Mạnh tay xử phạt 'ma men' lái xe để giao thông an toàn

24/01/2022 06:25 GMT+7

Nhiều bạn đọc bày tỏ ủng hộ việc CSGT xử phạt vi phạm nồng độ cồn , cho rằng việc này rất cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông trong những ngày tết sắp đến.

Như Thanh Niên thông tin, tối 21.1, Đội CSGT Bàn Cờ, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, tổ chức lực lượng thực hiện chuyên đề xử phạt nồng độ cồn dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tổ công tác gồm CSGT và Cảnh sát cơ động có mặt tại giao lộ Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM) lập chốt xử phạt nồng độ cồn. Sau khoảng 1 giờ tổ công tác lập chốt tại đây, PV Thanh Niên ghi nhận hầu hết người vi phạm biết sai, nhưng cũng còn trường hợp... “cãi ngang”. Như ông L.Đ.Q (43 tuổi, ngụ Q.3) chạy xe máy bị tổ công tác dừng xe kiểm tra nồng độ cồn, kết quả máy đo hiển thị nồng độ cồn 0,439 miligam/lít khí thở. Khi cán bộ CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ kiểm tra hành chính, ông Q. vừa đưa vừa líu ríu: “Tôi sai rồi, anh thông cảm, cuối năm nên tổ chức tất niên cho anh em”. Nhưng khi CSGT yêu cầu di chuyển qua khu vực lập biên bản xử phạt hành chính, ông này liền đổi thái độ, cự cãi: “Anh biết tôi là ai không, anh cầm giấy tờ mà không biết tôi là ai sao... Tôi là công chức ngành... giao thông đấy...”.

CSGT xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

BÍCH NGÂN

Tối 22.1, Đội CSGT Tân Sơn Nhất, thuộc PC08, cũng lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (P.2, Q.Tân Bình) và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. CSGT đã lập biên bản và tạm giữ nhiều phương tiện. Các trường hợp đều nhận ra lỗi sai, hợp tác với lực lượng chức năng và nhanh chóng ký tên vào biên bản.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong cơ thể có thể bị xử phạt tối đa 8 triệu đồng (đối với xe gắn máy) hoặc 40 triệu (đối với xe ô tô) và bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, đồng thời phương tiện sẽ bị tạm giữ 7 ngày.

Ăn tết mất ngon vì uống vài lon bia ở tiệc cưới cuối năm

Phạt nghiêm, không nể nang !

“Tôi hoàn toàn ủng hộ các anh CSGT xử phạt những người vi phạm nồng độ cồn. Mong các anh tiếp tục làm, làm thường xuyên, xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm. Có như vậy mới đảm bảo được an toàn giao thông, nhất là trong những dịp lễ tết. Nhiều vụ tai nạn giao thông chết người, gây thương tật cho nhiều người, lỗi do tài xế uống bia rượu. Cứ mạnh tay làm nha các anh”, bạn đọc (BĐ) Nguyễn Hải gửi gắm. Đây cũng là ý kiến “thay lời muốn nói” cho nhiều BĐ khác. Thậm chí, BĐ baohanhnotebook còn đề nghị: “Cần tăng mức phạt từ hành chính lên phạt tù có thời hạn luôn cho thấm nhuần tư tưởng không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi có nồng độ cồn”.

“Nhiều vụ việc người uống rượu bia rồi lái xe gây tai nạn đã khiến bao gia đình tang thương, tan nát. Luật đã có, vậy mà mấy ông nhậu vẫn không chừa. Ở nước ngoài mà kiểu này thì chắc chắn là “xuân này con không về” rồi. Rất mong CSGT thẳng tay xử phạt, không có vùng cấm, nể nang”, BĐ Duy Hùng bức xúc.

Đã uống rượu bia thì tuyệt đối không lái xe

Nhiều BĐ cũng nhắc nhở nhau như trên để “an toàn cho chính mình và mọi người”. BĐ Tâm tự kiểm: “Trước đây tôi rất hiếu thắng, uống rất nhiều, xong lái xe về nhà. Một lần tôi gây tai nạn, cũng may là nhẹ thôi, nhưng tôi ám ảnh tới bây giờ... Câu nói “Đã rượu bia thì tuyệt đối không lái xe” tưởng giáo điều nhưng đằng sau nó là cả một gia đình, một xã hội đang mong mỏi bạn”.

Không nên bia rượu. Nếu kẹt lắm phải đi uống thì đi - về bằng taxi hoặc xe ôm. Như vậy mới là người văn minh thời nay.

Tùng

Tiếc vài trăm ngàn đồng đi Grab, taxi nhưng có nguy cơ bị phạt gấp nhiều lần chỉ vì vi phạm nồng độ cồn, thậm chí không còn cơ hội để tiêu tiền nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng...

conciergevietnam2015

Đối với người “dựa” thế người này khác hay của chính mình, đề nghị công an yêu cầu họ nói lại để ghi âm, sau đó phạt tăng nặng. Làm vậy thì không ai dám “dựa” nữa.

Nguyễn Văn Đức

“Báo Thanh Niên đang mở diễn đàn “Văn hóa giao thông”, tôi thấy rất hay. Nhân đây xin một góp ý: Chúng ta cần làm sao để xây dựng được một thói quen từ nhỏ, một văn hóa đẹp là “tuyệt đối không uống bia rượu trước khi lái xe”. Tôi thấy có nhiều tài xế rất đáng khâm phục, cho dù là lễ tết, sinh nhật, đám cưới... khi được mời hoặc bị ép bia rượu, họ đều nhẹ nhàng mà cương quyết: “Xin lỗi, tôi phải lái xe”. Đã bao giờ chúng ta chủ động nói như thế chưa?”, BĐ Tiến Minh góp ý. Trong khi đó, BĐ Anh lái tàu họ Nhạc nhìn nhận: “Một điều đáng ghi nhận là dạo gần đây các trường hợp quá chén đa số đều biết mình vi phạm và hợp tác, không gây khó dễ cho lực lượng CSGT. Điều này cũng cho thấy khi liên tục tuyên truyền và CSGT tăng cường tuần tra thì ý thức pháp luật của người dân cũng được nâng lên một bước”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.