'May áo mới' cho ứng dụng gọi xe công nghệ

01/03/2019 10:22 GMT+7

Mô hình kinh tế chia sẻ đang ngày càng lan rộng ra nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và Việt Nam cần nhanh chóng có những quy định mới theo kịp xu hướng tất yếu này.

Quản chung vẫn cần quy chế riêng

"Chào sân" từ 2016, Grab, Uber - những cái tên mở màn cho sự thâm nhập của mô hình kinh tế chia sẻ, của cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam - đã thật sự tạo ra cuộc thay đổi ngoạn mục trong ngành vận tải nước nhà. Tiện lợi, giá cả phải chăng, loại hình dịch vụ này không mất nhiều thời gian để "lấy lòng", thay đổi hoàn toàn thói quen di chuyển của người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, vì quá mới mẻ, các ứng dụng gọi xe này cũng khiến các cơ quan quản lý không khỏi lúng túng. Sau gần 3 năm thí điểm, nghiên cứu với 6 lần chỉnh sửa bản dự thảo khung pháp lý gây nhiều tranh cãi, Bộ GTVT đã hoàn thiện dự thảo lần 7 thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh vận tải, với quan điểm đưa các ứng dụng gọi xe về quản chung với loại hình taxi.
Không phản đối "về chung nhà" với taxi truyền thống, khẳng định sẵn sàng đáp ứng mọi tiêu chuẩn chung về phương tiện để đảm bảo an toàn, đảm bảo nghĩa vụ với xã hội, nhà nước Việt Nam nhưng phía Grab đã có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai loại hình này có nhiều khác biệt quan trọng về cách thức vận hành, công cụ tính cước và nhận diện xe. Do đó cần có những phân biệt trong quy định dành cho từng loại hình.
Cụ thể, Grab đề xuất taxi công nghệ sẽ không bị yêu cầu có đồng hồ tính tiền (taxi meter) và niêm yết bảng giá cước; không yêu cầu có sơn logo và hộp đèn taxi gắn cố định trên nóc xe. Thay vào đó, phải lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió. Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh và có thể tắt đi khi xe không phục vụ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO nhận định ý nghĩa của taxi công nghệ là kết nối các phương tiện tham gia vận chuyển hành khách trong thời gian rảnh rỗi. Đây không phải là kinh doanh taxi chuyên nghiệp nên việc ép phương tiện gắn phù hiệu nhận diện là vô lý. Theo ông, mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng: khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông. Về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Việc gắn phù hiệu hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp.
"Đây là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, cần những điều kiện, quy định mới nhằm phát huy những mặt tích cực mà loại hình kinh doanh này đem lại. Tạo môi trường bình đẳng không có nghĩa là kéo loại hình này về quản y như taxi. Áp hết theo khung quản lý cũ sẽ triệt tiêu hết những tiến bộ, lợi ích mà Grab đem lại cho người dùng" - ông Đức nêu ý kiến.
"Tạo môi trường bình đẳng không có nghĩa là kéo loại hình này về quản y như taxi" - LS Trương Thanh Đức Ngọc Dương

Tạo điều kiện cho kinh tế chia sẻ ra đời

Không chỉ riêng trong lĩnh vực vận tải, mô hình kinh tế chia sẻ đang lan tỏa đến nhiều ngành, nghề khác và ngày càng trở nên gần gũi với cuộc sống người dân Việt Nam. Điển hình như dịch vụ chia sẻ phòng ở, đặt khách sạn trực tuyến, thương mại trực tuyến... 
Các chuyên gia nhận định đặc trưng và điểm ưu việt của kinh tế chia sẻ là tận dụng mọi nguồn lực trong xã hội để phục vụ xã hội. Điều này giúp tiết kiệm chi phí giao dịch, doanh nghiệp tiếp cận được lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số, nhà nước dễ quản lý thuế vì minh bạch doanh thu và quan trọng nhất là tăng tiện ích, giảm chi phí cho người dùng. Mô hình này đang là xu hướng phát triển kinh tế của thế giới và nếu muốn đón đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 theo đúng định hướng của Chính phủ, các Bộ, ngành cần nhanh chóng có khung pháp lý phù hợp đối với kinh tế chia sẻ.
Một doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM cho rằng trong sự tác động trực tiếp của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và việc thay đổi để thích nghi và phát triển là điều tất yếu. Tuy nhiên trước bất cứ sự thay đổi nào, bước chuyển mình của doanh nghiệp phải dựa trên nền tảng của quản lý nhà nước. “Quản lý nhà nước đến phương thức tiếp thị, chính sách khuyến khích, đào tạo nhân lực trong từng ngành… tất cả phải theo kịp thực tế. Doanh nghiệp chuyển mình theo 4.0 thì nhà nước cũng phải theo kịp 4.0” - vị này nhấn mạnh.
Mới đây, trong cuộc họp về xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh nhưng có nhiều tiềm năng và dự báo sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh tới nhiều ngành nghề trong thời gian tới. Tuy nhiên vị này cũng thừa nhận Việt Nam vẫn chưa có các chính sách quản lý, ngoài trường hợp thí điểm với dịch vụ vận tải theo hợp đồng điện tử (Quyết định 24 của Bộ GTVT)
Cho ý kiến vào Đề án, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh thực tiễn trên thế giới chưa có quốc gia nào có pháp luật chung về kinh tế chia sẻ mà chỉ điều chỉnh riêng lẻ ở các lĩnh vực có kinh tế chia sẻ. Thực tiễn của loại hình này thay đổi rất nhanh so với các quy định nên cần xây dựng ngay các quy định để điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực
"Trong kinh tế chia sẻ, còn nhiều lĩnh vực còn nhạy cảm, khó kiểm soát như lĩnh vực cho vay ngang hàng dễ biến tướng thành cho vay nặng lãi, nhưng quản lý nhà nước cần sớm đối diện với những khó khăn này. Cách tiếp cận là tạo điều kiện cho nó ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm”, ông Vương Đình Huệ chỉ đạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.