Mất sạch tiền vì khách hàng mua vé máy bay qua Facebook

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
11/10/2018 13:57 GMT+7

Gần đây, có thêm nhiều người dùng Facebook bị lừa mất tiền thông qua chiêu giả làm khách hàng chuyển tiền từ nước ngoài về để mua vé máy bay.

Chị Nguyễn Thu Trang, chủ một đại lý bán vé máy bay ở Biên Hòa (Đồng Nai), bức xúc kể lại: “Qua Facebook, một vị khách hỏi mua vé khứ hồi Sài Gòn - Hà Nội bay vào ngày 17.10. Sau khi đồng ý giá, giờ bay, mình nói chị ta chuyển khoản xong sẽ giao vé. Chị ta nói vì đang ở nước ngoài nên sẽ chuyển khoản nhưng vé giao cho một người khác ở Biên Hòa. Trong quá trình giao dịch, chị ta yêu cầu mình nhập mã xác nhận để ngân hàng quy đổi tiền đô sang tiền Việt. Mình tưởng thật, bèn làm theo. Sau khi làm, vào kiểm tra tài khoản, thì không còn một đồng nào. Mình cay đắng nhận ra vừa bị kẻ cắp lừa mất gần hai chục triệu đồng”.

Tài khoản có nhiều giao dịch lừa đảo Ảnh: Mỹ Quyên

Chị Trang cho biết trước giờ mới chỉ nghe nói lừa tiền thông qua việc hack nick, rồi vào nhờ người thân nạp thẻ hoặc chuyển tiền cho mượn, chứ chưa bao giờ nghe đến tình huống này.


Một đoạn chat hướng dẫn thực hiện giao dịch của kẻ lừa đảo 

Tương tự, anh Trọng Toàn, chủ một đại lý bán vé máy bay ở Thừa Thiên - Huế, cũng mắc bẫy như trên từ “khách hàng” với chiêu bài mua vé, chuyển khoản từ nước ngoài về rồi yêu cầu nhập mã xác nhận để “đổi từ tiền đô sang tiền Việt”.


Mới đây 8.10, Huỳnh Thị Kim Nhung, chủ một đại lý bán vé máy bay tại Quảng Nam, đã đăng một ghi chú cảnh báo người dùng Facebook về việc dàn cảnh lừa tiền. Cụ thể, có một vị khách hỏi mua 5 vé máy bay chặng Hà Nội - Sài Gòn vào ngày 13.10. Chị Nhung cho biết giá một vé là 1.379.000 đồng. Vị khách này đồng ý và gõ tên 5 hành khách, sau đó chủ động nói chị Nhung đưa số tài khoản để chuyển tiền.

Tuy nhiên, do vị khách nói mình đang ở Đức nên thủ tục rắc rối hơn một chút. Kẻ này yêu cầu chị Nhung phải vào mục xác nhận nhập mã để quy đổi từ tiền đô sang tiền Việt. Vị khách yêu cầu Nhung nhập mã xác nhận 1868c79 vào link. Tuy nhiên, chị Nhung đã được người bạn bị lừa trước đó cảnh báo, nên không làm theo hướng dẫn.

Cũng bằng chiêu thức yêu cầu nhập mã số xác nhận, nhưng chị Đ.T, chủ đại lý bán vé máy bay ở Biên Hòa (Đồng Nai) bị lừa bởi một kẻ dùng nick chị dâu của chị T. đang sống ở Mỹ. Chị T. kể: “Sau khi nói chuyện vài câu thăm hỏi, mình hoàn toàn tin tưởng đó là chị dâu vì chị hỏi thăm cún (con mình) bị ốm đã khỏi chưa. Sau đó, chị bảo cần gửi một số tiền cho người quen ở Việt Nam và hỏi mình có xài dịch vụ internet banking không. Mình nói có, thế là chị bảo chị chuyển cho mình một khoản tiền là 45 triệu đồng, sau đó nhờ mình gửi cho người quen đó”.

Kẻ lừa đảo chụp lại màn hình giao dịch có ghi chuyển 45.989.000 đồng vào tài khoản chị T. và bảo chị T. kiểm tra lại thông tin tài khoản có đúng không. Nếu đúng thì bấm vào đường link màu đen, nhập mã xác nhận thông tin để ngân hàng bên đó đổi tiền đô sang Việt, sau đó ngân hàng Mỹ sẽ hoàn tất giao dịch.

Sau khi nhập xong, chị T. thấy số tiền gần chục triệu đồng của mình trong tài khoản bị mất sạch. Ngay lập ức chị nhắn hỏi “chị dâu” thì “chị dâu” đã khóa nick, không thể tiếp tục cuộc trò chuyện.

Được biết, sau khi chị T. nhờ một người bạn bên ngân hàng kiểm tra giao dịch, thì được biết chủ tài khoản có tên Nguyễn Văn Lộc. T. cho biết đây cũng chính là số tài khoản đã lừa nhiều người.

Bà Bùi Diệu Linh, làm việc tại Trung tâm đào tạo của Ngân hàng OCB, đưa ra lời khuyên: “Khi sử dụng internet banking, các bạn lưu ý chỉ khi chuyển tiền cho tài khoản khác mới phải xác nhận bằng mã OTP. Còn khi người khác chuyển khoản cho mình thì không cần xác nhận bất cứ thông tin gì. Nếu người đó nói phải bấm vào một link nào đó, nhập mã nào đó thì chắc chắn là có hành động lừa đảo, mục đích là ăn cắp tiền trong tài khoản. Chính vì vậy người dùng nên hết sức cảnh giác vì không bao giờ có chuyện xác nhận để ngân hàng nước ngoài chuyển từ tiền đô sang tiền Việt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.