Masan 'bắt tay' De Heus đẩy năng suất chuỗi giá trị từ nông trại tới bàn ăn

14/09/2021 15:48 GMT+7

Masan và De Heus thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược nhằm nâng cao năng suất chuỗi giá trị đạm động vật.

Công ty cổ phần Masan MEATLife và Công ty TNHH De Heus hôm nay (14.9) đã ký kết Bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác đối tác (MOU). Theo nội dung ký kết, các bên sẽ tìm hiểu quan hệ đối tác chiến lược và các cơ hội hợp tác kinh doanh, cùng nhau hướng đến mục tiêu chung như: Tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food) tại Việt Nam trên cơ sở phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của mỗi bên. Theo đó, Masan tiếp tục đầu tư phát triển vào lĩnh vực thịt mát có thương hiệu, còn De Heus sẽ ưu tiên tập trung cung cấp các giải pháp dinh dưỡng, con giống và chăn nuôi.
 

Đại diện De Heus - ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus Châu Á và đại diện Masan MEATLife - ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám đốc Masan MEATLife hoàn tất ký kết MOU

MS

"Cái bắt tay" giữa De Heus - chuyên gia, nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm dinh dưỡng cho động vật và Masan - tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam được đánh giá là một sự kết hợp đầy triển vọng, có thể đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa chuỗi giá trị đạm động vật. 
Ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan kiêm Chủ tịch HĐQT Masan MEATLife tin tưởng: “Tôi tin rằng quan hệ hợp tác giữa Masan MEATLife và De Heus sẽ góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị đạm động vật của Việt Nam chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa, sánh vai cùng các nước phát triển. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm thịt, cá đảm bảo an toàn, tươi ngon với giá cả hợp lý. Chúng tôi kỳ vọng sự hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại những chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam."
Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á cũng bày tỏ vui mừng khi trở thành đối tác chiến lược của Masan MEATLife. "Có thể thấy các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc, phúc lợi động vật và sử dụng kháng sinh... áp dụng cho chuỗi giá trị đạm động vật ở thị trường Việt Nam đang ngày càng được triển khai và kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Đây được xem là yếu tố quan trọng, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm đạm động vật được nuôi trồng tại Việt Nam, so với các các nước phát triển trên thế giới. Để đạt được mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt, đồng thời đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các đơn vị tham gia vào chuỗi giá trị cần phải có một sự gắn kết chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng, cùng nhìn về một mục tiêu chung. Tôi tin rằng với bề dày kiến thức và kinh nghiệm tích lũy lâu năm của cả Masan và De Heus, chúng tôi có thể đẩy nhanh tiến độ đạt tới mục tiêu đề ra” - vị này chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.