Mẹ bầu ‘kẹt’ ở TP.HCM vì chồng F0: Nhận thông báo về quê, mừng như trúng số

05/10/2021 12:44 GMT+7

Từng lỡ hẹn với tấm vé hồi hương đầu tháng 7 vì chồng nhiễm Covid-19, chị Phượng (27 tuổi, mang thai tháng thứ 7) mừng như trúng số khi nhận được thông báo: 'Thứ 3 này chị được về Thừa Thiên - Huế!'.

Sáng 5.10, tòa nhà Menas Mall SaiGon Airport (Q.Tân Bình, TP.HCM) có mặt nhiều thai phụ và người thân. Họ là những người Huế đã kẹt lại TP.HCM suốt nhiều tháng qua, hôm nay ai cũng hồi hộp, vui mừng làm thủ tục xét nghiệm Covid-19 để ra sân bay trở lại quê nhà trước ngày vượt cạn.

Ngày 18.10: Cả nước 3.168 ca Covid-19, 1.136 ca khỏi | TP.HCM 968 ca

Không ngủ được

Trong hàng dài người đang chờ để được xét nghiệm Covid-19 có gia đình thai phụ N.T.Phượng, gồm chồng và mẹ ruột. Nhìn xuống đống hành lý đang để dưới chân, chị nói tất cả những gì cần thiết chị đều mang về quê vì chưa hẹn ngày quay lại Sài Gòn.

Sáng sớm 5.10, nhiều thai phụ và gia đình có mặt tại tòa nhà Menas Mall Saigon Airport (Q.Tân Bình) làm xét nghiệm Covid-19, chuẩn bị bay về Thừa Thiên - Huế sau nhiều tháng kẹt ở TP.HCM

cao an biên

Hồi tháng 7, gia đình chị Phượng nằm trong danh sách được tỉnh Thừa Thiên - Huế đón về, tuy nhiên chồng chị là F0 nên đành phải ở lại TP.HCM

cao an biên

Chân ướt chân ráo từ xã Hương Sơn (H.Nam Đông, Thừa Thiên - Huế) lên đây lập nghiệp nhiều năm trước, chị Phượng buôn bán nhỏ, chồng làm tài xế để mưu sinh. Covid-19 ập tới, cuộc sống bình yên vốn có của hai vợ chồng bỗng chốc tan biến. Không có việc làm, không có thu nhập trong khi bao nhiêu chi phí phải lo, nhất là khi đứa con đầu lòng sắp chào đời, anh chị dần rơi vào cảnh bế tắc.

Không thể trụ lại, cả nhà đăng ký về quê khi Thừa Thiên - Huế tổ chức đợt đón công dân đầu tiên hồi tháng 7 và may mắn được xét duyệt. Cả nhà mừng rỡ trả trọ, thu dọn hành lý ra sân bay. Trớ trêu, khi xét nghiệm Covid-19 thời điểm đó, chồng chị, anh T.V.Tư (28 tuổi) trở thành F0. Niềm vui bỗng chốc tan biến, cả gia đình thất thần với đống hành lý rời sân bay mà chưa biết phải đi đâu, về đâu.

Chị Bùi Thị Vẫn (29 tuổi) đang mang thai tuần thứ 31 cùng con trai 5 tuổi vui mừng vì được về lại xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế

CAO AN BIÊN

Bà V.T.Gái (51 tuổi, trọ ở H.Bình Chánh) về cùng con dâu và cháu nội, con trai bà vẫn ở lại để đi làm. Cả gia đình bà lên TP.HCM hơn 10 năm, bà buôn bán nhỏ, 2 con thì làm công nhân. Lần về này, bà sẽ chăm sóc con dâu vượt cạn, đến khi cháu lớn, Sài Gòn hết dịch bà và mọi người sẽ lên lại với con trai

CAO AN BIÊN

Sau đó, anh Tư được điều trị trong 1 bệnh viện dã chiến, chị Phượng và mẹ đều là F1 nên tạm thuê một khách sạn để tự cách ly. Cả gia đình đã trải qua những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời vì Covid-19. 10 ngày sau khi điều trị, chồng chị được xuất viện, nhờ sự hỗ trợ từ người thân ở quê nên cả nhà thuê một chỗ trọ ở Q.4 với giá 2,5 triệu đồng/tháng để trụ qua mùa dịch, chờ đến ngày được về quê.

2 ngày trước, chị nhận được cuộc gọi thông báo gia đình đã được xét duyệt để tỉnh đón về, cả nhà vỡ òa vì xúc động. Mọi người nhanh chóng thu dọn đồ đạc, đêm đó ai cũng mừng không ngủ được.

Anh Nguyễn Xuân Tiến là tình nguyện viên tham gia hướng dẫn, điều phối người về Huế đợt này cho biết người dân có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 sẽ được xe trung chuyển đưa ra sân bay, dự kiến khởi hành lúc 13 giờ hôm nay

CAO AN BIÊN

“Cả nhà ai cũng vui và xúc động không thể diễn tả hết bằng lời, cảm giác như là trúng số vậy. Cảm ơn hội đồng hương Huế ở Sài Gòn, cảm ơn chính quyền đã cho chúng tôi được về nhà”, chị xúc động.

Lần về này, gia đình nhỏ không hẹn ngày lên lại, nhưng chắc chắn sẽ lên khi con lớn hơn và Sài Gòn mạnh khỏe. Bao năm sống ở mảnh đất này, chị Phượng nói ít nhiều đã xem nơi này là ngôi nhà thứ 2, nơi đã cưu mang và dung dưỡng cho cuộc sống của mình.

Chủ nhà hàng hồi hộp chờ đơn hàng đầu tiên sau gần 3 tháng nghỉ dịch

“Ba mẹ thắng Covid-19 rồi, giờ về mạnh khỏe nhen!”

Nhiều người có mặt tại điểm xét nghiệm bỗng dồn ánh nhìn vào cảnh anh N.C.Thừa (32 tuổi, trọ Q.1) vừa cõng ba vừa dẫn mẹ của mình vào lấy mẫu. Ba mẹ anh đều đã lớn tuổi, cụ ông bị mất cả 2 chân, phải mang chân giả nên rất khó khăn trong di chuyển. Trước khi đến đây, anh đã cho ba mẹ mặc đồ bảo hộ, đeo kính chắn giọt bắn để đảm bảo an toàn.

Ông Bốn mang chân giả, được con trai và nhân viên tòa nhà hỗ trợ vào xét nghiệm Covid-19

cao an biên

Anh Thừa tiễn ba mẹ ra sân bay về quê

CAO AN BIÊN

Sau khi lấy mẫu và ngồi chờ kết quả xét nghiệm, anh kể trong đợt đầu Huế đón người về quê, cả ba mẹ của anh đều nằm trong danh sách. Tuy nhiên, khi đến sân bay xét nghiệm thì bà phát hiện bị nhiễm Covid-19, cả gia đình hoang mang, thất thểu ra về.

Sau đó, mẹ anh - bà Đ.T.Lành (66 tuổi) được đưa vào bệnh viện dã chiến để điều trị, 2 ngày sau anh Thừa và ba của mình - ông N.C.Bốn (76 tuổi) cũng trở thành F0. Anh Thừa cũng vào bệnh viện dã chiến để điều trị, còn ông Bốn thì xin tự điều trị ở nhà cho một người cháu chăm sóc vì khó khăn trong việc di chuyển.

Vợ chồng chị N.T.M.Phương (25 tuổi, trọ TP.Thủ Đức) từ Huế lên TP.HCM được 5 năm, chị làm kế toán, chồng làm tài xế. Mùa dịch, 2 vợ chồng gặp nhiều khó khăn nên thời điểm này mong muốn được trở lại quê. Lần về này, chị tâm sự 2 người có thể sẽ không lên lại nữa mà lập nghiệp tại quê nhà

CAO AN BIÊN

Đợt này Huế dự kiến sẽ đón 230 người, trong đó có 149 thai phụ

CAO AN BIÊN

Hơn 20 ngày sau, cả gia đình anh Thừa đều đã vượt qua Covid-19. Thấy cha mẹ mình buồn buồn, mong được về quê, anh đăng ký cho 2 cụ về và may mắn được xét duyệt.

“Ba mẹ tôi vào đây thăm 4 đứa con hồi đầu năm, dịch tới rồi kẹt ở đây luôn. Biết mình được về, 2 người mừng lắm. Ba mẹ thắng Covid-19 rồi, mong ông bà về quê mạnh khỏe, bình an”, anh tâm sự.

Nghe con trai nói, ông Bốn cũng tiếp lời, cho biết mình thực sự biết ơn chính quyền địa phương đã hỗ trợ để 2 vợ chồng già được hồi hương. Cụ ông gửi lời chúc Sài Gòn nhanh chóng được hồi phục để cuộc sống được trở lại bình thường, công việc của các con ông và mọi người đều thuận lợi.

Như đã thông tin, tỉnh Thừa Thiên - Huế đón các thai phụ mang thai từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 32 về quê (ngành hàng không không nhận chở người có thai trên 32 tuần tuổi).

Chuyến đầu tiên đón 230 người, trong đó có 149 thai phụ bằng máy bay vào hôm nay, 5.10. Dự kiến chuyến bay sẽ khởi hành lúc 13 giờ. Các chuyến tiếp theo sẽ được tiếp nối theo thực tế số người đăng ký.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang có kế hoạch đón thai phụ trên 32 tuần tuổi, học sinh mắc kẹt, người già yếu, trẻ em, người khuyết tật... về địa phương bằng phương tiện tàu hỏa. Sau đó, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức đón công dân khác có nguyện vọng trở về địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.