Mẹ bầu 9 tháng bị kẹt trong thang máy đã được giải cứu thành công

Tấn Đạt
Tấn Đạt
13/12/2022 14:33 GMT+7

Rạng sáng ngày 13.12, Công an Q.10 (TP.HCM) đã giải cứu thành công nhiều người bị mắc kẹt trong thang máy trong tình trạng hoảng sợ. Trong đó có mẹ bầu 9 tháng cũng đã được bình an vô sự.

Bắt đầu cảm thấy khó thở sau 20 phút bị kẹt trong thang máy

Khoảng 00 giờ 24 phút ngày 13.12, thang máy của tòa nhà 4 tầng tại đường Hoà Hưng, P.12, Q.10 bị kẹt, bên trong có 3 người trẻ. Theo đó, họ đã tự tìm cách giải cứu nhưng không được và những người ở bên ngoài đã gọi điện đến số 114 cầu cứu. Trong đó, có mẹ bầu 9 tháng đã vô cùng hoảng sợ khi bắt đầu cảm thấy khó thở sau khoảng 20 phút bị kẹt trong thang máy.

Nhận được tin báo, Ban chấp hành Công an Q.10 đã chỉ đạo Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của quận điều xe chuyên dụng cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường.

Vừa trấn an tinh thần người bị mắc kẹt, lực lượng cảnh sát vừa cố định thang máy ở vị trí lầu 1 và dùng máy banh thủy lực mở cửa, đưa mọi người ra ngoài an toàn. Theo trung tá Lê Minh Đức, đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an Q.10 cho hay cửa bị khóa kín nên một số người bị kẹt rất hoảng sợ. Ngôi nhà xảy ra sự cố cao 4 tầng, sử dụng làm văn phòng cho thuê...

Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Q.10 cứu nạn nhân bị kẹt trong thang máy

Công an quận 10 cung cấp

Là một trong những nạn nhân của vụ việc trên, chị Đ.T.T.T (27 tuổi) ngụ Q.Gò Vấp (TP.HCM) cho hay bản thân đang mang thai gần 9 tháng nên khi bị mắc kẹt trong thang máy chị rất hoảng sợ nếu như nó rơi tự do xuống.

“Tôi đến tòa nhà để dự sinh nhật bạn. Trong lúc ra về, tôi di chuyển thang máy xuống hầm giữ xe thì nghe cái “cụp” và nó bị đứng im, không mở cửa. Lúc đó, tôi cảm thấy hoảng sợ và gọi điện thoại cho những người bên ngoài nhưng không thoát ra được. Khoảng 20 phút sau, tôi bắt đầu cảm thấy khó thở, nhưng may mắn được các anh công an giải cứu kịp thời. Sau khi ghi nhận thông tin, tôi ra về và không đến bệnh viện thăm khám vì bản thân đã cảm thấy bình thường trở lại”, chị T. cho biết.

Dùng máy banh thủy lực mở cửa

CÔNG AN QUẬN 10

Còn anh N.T.N (24 tuổi) ngụ Q.Tân Phú (TP.HCM) cũng một phen hú vía khi thoát khỏi “kiếp nạn” trên. N. chia sẻ: “Tôi đến tòa nhà để rước bạn thân nhưng không ngờ mình lại bị kẹt trong thang máy. Lúc đó, tôi cố gắng trấn an tinh thần và không hoảng sợ. Sau hơn 30 phút thì mọi người đã được cứu ra. Qua vụ việc này, tôi thấy mình nên tìm hiểu cũng như tiếp cận được những kiến thức về cứu nạn cứu hộ để bảo vệ cho bản thân".

Giữ bình tĩnh, không la hét, hoảng loạn

Theo trung tá Lê Minh Đức, đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Q.10 cho biết bị mắc kẹt trong thang máy là trường hợp khi thang máy đang di chuyển mà bị mất điện đột ngột hoặc sự cố kỹ thuật… Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, do hệ thống truyền tải bị hỏng nên thang máy bị rơi tự do, trượt xuống với tốc độ nhanh làm cho người bên trong bị va đập, chấn thương, thậm chí tử vong.

"Khi bị kẹt trong thang máy, mọi người cần giữ bình tĩnh, không la hét, hoảng loạn. Hít thở thật sâu và cùng suy nghĩ để có phương án xử lý tối ưu. Nên hạ thấp trọng tâm bằng cách ngồi xuống hoặc hơi khuỵu gối, nắm chắc tay vịn, đặc biệt khi thang có hiện tượng trôi nhanh, rung lắc, nhằm đề phòng bị chấn thương khi thang va đập", trung tá Minh Đức cho hay.

Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quận 10 diễn tập tại địa phương

NGỌC BÍCH

Trung tá Lê Minh Đức khuyên trong trường hợp bấm nút mở cửa nhưng không thành thì cần bình tĩnh suy xét và bấm các nút khẩn cấp khác (các nút khẩn cấp có hình cái chuông hoặc hình ống nghe điện thoại) để báo động cho bên ngoài đến hỗ trợ.

Cũng theo trung tá Lê Minh Đức để ngăn ngừa tình trạng ngột ngạt, khó thở do thiếu không khí, mọi người trong thang có thể dùng các vật cứng như chìa khóa để lách vào khe cửa thang máy, sau đó kết hợp dùng các vật dụng khác có kích thước lớn hơn để chèn vào khe cửa thang. Trong thang máy có sóng điện thoại thì nhanh chóng gọi theo số đường dây nóng ghi trên thang máy để thông báo cho bộ phận kỹ thuật kịp thời đến hỗ trợ. Hoặc có thể gọi cho lực lượng 114 đến và sử dụng các phương tiện đặc chủng để tổ chức cứu nạn.

"Ngoài ra, người kẹt thang máy có thể dùng cách gọi to, gõ vào thành thang máy để phát tín hiệu. Tuy nhiên, cần chú ý rằng không nên đập mạnh hoặc đạp vào thành hoặc cửa thang vì những tác động đó có thể làm thang bị trượt, đứt cáp dẫn đến thang rơi tự do", trung tá Lê Minh Đức lưu ý.

Người trẻ tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy

NGỌC BÍCH

"Trong thời gian chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài, mọi người không nên tìm cách mở cửa trên nóc thang và thoát nạn qua đó. Vì rất dễ bị trượt, ngã dẫn đến những chấn thương hoặc bị rơi xuống giếng thang gây nguy hiểm đến tính mạng", trung tá Lê Minh Đức chia sẻ thêm những điều cần lưu ý khi bị kẹt trong thang máy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.