Mật ong thật rớt giá, rẻ hơn mật ong 'dỏm'

09/08/2023 08:54 GMT+7

Khi thị trường xuất khẩu thuận lợi, các doanh nghiệp mật ong chỉ lo bán đi nước ngoài để thu về ngoại tệ. Khi bế tắc xuất khẩu vì bị áp thuế, thị trường nội địa vốn đã nhỏ bé càng thêm chật chội vì bị chia phần cho mật ong giả.

Mải mê xuất ngoại, bỏ bê thị trường nội

Mật ong thật rớt giá, rẻ hơn mật ong "dỏm" - Ảnh 1.

Thị trường mật ong nội địa thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng hoang mang và thường xuyên mua nhầm

CTV

Cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam từ 410,93 - 413,99%. Sau đó, mức thuế áp dụng chính thức đã giảm rất mạnh, xuống còn 58,74 - 61,27%.

Tuy nhiên, với mức thuế này, mật ong Việt Nam cũng không thể cạnh tranh được với các nước khác, lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã lập tức giảm 90,1%, thị phần giảm xuống còn 2,4% so với con số 26,1% của năm 2021. Từ vị trí số 1 ở Mỹ, mật ong đã tụt xuống vị trí thứ 8. 

Ông Đặng Bá Long, Giám đốc Công ty Mật ong TP.HCM trăn trở: "Trước tình hình xuất khẩu bế tắc, thị trường nội địa chính là chiếc phao cứu sinh còn lại của các doanh nghiệp. Nhưng sau một thời gian bỏ bê, thị trường nội địa vốn đã quá nhỏ bé, người tiêu dùng lại đang bị nhầm lẫn, mất niềm tin khi thường xuyên mua nhầm sản phẩm giả". 

Thực tế thời gian qua, rất nhiều người mua phải mật ong giả. Chị Bùi Minh Hoa, ngụ tại Q.6 (TP.HCM) chia sẻ: "Trước đây, khi mua mật ong, tôi thường ra cửa hàng đông y gần nhà, nhưng hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều kênh bán mật ong bằng hình thức livestream, ngoài ra còn có các sàn thương mại điện tử, do đó tôi đặt mua qua điện thoại cho tiện. Nhiều lần tôi cũng mua nhầm mật ong giả, không dùng được nhưng giá trị không đáng bao nhiêu nên xem như rút kinh nghiệm".

Hơn 1 năm trước, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một cá nhân về tội danh "sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" trong đó có 2.000 lít mật ong sản xuất từ đường, mạch nha. Theo tìm hiểu, với mỗi thùng nha 70 kg sẽ cho ra lò khoảng 45 lít mật ong. Một chai mật ong 1 lít được cơ sở bán ra với giá 99.000 đồng. Nguồn lợi thu về là rất lớn.

Nghề nuôi ong lấy mật gặp khó

Sự cạnh tranh trên thị trường mật ong thế giới và trong nước ngày càng khốc liệt. Đây không chỉ là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong mà đang ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người nông dân nuôi ong. 

Hơn 30 năm trong nghề nuôi ong lấy mật, gia đình ông Đinh Quang Khang ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết: "Trước đây, tình hình xuất khẩu thuận lợi, mật ong làm ra đến đâu bán hết đến đó với giá ổn định 40.000 đồng/kg, giúp người nuôi ong lời gấp đôi so với chi phí ban đầu. Tuy nhiên, từ tháng 11.2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá khiến các công ty xuất khẩu mật ong thu mua nhỏ giọt. Giá mật ong có lúc giảm còn 15.000 đồng/kg nhưng vẫn không bán được. Gia đình tôi đã đầu tư lớn cho những đàn ong, giờ cũng không thể hủy diệt được, không bán được nhưng vẫn phải quay lấy mật tích trữ". 

Theo các chuyên gia công nghệ thực phẩm, phương pháp làm mật ong giả được các đối tượng tiến hành khá đơn giản. Đó là dùng chè (trà) đen pha thành nước màu nâu. Sau đó cho đường vào nước này với số lượng nhiều và cô đặc lại. Khi thành phẩm đặc sánh như mật ong thì dừng lại. Người ta dùng nước này cùng với một phần nhỏ mật ong thật, rồi thả thêm xác ong, sáp ong vào nhằm tăng độ tin cậy. Người tiêu dùng nhìn tận mắt còn rất khó phân biệt qua màu sắc, mùi, vị, huống hồ gì nhìn qua màn hình điện thoại nên thường tin nhầm các chủ kênh bán hàng online.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.