Marianne Nhị - Đóa phù dung khát gió

15/04/2007 22:32 GMT+7

Đó là ngọn gió phong tình phóng đãng đã xô ngã hoa khôi số hai của Sài Gòn xưa là Marianne Nhị vào con đường bế tắc, đến cuối đời phải ngửa tay đi hành khất...

Marianne Nhị là "đứa con hai dòng máu", cha gốc Khơ-me, mẹ Việt (quê Sa Đéc), gia đình sinh sống lâu năm ở Nam Vang. Lớn lên, Marianne Nhị về Việt Nam, một mình dấn thân vào chốn đô hội ở Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Để có chỗ nương thân, Nhị lúc đầu xin làm em nuôi dưới trướng của chị Ba Phò và sống trong nhà chị ấy ở khu vực chợ Thái Bình. Những ngày đầu chân ướt chân ráo, Nhị mang guốc cao gót còn vấp lên vấp xuống, mắt chưa quen với ngọn lửa bập bùng liêu trai trên bàn đèn thuốc phiện, chỉ đến ngày gặp Yvette Trà đời Nhị mới lật sang trang mới. Lúc bấy giờ Trà đang sống với một người Pháp khá nổi tiếng ở Sài Gòn là Franchini (trước đó, việc Trà gặp người tình lạ mặt và cũng lạ đời khác là Lâm Kỳ Xuyên ra sao sẽ nhắc ở bài sau).

Một đêm Trà đến xem phim tại rạp xi-nê Cầu Muối, nửa chừng trong bóng tối, bỗng nghe tiếng nói nhỏ nhẹ của một cô gái ngồi hàng ghế sau mời Trà điếu thuốc để... làm quen. Hết phim, ra xe, cô gái ấy đi theo nói một câu bất ngờ: "Thưa cô Ba, nhà cô Ba ở đâu cho em về theo với". Yvette Trà vừa ngạc nhiên, vừa chăm chú nhìn cô gái bạo gan, bạo miệng kia, thì thấy quả là một cô gái đẹp, rất trẻ và có thân hình hấp dẫn. Vốn tính phóng khoáng, cởi mở, lại dễ dàng thông cảm với hoàn cảnh của những người không một mái nhà như mình từng trải qua nên Trà đồng ý để cô ấy về nhà xem sao. Tới nơi, hỏi chuyện biết đó là Nhị, đang bơ vơ và tha thiết mong được Yvette Trà thâu nhận làm đàn em. Trà gật đầu, cùng Franchini lấy tên của nữ minh tinh màn ảnh Marianne để ghép với tên Nhị, thành Marianne Nhị (thân tình gọi Tư Nhị  ngụ ý là em nuôi của Ba Trà). 

Đây là tấm bưu thiếp (thực gửi) có dấu bưu điện cuối năm 1942 với chân dung một cô gái Sài Gòn phảng phất nét Hoa, nhưng một số nhà sưu tập cho là có thể của một hoa khôi người Việt. Đó là cô Ba? Cô Ba con thầy thông Chánh hay cô Ba Trà?  Hoặc một hoa khôi nào khác cùng thời với Marianne Nhị? Một số ý kiến giải đáp sẽ được nêu trong các bài tới.  (Ảnh tư liệu do nhà sưu tập Trần Đức Lộc cung cấp)

Được "bà hoàng" Yvette Trà đỡ đầu, Marianne Nhị từ chỗ lạc lõng vô danh trong làng chơi, trở thành ngôi sao sớm rực sáng, được nhiều tay chơi đeo đuổi. Trong đó có một công tử con nhà "bạc bó" ở Gò Đen bỏ tiền mua cho Nhị căn nhà khang trang nằm gần khu vực trung tâm đô thành đường Verdun (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám).

Lần đầu trong đời có mái ấm riêng, Marianne Nhị rối rít cám ơn vòng tay hào hiệp của Yvette Trà đã giang rộng để "che chở đùm bọc và làm cuộc tái sinh cho em út". Nhưng không lâu về sau, Nhị như con chim rời tổ bay ngược gió, tự tung tự tác tách khỏi ảnh hưởng của Yvette Trà. Không những không nghe lời khuyên của Trà, Nhị còn tự phụ tự mãn với sức trẻ hơn người và sắc đẹp đang lên. Quả vậy, với bộ ngực nở nang khêu gợi, cặp môi luôn đỏ, đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt, gương mặt cả ngày bừng lên một sắc hồng dưới nắng, giúp Marianne Nhị đẹp một cách "man dại" và lộ vẻ "sẵn sàng yêu"... Với hành trang ấy, càng ngày Nhị càng lao sâu vào con  đường trác táng, ăn chơi phí sức.

Đêm này qua đêm khác, Nhị uống whisky với đà "khát rượu như khát tình", ăn "cơm đen thay cơm trắng", bồ bịch sang tay liền liền như đổi áo. Cụ Vương thở dài ví Marianne Nhị đẹp như một đóa phù dung "mỗi ngày ba lần thay sắc", nhưng "bất hứa nhân gian" để sớm tàn sớm úa. Cô rất mê tốc độ, hễ ngồi lên chiếc Alpha-Roméo liền thúc tài xế chạy hết tốc lực, vun vút ra ngoại ô. Trên đường đi, Marianne Nhị muốn khoe nhan sắc chiêu hồn của mình trước công chúng bằng cách cứ vài tháng kẹp theo một người tình mới. Vì thế, ngồi bên Nhị trước Tết có thể là một tay chơi "bô trai" con nhà đại gia ở Nam Vang sang, đến sau Tết, vào dịp Nguyên tiêu lại là một công tử hiếu sắc từ Hậu Giang lên. Chưa lâu sau, sang đầu mùa hè, thì một "con ve" bằng vàng biết nói tiếng Hoa ở Chợ Lớn thay vào. Thế mà nhan sắc kia nhanh chóng, âm thầm lụi tàn vào những năm giữa thập niên 1940.

Một người lịch lãm ở Sài Gòn thời ấy tình cờ gặp Marianne Nhị trong một quán ăn ở đường George Guynemer vào năm 1946 với tình cảnh hoàn toàn khác xưa. Người này sau bữa điểm tâm, trả tiền xong định quay về, bỗng nghe tiếng gọi giật ngược: "Anh Ba!". Ngoái lại, biết tiếng kêu ấy phát ra từ trong đám hành khất rách rưới, định bước đi, lại nghe gọi đến mình thống thiết lần nữa, lần này đượm vẻ bi ai hơn trước. Rồi một người đàn bà trong đám ăn mày tách ra, đến trước mặt anh Ba, thảng thốt nói: "Em là Tư Nhị đây". Nhìn kỹ một lúc, không nói nên lời, vì người đàn bà ấy trước kia là hoa khôi lừng lẫy một thời, giờ đây môi thâm đen, đôi chân nõn nà quấn quanh mấy lớp vải dính máu mủ với đám ruồi bu đen không ngớt, trông dơ dáy, não nề, không dám nhìn lâu, bỏ nhẹ 20 đồng bạc xưa vào tay Nhị rồi quay đi. Biết chuyện, một bạn thơ muốn mượn hai câu lục bát của cụ Nguyễn Du, đó là câu mở đầu và câu kết thúc truyện Kiều ghép làm một, để nói về một đời nhan sắc phù hoa: Trăm năm trong cõi người ta. Mua vui cũng được một vài trống canh... (Còn tiếp)

Hồng Hạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.