Mẹ 90 tuổi đêm ngủ lều ở Sài Gòn, ngày làm bánh nuôi 2 con đau yếu

29/10/2017 12:22 GMT+7

Con đã ngoài 60 nhưng vẫn được bà Trà đùm bọc. Ngày ngày, người mẹ cả đời tảo tần ấy lại thức khuya dậy sớm, làm từng sợi bánh tằm để bán kiếm tiền nuôi con.

Chồng mất sớm, bà Trà phải thay chồng nuôi 2 con. Hơn 50 năm qua, bà chưa được một đêm yên giấc, đến nỗi tuổi gần đất xa trời mà bà vẫn chưa có một mái nhà đàng hoàng,…
VIDEO: Bà cụ 90 tuổi nuôi hai con bệnh tật giữa Sài Gòn
Đêm ngủ lều, ngày làm bánh tằm
Nơi tận cùng con hẻm 232/21 đường Đoàn Văn Bơ, Q.4 (TP.HCM) là chỗ trú ngụ của cả 3 mẹ con bà Nguyễn Thị Trà (90 tuổi). Đó không thể gọi là nhà, vì chỉ có một tấm bạt được mắc vào tường nhà hàng xóm để che mưa nắng, không có giường, tủ, hay các vật dụng cơ bản khác… Chỗ ngủ thì chỉ có một tấm ván gỗ kê trên mấy viên gạch tạm bợ, cạnh bên là cái lò để hấp bánh và một cái máy quạt “ì ạch” vì bám bụi quá cũ kỹ…
Chị Nguyễn Thị Lan (60 tuổi) hiện bị tai biến nên chỉ ở nhà phụ bà Trà những việc lặt vặt
Ba mẹ con bà bám víu nơi đây, sống bằng nghề làm bánh tằm đã hơn 30 năm qua. Mỗi sáng, khi mọi người còn đang yên giấc thì mẹ con bà Trà đã dậy để làm bánh, con thì nhào bột, nhóm lửa đun nước hấp bánh, mẹ thì se bánh tằm, cứ thế mà mẹ con đùm bọc nhau sống qua ngày. Bà Trà làm bánh theo đơn đặt hàng của khách, nên có hôm ít, có hôm nhiều, trung bình mỗi ngày cũng trên dưới 10 kg, giá 25.000 đồng/kg. Khoản thu nhập đó cũng tạm đủ để 3 mẹ con bà kiếm cơm. 
Anh Trần Văn Đức (53 tuổi) con trai út của bà Trà kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm, vì mang trong người 2 chứng bệnh, phổi và bao tử nên anh không thể làm gì nổi. Hằng ngày, anh thức dậy sớm để nhóm lửa cho bà Trà hấp bánh, rồi chạy xe tới khuya, có hôm anh ngủ ngay trên xe, đến sáng hôm sau mới về.
Dáng người gầy gò, khoác vội chiếc áo rách vai, anh Đức nói: “Giờ chạy xe không có tiền, có ngày chạy từ sáng tới chiều được 10.000 đồng, không đủ mua liều thuốc ho nữa, dạo này mưa gió bệnh tái lại”.

tin liên quan

Mùa nước nổi miền Tây nhìn từ trên cao
Hằng năm, từ tháng 7 - 10 âm lịch (khoảng tháng 8 - 11 dương lịch), nước từ thượng nguồn sông Mê Kông lại đổ về đồng bằng sông Cửu Long… tạo thành biển nước mênh mông và miền Tây bắt đầu vào mùa nước nổi. 
Bánh tằm được bà Trà bỏ sẵn vào túi chuẩn bị giao cho khách.
Còn chị Nguyễn Thị Lan (60 tuổi) con gái lớn của bà Trà cũng vậy, lúc trước chị còn khỏe nên đi phụ bán cơm cũng có tiền trang trải cuộc sống. Nhưng hơn 10 năm nay, kể từ khi chị bị tai biến mạch máu não thì không còn làm gì nổi, chân chị bị liệt một bên đi lại khó khăn, nên chỉ biết bám vào nghề làm bánh tằm của mẹ.
Qua bao nhiêu năm, nhiều hàng xóm cũng lần lượt bán nhà bỏ đi nơi khác sinh sống, chỉ có mẹ con bà vẫn ở đây, bà vẫn làm bánh tằm để cưu mang hai con.
Thay chồng nuôi con
Xưa bà Trà cùng chồng khăn gói từ Tiền Giang lên Sài Gòn kiếm sống, cứ nghĩ sẽ có cuộc sống sung túc hơn ở quê nhà. Ngày đầu bà thì làm bánh tằm rồi gánh đi bán khắp nơi, còn ông thì đạp xích lô, kéo xe,… làm đủ nghề để kiếm sống, vì nghèo nên vợ chồng bà tằn tiện “làm nhiều, ăn ít” đến mức chồng bà đổ bệnh qua đời khi chỉ 31 tuổi. Chồng mất để lại cho bà 2 đứa con thơ dại, đứa lớn chỉ mới 7 tuổi, đứa nhỏ thì bập bẹ “ê a”.
Ngồi co ro trên chiếc ván, bà kể bằng giọng yếu ớt: “Nghèo quá nên không dám sinh con, ráng làm có chút đỉnh tiền mới sinh nhỏ gái lớn, rồi mấy năm sau mới sinh thêm thằng út”.
Hơn 30 năm nay, bà Trà vẫn thui thủi bên túp lều tạm bợ này.
Gánh nặng càng chồng chất lên đôi vai người mẹ khi mà cả 2 con của bà cứ đau ốm liên miên. Số tiền bà kiếm được từ việc bán bánh tằm không đủ để chữa bệnh cho con, bà phải bán đi căn nhà duy nhất mà vợ chồng bà đã dành dụm suốt một thời gian dài mới mua được.
Bán nhà, đồng nghĩa với việc cả 3 mẹ con phải trở thành người vô gia cư “nay đây mai đó”, đến di ảnh của chồng cũng không có lấy một chỗ tử tế để đặt, nên đành cất vào ngăn tủ. Ngày giỗ chồng, bà cũng chỉ nấu được mỗi nồi canh để cúng.
Không có chỗ để ở thì chỗ đâu mà tắm, giặt các thứ, tất cả đều nhờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, ai có gì cho nấy: “Tắm, giặt thì vô nhà của tôi hết, điện cũng kéo bên nhà tôi qua. Thấy mẹ thì già, con thì ốm đau nên bà con trong hẻm này ai cũng thương hết, có cơm cho cơm, có cá cho cá”, anh Dũng (55 tuổi, ngụ hẻm 21), nói.

tin liên quan

Những xe ôm dùng tay, 'xổ tiếng Anh' bắt khách ngay trung tâm thành phố
Giữa thời buổi công nghệ, Grab, Uber họ vẫn miệt mài dùng tay ngoắc, lâu lâu xổ một tràng tiếng Anh 'bồi' để mời đi xe ôm. Một nửa đời trên những chuyến xe chạy suốt đêm ngày, những người lái xe ôm ở phố Tây đã đi cùng biết bao thăng trầm nơi bến đậu nhộn nhịp ấy.
Chỗ ngủ của bà Trà là một tấm ván kê trên vài viên gạch, đồ đạc treo lỉnh kỉnh.
Cuộc sống nghèo khổ cứ đeo bám bà, đến ngày các con trưởng thành bà cũng đau đáu nỗi lo con cái, vì con bà chẳng ai lập gia đình. Bà nghẹn ngào, cúi mặt để che đi nỗi buồn bấy lâu nay, rồi nói: “Nhiều người kêu bà cho bớt con đi, biết đâu tụi nó có được cuộc sống tốt, thay vì đi với bà chịu khổ, nhưng vì thương con nên bà không nỡ…”.
Thương 3 mẹ con, hàng xóm che tạm cho một cái lều nơi cuối hẻm để 3 mẹ con bà có chỗ che mưa tránh nắng. Khó khăn là thế, nhưng vì thương con bà không nản, gồng gánh tất cả che chở cho sắp nhỏ. Đến nay, 2 người con của bà cũng đã trên dưới 60 tuổi.
Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ cho gia đình bà Trà 380.000 đồng mỗi tháng và các nhu yếu phẩm để góp phần cải thiện cuộc sống cho gia đình bà.

tin liên quan

Mẹ già 85 tuổi tần tảo nuôi con ngây dại giữa Sài Gòn
Chồng bà Thà mất sớm do di chứng của chiến tranh, để lại cho bà 9 đứa con nheo nhóc. Trong số 9 người con, có 2 người bị nhiễm chất độc da cam. Từ ngày đó, một thân một mình bà chạy vạy, buôn bán đủ nghề để kiếm tiền nuôi đàn con thơ dại.
Chiếc nồi hấp bánh tằm đã hơn 20 năm, để cạnh chỗ bà Trà ngủ chừng 1 gang tay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.