Mẹ Việt chia sẻ 'bí kíp' bồng con đi khắp thế gian khi mới 7 tuần tuổi

05/03/2017 20:32 GMT+7

Là một bà mẹ "cùng con đi khắp thế gian" khi bé còn nhỏ xíu, không ngại bỉm sữa và trái múi giờ, chị Dương Thanh Nga đã thật sự truyền cảm hứng về tình mẹ con qua những chuyến đi.

16.000 km trong khoảng 30 tiếng
*Phóng viên: Chuyến đi đầu tiên chị đưa bé theo là khi nào?
Chị Dương Thanh Nga: Cũng như bao nhiêu bà mẹ trẻ khác, mới đầu tôi cũng khá lo lắng về việc khi nào thì có thể bắt đầu dẫn con ra khỏi nhà, khi nào thì bản thân mình mới có thể đi siêu thị và dạo công viên trở lại.
Mấy người bạn ở Trung Quốc và Việt Nam “từng trải” chuyện sinh đẻ trước tôi đều kể rằng họ nằm “kiêng cữ” trên giường ít nhất 1 tháng, có người cả 2-3 tháng.
Thế nhưng, các bác sĩ cho rằng “Không có lý do khoa học gì để một em bé khỏe mạnh trốn núp cuộc sống tươi đẹp ngoài kia cả”. Không khí trong lành và thay đổi nhịp độ các hoạt động đều tốt cho bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả bé sơ sinh. Chỉ cần khi dẫn bé ra ngoài nên chọn nơi có không khí trong lành như công viên, hồ nước, tránh xa đám đông và những mầm gây bệnh.
Khi Liam 2 tuần tuổi tôi bắt đầu ẵm con ra công viên chào hỏi cuộc đời. Rồi đi mua sắm, đi chơi nhà bạn bè, đi những chuyến ngắn ngắn vài tiếng đồng hồ sang các thành phố quanh nơi tôi ở tại Missouri (Mỹ).
Liam ngủ mê say khi cùng mẹ đến thăm City Hall ở Chong Qing
Chuyến đi thực sự đầu tiên của Liam là khi hai vợ chồng tự lái xe cùng con từ Missouri đến Chicago dài hơn 900km khi Liam 7 tuần tuổi. Chuyến bay đầu tiên cũng là chặng đường dài nhất cho đến giờ của Liam là khi chàng ấy 2 tháng rưỡi đi từ Branson (Missouri) đến Los Angeles thăm nhà bạn tôi và tối hôm đó bay từ Los Angeles (Mỹ) sang Đài Bắc (Đài Loan) để chuyển máy bay về Sài Gòn.
Tổng cộng chặng đường khoảng 16000 km trong khoảng 30 tiếng đồng hồ. (Các hãng hàng không cho em bé bay từ 2 tuần tuổi và hộ chiếu của em bé có thể được làm từ khi chào đời. Liam làm hộ chiếu Mỹ khi 3 tuần tuổi và làm hộ chiếu Việt Nam khi 1 tháng tuổi. Hình trong hộ chiếu vẫn còn nhắm tịt mắt.)
Trong cuốn “Chuyện gì đang xảy ra trong đầu con trẻ” (What’s going on in there – How the brain and mind develop in the first five years of life), tiến sĩ Lise Eliot – bản thân cũng là một người mẹ - đã khẳng định nghiên cứu của các nhà khoa học rằng sự thông minh của một đứa trẻ phụ thuộc vào 2 yếu tố: gene và môi trường chúng tiếp xúc.
Chúng ta không thể thay đổi gene nhưng có thể thay đổi môi trường. Trẻ em được “quăng” vào một thế giới phong phú bên ngoài sẽ có tư duy và giác quan tốt hơn những trẻ em bị bó hẹp trong khuôn khổ nhất định. Ngay cả như người lớn chúng ta vẫn mất đi 20 triệu nơ ron thần kinh mỗi ngày nếu chúng ta không đụng đến chúng.
* Có lần chị nói cảm giác như "bục ra" khi con dở chứng giữa chừng? 
Chị Dương Thanh Nga: Không phải hành trình nào với con cũng suôn sẻ và nên thơ. Không đếm hết những lúc phì phò đeo con nặng 8, 10 kg lên dốc, hay chạy hồng hộc trong phi trường cho kịp chuyến bay. Tôi vẫn nhớ khi trời mưa to gió bão ở Trùng Khánh, hai mẹ con cứ líu ríu trong cây dù nhỏ xíu.Một lần khi đang ở Istanbul, bé mém phải đi cấp cứu vì “ngộ độc” kebap.
Có một lần chúng tôi lên kế hoạch về Hồ Nam thăm ông bà nội, rồi từ đó đi Tây Tạng. Chuẩn bị kỹ càng, vé tàu khách sạn đều đã đặt hết, đến giờ cuối thì bé Liam lên cơn suyễn ở Tương Đàn lúc nửa đêm. Khi ấy, ôm con ngủ thiếp giữa một bệnh viện xa lạ, mà đầu tôi cứ lảng vảng đếm sao cho trời mau sáng.
Bác sĩ bảo Liam bị viêm phổi, phải nhập viện. Khi đó tôi cảm thấy mình là một người mẹ thật thất bại, cứ tự dằn vặt mình là mình nuôi con kiểu gì mà để con phải nhập viện thế này.
Liam cùng mẹ đến thăm Palace of Culture tại Iasi, Romania
Tôi cũng không bao giờ quên lúc Liam bùng phát cơn tam bành, nằm lăn ra đất, dậm chân, la lối, ăn vạ giữa sân bay San Francisco. Tôi nghĩ tôi chuẩn bị nổ tung. Phát “điên”. Mệt mỏi. Căng thẳng. Nhục nhã. Cảm tưởng như mọi con mắt đang dồn hết vào mình. Tôi chỉ muốn bỏ con giữa đường mà chạy.
Nhiều lần tôi đã khóc
Nhiều lần trong những chuyến đi ấy tôi bị vỡ bục ra và khóc. Khóc một mình. Khóc giữa ga tàu. Khóc với người nhà. Khóc trước một đám đông xa lạ ở khu thắng cảnh. Khóc cả với Liam. Cậu nhóc ngạc nhiên không hiểu sao mẹ như quả bóng xì hơi. Chàng cứ di di cái ngón tay nhỏ xíu lên mũi tôi, chắc để an ủi.

Có khi tôi hét lên cả với chồng “Just take Liam away from me!!!!” (Anh đem Liam đi đâu khuất mắt em đi!!!!), chỉ vì Liam cứ lèo nhèo la ó khi tôi đang bận mua vé. Hay có lúc tôi nổi khùng lên với Liam, chỉ vì cậu ấy nhất quyết không chịu xỏ giầy mặc áo khi xe đã đợi đón trước cửa khách sạn. Tôi đóng cửa cái rầm. Để cho hai ba con trong phòng muốn xử sao thì xử. Tôi xuống sảnh khách sạn ngồi phịch xuống ghế sofa. Tâm chắc cũng nhờ thế mà tịnh lại một chút. Chưa đầy 5 phút sau, Liam được ba dẫn xuống. Cậu ấy chạy lại ôm chầm lấy tôi. Mắt đỏ hoe. Nhưng quần áo giầy dép thì rất ư là chỉnh tề.
Tôi thấy làm mẹ thật là khó quá. Địu con lên vai và đi vất vả hơn tôi tự đi một mình nhiều chút, nhưng đổi lại niềm vui cũng nhân lên bội phần. Nếu cho tôi lựa chọn lần nữa, tôi cũng vẫn sẽ quyết định không để con ở lại.
Vì tim tôi tin chắc một điều, hai mẹ con tôi gắn bó và trưởng thành cùng nhau qua những chuyến đi ngúc ngoắc đó. Thế giới ngoài kia là một phòng học rộng lớn nhất, con học được nhiều điều mà thậm chí không cần phải nỗ lực gì.
Mỗi phút giây tôi cùng con đi trên đường đều gắn với những câu chuyện và kỷ niệm không gì đánh đổi được. Tôi tin rằng những ai quyết định để bé ở lại và đi một mình chắc chắn sẽ không bao giờ có được những khoảnh khắc vô giá ấy.
Nhiều hơn cả những kỉ niệm đóng lại trong khung hình hay nhật ký hành trình, mà cho đến giờ tôi vẫn thường đem ra kể cho con. Tôi tin mình đã truyền cho con niềm đam mê dịch chuyển và khát khao chinh phục thế giới.
Có người cùng chia vác, chặng đường nào cũng thấy ngắn hơn
* Ông xã hẳn là người đồng hành đắc lực cho việc nuôi dạy con và những chuyến hành trình ?
Chị Dương Thanh Nga: Tôi muốn cảm ơn người bạn đời của tôi vì đã không để tôi đi trên những con đường chông chênh một mình. Đó là điều tôi trân quý hơn tất cả. Ba của Liam luôn có mặt trong tất cả các buổi khám thai, cùng ngồi trò chuyện với bác sĩ và xem siêu âm, ngồi cạnh đầu giường trong phòng mổ để động viên tôi đang bấn loạn khi nghe tiếng dao kéo lẹt xẹt dưới bụng, và cũng là người đầu tiên đón Liam trao vào tay tôi và bảo “Con không đến nỗi nhăn nhúm như anh nghĩ!”
Gia đình nhân vật trong buổi ra mắt sách
Chồng tôi là người can ngăn nhiều nhất việc tôi muốn đem con theo mọi nơi, vì anh ấy cho rằng chúng tôi chưa chuẩn bị kỹ. Nhưng khi tôi bảo thời gian không chờ đợi ai, con chỉ lớn lên mà không bao giờ quay nhỏ lại, và tôi không muốn mất đi những lần đầu tiên của con, thì anh chồng từ “gàn” chuyển sang tích cực chuẩn bị và tỉnh táo hơn tôi để bố trí chu đáo.
Trước khi đi, ba của Liam đích thân tỉ mỉ nghiên cứu loại túi đeo con nào thoải mái nhất, tính toán lộ trình và phương tiện sao cho có chỗ nghỉ ngơi cho bú thay tã, sắp soạn hành lý không thiếu những thứ cần thiết để có thể lấy ra nhanh chóng khi đi. Trên đường, túi to túi nhỏ chồng đeo, có khi giành luôn cả việc địu con phía trước.
Chồng tôi cũng là người cho tôi ý tưởng về tinh thần “Mẹ sẽ không để con ở lại!” trong quyển sách mới của tôi vừa xuất bản: “Làm cha mẹ vốn dĩ thật khó. Có những lúc quá khó, đến mức chỉ muốn buông xuôi. Điều duy nhất giữ cho cha mẹ không bỏ cuộc và tiếp tục bước đi về phía trước là vì người đó là CON. Cha mẹ có thể từ bỏ ai và từ bỏ điều gì, nhưng không từ bỏ con được. Ba mẹ sẽ không để con ở lại!”.
Tôi cảm thấy không có gì may mắn bằng có người cùng chia vác một nửa, chặng đường nào cũng thấy ngắn hơn.
Đừng ngại cho con bú khi di chuyển
* Một vài mẹo của mẹ khi cho trẻ đi du lịch cùng hoặc những chuyến công tác đến đất nước khác...?
Chị Dương Thanh Nga: Cũng giống như trong bất kỳ chuyến đi nào có con nhỏ theo, khâu chuẩn bị kỹ càng là cần thiết. Tìm hiểu thông tin chi tiết, thử tưởng tượng giờ này hôm đi đó mình ở đâu, đi phương tiện gì, có chỗ nghỉ ngơi không.
- Đừng đặt một lịch trình di chuyển hay tham quan kín mít dày đặc, điều đó sẽ làm cho cả mẹ lẫn con kiệt sức. Đi với trẻ con là chấp nhận kéo dài chuyến đi hơn bình thường hoặc cắt bỏ một số địa điểm.
- Đồ đạc thật gọn nhẹ, dũng cảm vứt bỏ lại ở nhà những gì không cần thiết hoặc có thể mua được ở nơi đến nếu cần.
- Nghiên cứu thời tiết nơi đến để chọn mang quần áo phù hợp và thoải mái cho trẻ nhỏ. Dù trời có đẹp đến mấy thì việc lúc nào cũng kè theo cây dù sẽ không bao giờ thừa, vừa che được nắng vừa che được mưa. Trẻ con ở nhà bị bệnh đã khổ, bạn chắc chắn sẽ không muốn chúng bị bệnh trên đường đi.
Ngủ ngon trên đường đến công viên Xiangtan
- Nếu trẻ nhỏ hơn 1 tuổi, hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng việc có đem theo xe đẩy hay không. Mặc dù các hãng máy bay đều cho đẩy xe đến tận cửa lên máy bay và xe đẩy có vẻ nhẹ nhàng nhưng đôi khi đó là vật cồng kềnh nhất trong hành lý của bạn và khiến cho trẻ con không có cảm giác an toàn bằng việc được đeo trước ngực. Hơi thở, độ ấm và mùi hương của bạn sẽ khiến cho con cảm thấy yên tâm trước tất cả mọi hoàn cảnh tình huống. Một túi địu con tốt phải làm cho cả người đeo và người được đeo thoải mái. Trước khi đi vài ngày nên đeo địu con đi lại trong nhà để trẻ làm quen và cũng để xem có vấn đề gì không.
- Đem theo một vài đồ chơi, quyển sách để con giải trí khi chúng tỉnh giấc lúc đang trên máy bay, tàu, xe. Yêu cầu: nhỏ gọn, an toàn và là thứ con yêu thích nhất hàng ngày.
- Chuyện thay tã: Thay vì tiếc tiền cân đo có nên mua loại tã siêu thấm tốt nhất hay không, hãy nghĩ đến sự thoải mái của trẻ. Con thoải mái vui vẻ là mẹ nhẹ gánh rất nhiều.
Nhân vật và con trai Liam tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ Ảnh: NVCC
 
- Chuyện cho bú: tôi cho con bú mẹ hoàn toàn nên bản thân là bình sữa di động rồi, có thể cắt giảm các khoản bịch bột - hũ bình - nước nóng nước lạnh, nên hành lý cũng gọn nhẹ hơn. Tâm lý chung của nhiều mẹ vẫn là ngại cho con bú giữa chốn công cộng vì xã hội mình vẫn còn xem đó là chuyện “dị”.
Tôi chỉ nghĩ rằng trẻ con bú mẹ cũng có quyền có bữa ăn đàng hoàng công khai như những người lớn khác. Để tế nhị, trong giỏ tôi luôn có “áo cho bú”. Nhìn bề ngoài không khác gì một chiếc áo kiểu cánh dơi hoa văn xinh xắn. Phủ gọn trong lớp áo con yên tâm bú, mẹ vừa ăn vừa đi hay làm gì cũng được.
(Nếu không có áo cho bú, bạn có thể dùng một chiếc khăn voăn to). Để tăng sự thoải mái hoàn toàn, tôi sử dụng loại áo ngực chuyên dùng cho bú giúp kéo áo nhanh chóng dễ dàng, cùng với băng lót ngực để thấm sữa không chảy lôi thôi. Loại túi địu con dạng “fling” – dạng túi địu mà con nằm ngang trước ngực cũng khá tiện dụng trong những lúc mẹ vừa đi vừa chạy vừa phải cho con bú.
- Đừng đợi đến lúc con đói mới cho bú vì khi ấy trẻ sẽ quấy khóc to gây sự chú ý và phiền nhiễu những người xung quanh. Không đếm xuể hết những nơi công cộng mà Liam từng bú mẹ: nhà ga, bảo tàng, công viên, đường lên núi, ven sông, quán ăn, khu mua sắm, siêu thị, thang máy…Nhưng Liam không bao giờ bú mẹ trong nhà vệ sinh vì theo mình đó là điều thiêng liêng, không có gì xấu xa mà phải chui vào phòng vệ sinh lén lút che giấu.
- Cố gắng không thay đổi thời gian biểu sinh học của trẻ. Nói chuyện và giảng giải với con về những cảnh vật trên đường đi. Đừng nghĩ trẻ con không biết gì, chúng đang quan sát và học hỏi đó. Nếu bạn lượng tính đã đến giờ ngủ giờ bú của con, hãy dỗ/hát cho con ngủ, tìm chỗ nghỉ chân cho con bú. Tin vào bản năng của người mẹ, chỉ có bạn mới hiểu nhất con cần gì vào một thời điểm nhất định.
- Trên tất cả, điều quan trọng nhất và không thể nào thiếu là chuẩn bị sức khỏe. Mẹ yếu con yếu thì ở nhà cũng vất vả. Mẹ khỏe con khỏe thì leo thang lên trời cũng đến.
- Và cuối cùng, đồ đạc có quên gì cũng được, đừng quên gói ghém kỹ nụ cười mang theo, vì đi với con trẻ nghĩa là chuẩn bị tinh thần cho mọi thứ xảy ra không đúng như kế hoạch.
* Góc nhìn của chị về cách nuôi dạy con của các bà mẹ Việt ?
- Tôi nghĩ các mẹ Việt Nam quá đảm đang (cười)
Ai giỏi hay phải làm nhiều đó nha. Các mẹ thường hay ôm hết việc chăm con vào người vì cho rằng đó là lẽ đương nhiên, hay vì mẹ yêu con quá mà không đưa cho người khác được. Để giảm tải gánh nặng này, thay vì là những chiến binh độc lập, người mẹ nên là nhà quản lý dự án trong dự án “chăm con”, lên lịch và giao việc cho ba của bé, và thậm chí cho cả ông cả bà hay những ai có thể giúp mẹ.
Tôi nghĩ làm mẹ không nhất thiết phải tự tay mình làm hết tất cả mọi thứ. Người mẹ cũng giống như một “nhà quản lý dự án”. MẸ cần “phân công” cho những người khác cùng hỗ trợ thực hiện “dự án CON”.
Ví dụ như lần đi Romania, phải hết cả tuần tôi mới nói xuôi lọt vô tai chồng, để anh đồng ý giảm tải công việc 2 tháng cùng sang Romania trông con phụ những giờ tôi lên văn phòng. Hoá ra “cái khó ló cái khôn”, anh chồng trông con lại rất ổn. Liam học được nhiều chữ tiếng Hoa hơn, biết nhiều trò chơi mới hơn, ném thành thạo bóng rổ hơn. Liam có thể ngủ trưa ngon ơ mà không cần phải ngậm ti mẹ. Cứ giao trách nhiệm, các ông bố cũng sẽ hoàn thành ngon lành!
Tôi chọn thuê nhà gần văn phòng, gần trạm xe và gần công viên để có thể đưa Liam đi dạo mỗi sáng và mỗi chiều. Văn phòng ở Romania có một khoảnh sân rộng, nuôi 2 con mèo, quây phủ bởi hàng rào hoa hồng xung quanh. Tôi nhanh chóng làm thân với đồng nghiệp để những lúc chồng bận việc, tôi có thể đem Liam đến văn phòng cùng. Liam chơi đá bóng với mấy chú, chơi cùng mèo và lượm hoa lá với các cô ở ngoài sân, nếu nhằm lúc tôi đang có việc gấp phải giải quyết.
Tiếp cận với nhiều môi trường, tôi bị “tòan cầu hóa” như cách mọi người hay nói, khiến cho tôi phải chấp nhận rằng không có gì là đúng hay sai bởi điều gì cũng có thể là sai là đúng. Một phương pháp khiến người này thành công có thể hoàn toàn thất bại khi áp dụng vào hoàn cảnh người khác. Các “trường phái” thường có tính định hướng hơn là công thức áp dụng vào một trường hợp cụ thể.
Mỗi em bé khi vừa sinh ra là một cá nhân độc nhất với những tính cách khác nhau, không một em bé nào giống em bé nào cho dù có là sinh đôi sinh ba chăng nữa. Nên thay vì học làm mẹ, tôi học cách để hiểu con. Tôi rất hứng thú với những tài liệu giảng giải về sự phát triển não bộ, giác quan, tâm lý, suy nghĩ và thể chất của trẻ. Tôi muốn nhìn thế giới theo cách của con, vì chỉ khi đứng trong đôi vớ của con mới có thể dạy con.
* Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.