Mật độ sân bay tại Việt Nam nằm nhóm cuối bảng trong khu vực

27/09/2022 08:03 GMT+7

Mật độ sân bay tại Việt Nam hiện thấp hơn cả Campuchia và Malaysia.

Là thị trường hàng không có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới nhưng mạng lưới sân bay của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực, mật độ sân bay của Việt Nam đang thực sự ở vị trí nào?

Trong khu vực, nhìn vào các biểu đồ trên có thể thấy mật độ sân bay của Việt Nam nếu so với diện tích chỉ đứng trước Lào, còn nếu so mật độ dân số thì đứng bét bảng.

Chưa kể, mặc dù liên tục được nâng cấp, mở rộng nhưng hầu hết sân bay tại các thành phố lớn đang hoạt động quá công suất.

Cả nước có 22 sân bay dân dụng, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Tổng công suất toàn mạng sân bay đạt 90,4 triệu lượt khách/năm nhưng từ 2018 đã được khai thác phục vụ gần 105 triệu lượt khách, tới 2019 phục vụ 116 triệu lượt hành khách. Cả 3 sân bay quốc tế lớn nhất của nước ta đều đang quá tải.

Tình trạng kẹt đường lăn, sân đỗ tại một số sân bay trọng điểm thường xuyên diễn ra, dẫn đến việc chậm, hủy chuyến đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của hành khách.

Tân Sơn Nhất - sân bay lớn nhất cả nước thường xuyên ùn tắc

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo tính toán của Hiệp hội Hàng không quốc tế, hàng không vận chuyển gần 2 tỉ lượt hành khách mỗi năm và 40% kim ngạch xuất khẩu liên vùng hàng hóa (theo giá trị). Ngành công nghiệp vận tải hàng không tạo ra 29 triệu việc làm, đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu ước tính khoảng 2.960 tỉ USD.

Dự báo tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ 136 triệu lượt hành khách và đóng góp 23 tỉ USD vào GDP.

Các chuyên gia cho rằng, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt là sân bay cho các điểm đến tiềm năng, là giải pháp cần thiết để du lịch, kinh tế địa phương phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.