nghiệm có ích. Ví dụ như việc tôi đang trưởng thành thêm một bước nữa trong lần thứ hai quay lại châu Phi này chẳng hạn.

Người lái xe đưa tôi đến một trung tâm thương mại, nơi có đại lý lớn của Safaricom chắc chắn vẫn đang mở. Tôi trình bày sự cố với một nhân viên: "Tôi nghĩ mình đã dính phải một vụ lừa đảo. Vui lòng kiểm tra giúp tài khoản M-pesa và tình trạng sim điện thoại của tôi".

Sau khi kiểm tra dữ liệu trên hệ thống, cô nhân viên trả lời: "Đúng là chị đã thực hiện 2 lần chuyển tiền vào số điện thoại kia rồi. Tôi đã kiểm tra tài khoản M-pesa liên kết với số điện thoại mà chị chuyển tiền và thấy rằng trong đó còn ...5 shilling (khoảng 1.000 đồng)". "Nghĩa là sao?". "Nghĩa là kẻ đó đã rút tiền ngay sau khi nhận được số tiền chị chuyển đến".

"Tôi đã không hề thực hiện thao tác chuyển tiền như mọi khi. Tên lừa đảo đã yêu cầu tôi nhấn một loạt ký tự gì đó mà thôi," tôi thắc mắc. "Đó là những thuật toán mà bọn tội phạm sử dụng để thực hiện lệnh chuyển tiền trên hệ thống," cô nhân viên giải thích.

"Cô có thể tra tên chủ nhân của số điện thoại này không?". "Trên hệ thống thì tên người này là Mohamed X. Thường thì kẻ lừa đảo hay hủy sim mà chúng dùng để nhận tiền ngay sau khi thực hiện một phi vụ".

Tôi không ngờ chính mình lại có thể dính vào một việc như vậy. Chỉ vài tháng trước, một người thân của tôi ở Việt Nam cũng từng bị lừa một khoản tiền lớn qua điện thoại nên luôn nghĩ sẽ đề phòng, chuyện này không đời nào xảy ra với mình, vậy mà cuối cùng chính tôi lại sập bẫy, lại còn ở châu Phi nữa chứ!

"Thế còn tình trạng sim của tôi thì sao? Tại sao tôi không thể gọi được nhưng vẫn nhận được cuộc gọi từ người khác?" tôi hỏi. "Kẻ lừa đảo đã khóa sim chiều gọi đi của chị". "Cũng bằng những ký tự mà hắn đã đọc cho tôi phải không?" "Đúng vậy. Hắn còn có thể khóa cả chiều nhận của chị nữa, nhưng tôi có thể thấy chị vẫn nhận được cuộc gọi". "À, tôi hiểu rồi. Hèn gì hắn cứ cố thuyết phục tôi tiếp tục bấm ký tự lạ, nhưng tôi đã dập máy. Chắc hắn ta muốn khóa sim để tránh việc tôi hủy lệnh chuyển tiền hoặc gọi cảnh sát. Tôi đoán là vậy".

"Giờ thì tôi phải làm gì? Liệu tôi có thể lấy lại số tiền đó không?". "Tôi sẽ mở lại sim cho chị, còn việc lấy lại tiền thì tôi e là rất khó. Chị có thể nhờ cảnh sát can thiệp, biết đâu họ giúp được gì cho chị".

Thôi thế là xong, đã biết mình dại chưa hả? Đang dịch bệnh lại còn lắm chuyện, sao mọi thứ cứ nhè lúc tôi đang phải vật lộn một mình với 3 đứa con mà xảy ra, lại còn ở một nơi xa lắc xa lơ thế này cơ chứ? Giờ thì tôi nên ngậm bồ hòn làm ngọt, bỏ hết rồi về nhà với con hay đi báo cảnh sát đây?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.