Mất kế sinh nhai vì rừng sản xuất 'biến' thành rừng đặc dụng

Khánh Hoan
Khánh Hoan
13/12/2022 11:11 GMT+7

Hàng trăm hộ dân ở H.Nam Đàn, Nghệ An đang rơi vào cảnh trớ trêu khi được giao đất để trồng keo nhưng sau nhiều năm đầu tư trồng cây, họ không được khai thác vì đất bị quy hoạch thành rừng đặc dụng.

Trồng rừng nhưng không khai thác được

Năm 2007, ông Nguyễn Viết Vinh (ngụ xóm 9, xã Nam Thanh, H.Nam Đàn, Nghệ An) nhận khoảng 7 ha đất rừng ở mỏm núi Đại Huệ thuộc địa bàn của xóm 9 để trồng keo theo chủ trương của UBND H.Nam Đàn. “Lúc đó, đây là rừng nghèo kiệt, chỉ toàn cây bụi và lau lách. Huyện và xã vận động chúng tôi nhận đất để trồng keo. Chúng tôi vất vả dọn dẹp mới có đất sạch để sản xuất”, ông Vinh nhớ lại. Theo ông Võ Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Nam Thanh, thời điểm đó có 34 hộ dân của xã nhận đất rừng để sản xuất, mỗi hộ khoảng 5 - 7 ha. Trước đó, rừng ở đây liên tục bị cháy. Để phủ xanh đất trống đồi trọc, chính quyền đã vận động người dân trồng keo để vừa có thu nhập, vừa giữ được rừng.

Đến năm 2014 - 2015, người dân lần lượt khai thác keo để bán và sau đó những hộ dân này tiếp tục bỏ vốn để đầu tư mua cây giống, phân bón, thuê người đào hố để trồng đợt keo khác. Năm 2021, người dân vào khai thác keo để bán thì bị lực lượng bảo vệ rừng ngăn cản với lý do khu vực này đã được quy hoạch thành rừng đặc dụng. “Họ quy hoạch thành rừng đặc dụng lúc nào chúng tôi không hề biết. Khi chúng tôi trồng keo họ cũng không có ý kiến gì. Tại sao chúng tôi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng keo trên đất đã được chính quyền giao lại không được thu hoạch, cũng không được bồi thường?”, ông Lê Công Hòa, một hộ dân trồng 5 ha keo từ năm 2007, bức xúc.

Keo ngã rạp nhưng người trồng không được khai thác

KHÁNH HOAN

Ông Hòa cũng cho biết, hồi đó người dân được xã vận động nhận đất trồng rừng và đến kỳ thu hoạch keo thì đóng cho xã 8 yến lúa/ha. Thế nhưng, lứa keo thứ 2, gia đình ông Hòa bỏ ra hơn 100 triệu đồng để trồng thì không được thu hoạch. “Rừng keo này là kế sinh nhai của gia đình tôi, không cho thu hoạch cũng không đền bù cho chúng tôi là quá vô lý”, ông Hòa nói.

Đến nay, keo đã đến kỳ thu hoạch, nhưng người trồng vẫn không được chặt bất cứ cây nào, dù cây bị gãy đổ vì đã trở thành rừng đặc dụng. Tháng 9 vừa qua, dù chỉ ảnh hưởng của cơn bão Naru nhưng hàng loạt cây keo đã bị gãy đổ. Người trồng bất lực đứng nhìn, không được khai thác. “Chúng tôi bỏ ra hàng trăm triệu đồng, chưa kể công sức chăm sóc, bây giờ nhìn thế này xót lắm”, ông Hòa nói.

Tại các xã: Nam Kim, Nam Thái, Thượng Tân Lộc, Nam Hưng (H.Nam Đàn) tình cảnh tương tự cũng xảy ra với rất nhiều hộ dân khi họ được giao đất để trồng keo theo chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, nay keo đã 10 - 15 năm tuổi vẫn không được khai thác vì bị quy hoạch thành rừng đặc dụng. Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng, địa phương có khoảng 100 ha rừng được người dân trồng keo nhưng không được khai thác, cho biết cuộc tiếp xúc cử tri nào người dân cũng đề nghị cho dân khai thác nhưng vẫn chưa có kết quả.

Đặc biệt, tại xã Thượng Tân Lộc, những cánh rừng keo trồng xen giắm trong rừng thông theo chủ trương của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ H.Nam Đàn (nay là BQL rừng đặc dụng) được Sở NN-PTNT Nghệ An cho phép để phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân trồng rừng với 300 ha, nay keo đã 15 năm, chèn ép thông khiến thông khó phát triển nhưng vẫn không thể khai thác.

Đề nghị đưa ra khỏi rừng đặc dụng

Ông Võ Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Nam Thanh, cho rằng quy hoạch rừng đặc dụng tại rừng keo đã giao cho người dân trồng keo sản xuất là không phù hợp vì ở đây không có di tích lịch sử, không còn rừng tự nhiên.

Theo báo cáo của UBND H.Nam Đàn, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quy hoạch rừng đặc dụng gắn với di tích lịch sử tại H.Nam Đàn với diện tích 3.069 ha, trong đó có hơn 1.700 ha rừng phòng hộ, 410 ha rừng sản xuất, 240 ha đồi hoang và gần 29 ha đất vườn được chuyển sang rừng đặc dụng. Do một số diện tích đất đã giao, cho thuê đất lâm nghiệp theo Nghị định 163 nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, khi lập hồ sơ đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, đơn vị quản lý rừng và UBND các xã không thông báo rõ với người dân nên người dân vẫn tiếp tục trồng keo. Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị cho khai thác keo nhưng huyện không thể xử lý vì vượt quá thẩm quyền.

Mới đây, UBND H.Nam Đàn tiếp tục có văn bản đề xuất cấp có thẩm quyền cho chuyển đổi gần 500 ha rừng đặc dụng sang rừng sản xuất để người dân có thể thu hoạch keo, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả.

Ông Đậu Đình Hùng, Trưởng BQL rừng đặc dụng H.Nam Đàn, cho biết kể từ khi quy hoạch rừng phòng hộ thành rừng đặc dụng, không chỉ người dân mà BQL cũng khổ khi nhiều diện tích rừng thông được trồng để lấy nhựa nhưng không thể khai thác. Tháng 2.2021, BQL rừng đặc dụng Nam Đàn đã có tờ trình xin khai thác tận dụng cây phù trợ, nhựa thông trong rừng đặc dụng gửi Tổng cục Lâm nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa được phúc đáp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.