Mảnh vỡ sao chổi bí ẩn nổ tung trên bầu trời Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha

20/05/2024 10:59 GMT+7

Giới chuyên gia xác định quầng sáng chói lóa xuất hiện bí ẩn trên bầu trời đêm 18.5 ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là từ mảnh vỡ của một sao chổi chưa được xác định và không được phát hiện trước khi lao vào trái đất.

Ảnh chụp từ video clip của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) về vụ nổ đêm 18.5

Ảnh chụp từ video clip của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) về vụ nổ đêm 18.5

ESA

Tờ The New York Times hôm nay 20.5 dẫn lời giới chuyên gia cho biết vào thời điểm nổ tung, mảnh vỡ sao chổi đang di chuyển với vận tốc 160.000 km/giờ. Vụ nổ tạo nên quầng sáng tổng hợp màu xanh dương, xanh lá và trắng gây sáng rực bầu trời đêm của hai nước.

Các tiểu hành tinh khi xâm nhập khí quyển trái đất thường bị tự hủy. Tuy nhiên, quầng sáng đêm 18.5 lại di chuyển với vận tốc gấp đôi so với tiểu hành tinh bình thường. Bên cạnh đó, các chuyên gia phát hiện "kẻ xâm nhập" có hành trình bất thường.

Sau khi nghiên cứu, họ phát hiện thứ nổ tung trên bầu trời Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cuối tuần qua không phải là một tiểu hành tinh, mà là một mảnh của sao chổi. 

Mảnh vỡ sao chổi đã bị khí quyển trái đất đốt cháy hoàn toàn ở độ cao khoảng 60.000 m, theo Cơ quan Không gian châu Âu (ESA).

Nhà thiên văn học hành tinh Meg Schwamb thuộc Đại học Belfast của Nữ hoàng (Vương quốc Anh) cho hay sự xâm nhập của mảnh vỡ sao chổi một lần nữa thu hút sự chú ý vào nỗ lực phòng thủ trái đất trước nguy cơ tấn công từ tiểu hành tinh, sao chổi.

Các chuyên gia đang tìm cách phát hiện "kẻ xâm nhập" trước khi chúng lao đến trái đất.

"Thật tuyệt nếu có thể phát hiện vật thể trên trước khi nó va chạm với trái đất", tờ The New York Times dẫn lời ông Juan Luis Cano, thành viên Văn phòng Phòng thủ Hành tinh thuộc ESA.

Thế nhưng, nỗ lực này vừa chứng minh thất bại trong vụ mảnh vỡ sao chổi vừa qua. May mắn không có mảnh vỡ nào rơi xuống hai nước châu Âu trong vụ việc hôm 18.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.