Sau hơn 6 năm vất vả, đến mùa hoa tam giác mạch 2020, Matsuo tự tin: “Đã đến lúc để đưa hạt tam giác mạch, mì Soba từ Việt Nam ra với thế giới”.

Xin hỏi anh với một tò mò, vì sao Việt Nam lại hấp dẫn anh tìm đến? 

Tôi làm chủ công ty truyền thông ở Tokyo, công việc thuận lợi, nhưng khi Nhật bị thảm họa sóng thần 2011, tôi nghĩ mình phải tính hướng đầu tư thêm ở một nơi nào đó an toàn ngoài nước Nhật. Tôi sang Mỹ tìm cơ hội, rồi sang Singapore, mất khoảng gần 3 tháng, kết quả không khả quan. Tình cờ bạn thân của tôi, một doanh nghiệp trong lĩnh vực golf đầu tư vào sân golf ở Bình Dương, rủ tôi đi cùng. Đó là năm 2013. Đến Bình Dương, chủ đầu tư Becamex Tokyu có lời mời tôi làm khu ẩm thực phong cách Nhật, dành phục vụ người Việt.

Anh nghĩ sao về lời mời hợp tác từ ngay chuyến đi đầu tiên ấy?

Dông dài một chút, bạn tôi và tôi có nền tảng gia đình khá giống nhau. Ông nội bạn ấy là chủ sân golf, ông nội tôi làm chủ một ngân hàng. Chúng tôi là thế hệ sau, sự thành công của gia đình là áp lực để chúng tôi phải vượt qua, phải tiến xa hơn bằng khả năng chính mình. Nhưng môi trường kinh doanh ở Nhật không như thời xưa nữa. Hai chúng tôi đến Việt Nam, chỉ lần đầu nhưng tôi tự nhiên nghĩ ngay rằng mình phải làm một cái gì đó thật ý nghĩa ở đây, cho con người, cho xã hội, và cho tương lai của tôi. Lời mời hợp tác của Becamex Tokyu Bình Dương như một thúc đẩy thêm cho sự quyết định chọn Việt Nam làm ngôi nhà thứ hai ngoài Nhật Bản.

Dự án đầu tiên của anh ở Việt Nam là ẩm thực, mọi chuyện có suôn sẻ như anh nghĩ?

Tôi nhận lời đề nghị thật hấp dẫn, mở một khu ẩm thực lớn theo kiểu Nhật, trong tòa nhà có 3.000 nhân viên làm việc mỗi ngày. Lượng khách cố định tôi phải phục vụ là 600 người, cộng thêm 600 khách vãng lai. Nhưng cái khó là mức giá đưa ra rất khiêm tốn, chỉ 30 ngàn đồng/phần ăn, nhưng phải phong cách Nhật. Tôi nghĩ phải tận dụng nguyên liệu Việt Nam mới giảm được giá thành. Và tôi chọn mì Soba, bởi biết nguyên liệu này ở Trung Quốc nhiều, nếu nhập sang Việt Nam sẽ rẻ hơn so với nhập các loại nguyên liệu khác từ Nhật hoặc đâu đó trên thế giới.

Trong những ngày nghĩ ngợi, tôi lang thang trên mạng và phát hiện hình ảnh hoa tam giác mạch ở Hà Giang. Nghiên cứu thêm thì tìm ra bài viết từ Đại học Hokkaido của một giáo sư về giống cây này. Tôi liên lạc đến đại học, gọi điện cho giáo sư và được ông tận tình chỉ điểm, rằng trên Hà Giang, cây tam giác mạch được di thực đến và phát triển tốt. Tôi mừng như bắt được vàng vì nếu đúng thế, đây sẽ là nguyên liệu tuyệt vời để tôi thể hiện món mì Soba nguyên liệu Việt, giá thành Việt.

Vậy là anh tìm đến Hà Giang?

Đúng rồi, đấy là năm 2014, tôi thuê xe đi thẳng đến Hà Giang, đem hình cây tam giác mạch ra hỏi mọi người, và đến được Phố Cáo nơi có cánh đồng hoa đang nở. Tôi xem kỹ, cảm giác thực sự sướng vì nhận ra đây là giống tam giác mạch nguyên bản. Nói thêm rằng bà nội tôi quê ở vùng trồng tam giác mạch số một Nhật Bản là Nagano, tôi sống với bà hồi nhỏ, được bà chỉ cho cách phân biệt lá, hoa, ảnh hưởng đến chất lượng mì thế nào. Và nhìn hoa tam giác mạch ở Hà Giang, tôi nhận ra ngay đây là giống thuần chủng, chưa bị biến đổi bởi tác động kỹ thuật, khoa học.

Chuyến đi hẳn thành công như anh mong đợi?

Rất thành công, khi đến cánh đồng hoa ở Phố Cáo, tôi dò hỏi người dân, và quen được Văn, một chàng trai H’mông khoảng 25 tuổi, chuyên thu mua hạt tam giác mạch nấu rượu, làm bánh nướng. Văn mời tôi về nhà, đãi các thứ liên quan đến bột tam giác mạch. Tôi quyết định mua nguyên liệu từ Văn, mang về Bình Dương chế biến mì, khi 100% nguyên liệu không pha trộn, khi gia giảm để thay đổi vị. Và tô mì Soba tôi bán ra cho khách, giá 29.000 đồng, với 100% nguyên liệu Việt Nam.

Tam giác mạch ở Việt Nam có từ lâu, nhưng ít người biết dùng để làm gì ngoại trừ mỗi mùa hoa nở, nông dân thu tiền chụp hình khách tham quan, hoặc hạt đem nấu rượu, cho trâu bò ăn... Anh thấy gì từ nguồn nguyên liệu này?

Tôi đi khảo sát các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai... cũng thấy có tam giác mạch, nhưng Đồng Văn có khí hậu tuyệt vời, đường sá hiểm trở, đi lại khó khăn, tạo môi trường ổn định, cho ra chất lượng hạt tốt hơn. Nhưng có điều tôi ngạc nhiên vì nông dân trồng hoa, thu nhập bình quân theo khảo sát chỉ được khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Tôi đến làm việc với chính quyền Hà Giang, gợi ý về việc xuất khẩu hạt tam giác mạch sang Nhật để nâng cao đời sống cho người bản địa. Nhưng có lẽ do nguyên liệu này quá thường so với ngô lúa, nên mọi việc rơi vào im lặng.

Anh vẫn lấy nguyên liệu tam giác mạch làm mì Soba?

Tôi nghĩ nói không ai nghe, vì có thể mọi người chưa hiểu hết cái hay của tam giác mạch. Và tôi quyết định làm, mở một chuỗi tiệm mì Soba khắp Việt Nam, hướng dẫn người Việt làm mì theo lối đơn giản, công thức, để có thể tự làm. Chuỗi thành công ở các thành phố lớn. Tôi mở tiếp một tiệm mì Soba ở Hà Giang, in 1.000 tờ rơi, nội dung giới thiệu bản thân, giới thiệu về tam giác mạch, về mì Soba, và nêu rõ đang cần người làm nhân viên. Tôi mang tờ rơi đến các trường học, đồng ruộng, khắp nơi ở Hà Giang, phát hết, về đợi tin, không một phản hồi. Tôi in tiếp 1.000 tờ rơi nữa, thêm 1.000 tờ nữa...; chỉ vài ba email, hai ba cuộc điện thoại, rồi lại tắc tịt.

Cuối cùng tôi chọn giải pháp mặt đối mặt, đi gặp từng người, và như thế tôi tuyển được nhân sự cho tiệm mì ở Hà Giang. Sau thời gian đào tạo nhân viên, tôi cho luân chuyển nhân viên đi khắp vùng miền, nơi có cửa hàng mì Soba. Nếu có gia đình, tôi bố trí ăn ở riêng; nếu độc thân, tôi cho ở tập thể, mọi người hỗ trợ, giúp đỡ nhau, định hình thành một tập thể vững mạnh.

Hướng đi của anh khá thành công, được biết anh lại đột ngột thay đổi khi quyết định đóng cửa chuỗi tiệm mì?

Mỗi kế hoạch khi tính theo năm, đó chỉ là con số, 2 năm mở chuỗi tiệm mì, tôi khá thành công. Nông dân làm hạt tam giác mạch, bán cho tôi với số lượng được khoán hàng năm, cũng chỉ là con số. Và tôi mua ở họ nhiều hơn, tức tôi bán được nhiều, thu lợi nhiều, nhưng chỉ là cá nhân tôi và nhân viên của tôi. Cái tôi mong muốn đi xa hơn, đó là thay đổi mô hình kinh doanh. Nhật Bản hàng năm nhập trung bình 90 ngàn tấn nguyên liệu thô hạt tam giác mạch từ Trung Quốc, tôi chỉ “cướp” trong đó khoảng 500 tấn, nhập khẩu từ Việt Nam, nông dân trồng tam giác mạch ở Việt Nam sẽ khá hơn rất nhiều so với thực tại. Nếu hạt tam giác mạch Việt Nam nhập sang được Nhật Bản, đồng nghĩa là chất lượng chuẩn, đủ để nhập đi khắp thế giới.

Tôi nhìn ở vị trí địa lý, Việt Nam là trọng tâm của Châu Á về địa lý, các nước Châu Á đều có nhà hàng Nhật, chất lượng tam giác mạch Việt Nam hảo hạng, nhập đi thị trường này thôi là nông dân đủ để an nhàn, thậm chí không đủ cung cấp. Tôi nghiên cứu các vùng đất, tập tính của tam giác mạch, và khẳng định hàng năm chỉ riêng Hà Giang, số lượng đạt đến 500 - 600 tấn. Và các tỉnh thành khác phù hợp điều kiện trồng tam giác mạch, có thể ứng dụng mô hình của tôi để phát triển.

Từ một nhà kinh doanh, giờ anh lại giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Nhật - Việt, mục đích của việc thành lập Hiệp hội này là gì?

Tôi đi khắp Việt Nam, và nhận ra ở đây có quá nhiều nguyên liệu rất quý hiếm, độc đáo. Chỉ riêng Hà Giang, những thứ như mắc khén, hạt dổi, hoa hồi, các loại rau củ theo mùa... đã là đặc biệt bên cạnh tam giác mạch. Mỗi địa phương ở Việt Nam cũng đều có những sản phẩm đặc sản mà Nhật Bản không có. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Việt Nam chính là những sản phẩm độc đáo mà tôi nghĩ đều xứng đáng để lan tỏa không chỉ ở Việt Nam mà ra cả quốc tế.

Tôi lập nên Hiệp hội, mục đích quy tụ không chỉ những đầu bếp danh tiếng ở Nhật, ở Việt Nam, mà lấy đó làm cầu nối phát huy giá trị nguyên liệu của hai nước. Chẳng hạn tôi sẽ mời một đầu bếp trong nhóm 5 của Nhật Bản (cũng là bạn thân của tôi) sang Việt Nam làm những buổi tiệc sang trọng, đẳng cấp và chỉ dùng nguyên liệu từ Việt Nam, chế biến theo phong cách Nhật. Giống như tôi đã làm với mì Soba và các nguyên liệu ở Hà Giang như thịt dê, thịt gà, cải mèo, tôm sông... để làm nên món mì Soba kiểu Nhật nhưng phong vị đậm sắc Việt.

Ẩm thực Nhật, nguyên liệu Nhật, đầu bếp Nhật… tất cả mang chuẩn Nhật Bản, nhưng khi áp chuẩn ấy vào với Việt Nam, lại là chọn đặc sản vùng miền - vốn rất khó kiểm soát chất lượng, số lượng, thậm chí là vấn đề an toàn vệ sinh - để hướng đến thị trường Nhật và quốc tế, hẳn là không đơn giản, ông có nghĩ đến tình huống đó chưa?

Tôi biết điều đó, và tôi đang thiết lập một nền tảng, lấy con số 110, mang ý nghĩa là Nhật có 47 tỉnh thành, Việt Nam có 63. Mỗi tỉnh thành Việt - Nhật, tôi và thành viên của Hiệp hội chọn ra một sản phẩm, lập chuỗi bán hàng trên không gian mạng. Mỗi sản phẩm, sẽ được giới thiệu câu chuyện phía sau nó, từ chất lượng, đến yếu tố vùng miền, văn hóa, tập tính sử dụng, câu chuyện chế biến, danh thắng địa phương. Và theo định kỳ, số lượng 110 sản phẩm ấy thay đổi, có thể 6 tháng, có thể ngắn hạn hơn. Đó là kênh để mọi người có thể chọn được những sản phẩm đặc sản nổi bật.

Với sản phẩm từ Nhật, mọi quy chuẩn đã sẵn có; với sản phẩm từ Việt Nam, khi sánh đôi với sản phẩm Nhật, ngay bản thân người sản xuất cũng sẽ được học và thay đổi quan điểm dần để chất lượng sản phẩm mình được nâng cao hơn ngang tầm với sản phẩm Nhật, lấy sản phẩm Nhật làm đối chiếu so sánh.

Điểm lợi khi sắp đặt hai dòng sản phẩm ngang bằng nhau, cũng là cách để khẳng định với người tiêu dùng rằng sản phẩm Việt đủ tầm và đẳng cấp sánh với hàng Nhật.

Hướng đi sắp tới của anh tại Việt Nam?

Tôi thiết lập nhà máy sản xuất nguyên liệu thô hạt tam giác mạch ở Hà Giang phục vụ xuất khẩu, sau đó sẽ tìm các vùng thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để tiếp tục mở rộng diện tích trồng tam giác mạch. Có nguyên liệu, chế biến ổn định, tôi sẽ kêu gọi các chuỗi sản xuất công nghiệp vào đầu tư làm ra mì, xuất khẩu đi các nước khu vực và thế giới. Từ mô hình tam giác mạch, Việt Nam có thể nhân rộng sang mô hình các loại sản phẩm nông nghiệp khác rất dễ dàng.

Xin cảm ơn anh với buổi trò chuyện thú vị này!

Báo Thanh Niên
27.12.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.