Mất Tết vì thuốc nam

30/01/2017 16:34 GMT+7

Sau đợt uống thuốc nam trị bệnh, bệnh nhân nữ 53 tuổi (ở Hưng Yên) phải nhập viện trong trình trạng bề mặt da toàn thân phỏng rộp, bong tróc

Bệnh nhân này được điều trị tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Con gái của bệnh nhân cho biết: “Mẹ của em bị đau nhức xương, có người quen mách đi mua thuốc nam của ông lang gần nhà. Uống mấy thang đầu thì bình thường nhưng uống đến thang thứ 5 - 6 gì đó thì nổi ngứa”.
Cũng theo người nhà bệnh nhân, thuốc nam mà bệnh nhân uống là các loại cây, lá sắc lấy nước uống, mua của một ông lang trong vùng, không phải là cơ sở chính thống. Lúc đầu, nổi ban đỏ nhưng sau đó thì bề mặt da phỏng rộp từng mảng lớn phải nhập viện.
Chăm sóc bệnh nhân dị ứng nặng trong ngày tết tại Trung tâm Dị ững - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) Liên Châu
Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ 23 tuổi, với gương mặt sưng húp, tấy đỏ, chị khó nhọc cho hay, do bị ốm nên đã đi mua thuốc lá về sắc uống. Sau khi uống được 2 - 3 thang thì nổi mụn, ngứa trên da. “Khi đó em nói với bà lang thì bảo là phải phát ra như vậy mới tốt, nên vẫn tiếp tục uống. Đến 2 - 3 hôm sau thì quá nặng, trên người nổi ban từng mảng lớn, tróc da ở tay, lưng, sốt, mặt sưng tấy nên người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai”, bệnh nhân kể.
Dịp tết, Trung tâm Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng đã tiếp nhận, điều trị những bệnh nhân dị ứng nặng bị hội chứng Stevens - Johnson và Lyell (tình trạng hoại tử, tổn thương da nghiêm trọng, xuất hiện các mảng ban đỏ toàn thân, các bọng nước to làm bong, hoại tử da từng mảng lớn như bị bỏng. Tổn thương còn có ở niêm mạc gây loét miệng, viêm kết mạc, viêm loét các hốc tự nhiên…)
Anh Tống Văn Minh, Điều dưỡng trưởng của Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho hay, bệnh nhân dị ứng phải ở lại tết là những trường hợp rất nặng. Các nguyên nhân gây dị ứng chủ yếu do thuốc (tân dược và thuốc lá sắc), hoá mỹ phẩm. Theo anh Minh: “Các bệnh nhân này đòi hỏi được chăm sóc cẩn thận, nghặt nghèo về vô khuẩn, tuân thủ quy trình chăm sóc da, thay ga, chăn bởi hầu hết họ trong tình trạng bề mặt da bị phỏng rộp từng mảng lớn và bong trợt, cần vô khuẩn tốt”. Với các bệnh nhân dị ứng nặng, chế độ ăn uống, việc dùng thuốc cũng phải tuân thủ rất nghiêm túc, đầy đủ theo đơn của bác sĩ vì nhiều dị ứng nặng còn gây suy gan, suy thận.
                           Bệnh nhân bong tróc da toàn thân do dị ứng thuốc Liên Châu                              
Theo các bác sĩ, bệnh nhân dùng thuốc gì cũng cần theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu dùng thuốc y học cổ truyền (thuốc nam, thuốc bắc), cần đến các phòng mạch của các lương y đã được cấp phép và bất cứ thuốc nào cũng có thể gây dị ứng. “Dị ứng có thể xảy ra sớm trong vòng vài phút, vài giờ nhưng cũng có thể phản ứng muộn sau vài ngày hoặc cả đợt điều trị. Dị ứng mang yếu tố cơ địa, tùy cá cá thể mỗi người và các phản ứng không thể dự báo trước khi dùng thuốc. Vì vậy, cần lưu ý các triệu chứng bất thường như: ban sẩn ngứa, loét ở niêm mạc (miệng, mắt, cơ quan sinh dục); sốt,.. dù là xuất hiện muộn sau một thời gian đã dùng thuốc cũng nên tạm ngưng sử dụng và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn”, bác sĩ Nguyễn Lê Hà, công tác tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.