Manh áo bạc vì dịch: Nỗi lo cận tết

06/11/2020 06:03 GMT+7

“Làm cả năm chỉ trông tháng lương 13 để về quê ăn tết, nhưng bây giờ chỉ hy vọng công ty hoạt động ổn định, tăng thu nhập mỗi tháng là mừng rồi”, chị Đặng Thị Kim Yến (quê An Giang) tâm tình.

Từ đầu tháng 10, khi đợt dịch Covid-19 tạm lắng, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Tâm trạng của nhiều công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung I (Q.Thủ Đức, TP.HCM) như đan xen hai thái cực: vừa vui mừng khôn xiết, vừa lo lắng khi tết đang đến gần.
Trời chập tối, mưa lất phất, thoát khỏi dòng xe đang kẹt cứng ở QL1, chúng tôi mới tới được những khu nhà trọ trong hẻm 525, QL1, KP.3 (P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, TP.HCM), gần hầm chui Linh Xuân - nơi nhiều công nhân làm ở Khu chế xuất Linh Trung I sống hàng chục năm nay. Tầm này, công nhân lũ lượt chạy xe về trên con đường nhỏ lầy lội nước.
“Giờ họ tan ca chiều, một số người chưa về vì đón con, một số đã bắt đầu làm âu (tăng ca - PV) lại. Trước dịch, sáng nào họ cũng mua bánh mì thịt đi làm, nay toàn mua bánh mì không ăn đấy”, một phụ nữ đầu hẻm trọ xởi lởi.

Gắng trụ tới tuổi hưu

Căn phòng trọ của chị Trịnh Thị Lệ Hằng (45 tuổi, quê Bình Định) nồng nặc mùi thuốc nam. Chị cho hay cách đây vài tháng, ngay cao điểm của dịch, nhiều lần bước đi không nổi, chị đi khám mới biết mình bị đau thần kinh tọa. Cứ ngồi bóp tay chân cho đỡ nhức, chị kể từ đợt dịch đầu, công ty giữ chị làm khoảng 2 - 3 ngày/tuần, mỗi ngày được 300.000 đồng, còn ngày nghỉ chị được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày. Chị nhẩm tính, mùa dịch mỗi tháng thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng. Hiện tại, tình hình công ty khởi sắc, chị làm 4 ngày/tuần nhưng vẫn chưa tăng ca.
Như nhiều nữ công nhân khác, chị Hằng quanh quẩn, xoay xở tìm niềm vui trong không gian chật hẹp của dãy nhà trọ chị đã sống chừng chục năm. Chị hiếm khi ra ngoài đi đâu đó, trừ lúc chị đem dầu gội qua một tiệm cắt tóc sát nhà trọ để được gội đầu miễn phí. “Tôi là mẹ đơn thân, khi con 7 tháng tuổi, tôi phải để bé cho bà ngoại chăm sóc, mấy năm nay đều nhờ bà đưa rước cháu đi học, còn tôi vào lại TP.HCM kiếm sống. Nhà ở quê có một miếng đất nhỏ để mẹ tôi trồng rau đem bán qua ngày, nhưng bà cũng đau bệnh liên miên”, chị nói.
Manh áo bạc vì dịch: Nỗi lo cận tết1

Khu trọ có đông công nhân làm tại Khu chế xuất Linh Trung I sinh sống

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Ba chị Hằng sắp sửa tròn 70 tuổi, trước đây ông làm phụ hồ, sau này khi không còn đủ sức khỏe, ông vào Đồng Nai làm bảo vệ trông nhà, phụ chị gửi tiền về quê. “Mấy hôm công ty cho nghỉ, ở nhà tôi nghĩ đến cha mình cả đời phải bươn chải nuôi vợ con. Tôi thấy tủi thân vì đồng lương mình không đủ, đáng lẽ bây giờ cha phải được an dưỡng...”, chị Hằng ứa nước mắt.
Mỗi tháng chị Hằng gửi về quê 3 triệu đồng, dịch bệnh kéo dài, đôi lần chỉ gói ghém được hơn phân nửa. “Ngày nào tôi cũng gọi về nhà. Bây giờ ngoài ấy đang lũ lụt, tôi rất lo cho 2 bà cháu”, chị nói và tiếp giọng buồn bã: “Tôi đi làm xa nhớ con lắm, rất nhiều lần muốn con vào đây sống chung nhưng nghĩ đến gánh nặng kinh tế, nhà cửa tạm bợ, tôi lại thôi”.
Hiện tại, đời sống của chị Hằng và nhiều công nhân khác vẫn phải phụ thuộc vào những cơ hội, phúc lợi mà các xí nghiệp mang tới. Vì vậy, điều mong mỏi nhất của họ vẫn là công việc trở lại bình thường, có thêm thu nhập nhờ vào tăng ca.
Trong những bước tính toán tương lai của nữ công nhân làm 22 năm tại TP.HCM này, số tiền tiết kiệm nhỏ cộng thêm khoản lương hưu sẽ mang đến cho gia đình chị được cuộc sống bình yên hơn.

Hy vọng có lương tháng 13

Câu hát “Ra đi là để tìm ngày hạnh phúc tương lai...” của nhạc sĩ Anh Bằng và Lê Dinh có lẽ đúng với trường hợp của những công nhân xa xứ. Sự trông nhờ của ba mẹ già yếu dưới quê, việc các con nhỏ phải xa vòng tay mình hay niềm hy vọng tương lai giúp người công nhân bước tiếp. Bất cứ lúc nào thảnh thơi sau hàng rào nhà máy, họ đều nghĩ tới quê nhà, những dịp sum vầy.
“Nhưng dịch chưa hết, tiền không đủ mua tã cho con, làm sao dám về quê ăn tết”, anh Nguyễn Thanh Vũ (32 tuổi) đang giữ con gái mới vài tháng tuổi, lắc đầu nói. Anh Vũ cùng vợ - chị Lê Thị Tuyết Nhung (30 tuổi, cùng quê Hậu Giang) và 2 con sống ở nhà trọ tại KP.3 này cũng đã 5 năm. Căn phòng rộng chừng chục mét vuông, chỉ đủ trải tấm nệm và đặt một kệ bếp nhỏ. Anh Vũ làm thợ hồ, chị Nhung làm công nhân ở công ty sản xuất giày dép ở Khu chế xuất Linh Trung I.
Manh áo bạc vì dịch: Nỗi lo cận tết2

Vì dịch, gia đình anh Vũ, chị Nhung phải thuê căn phòng trọ nhỏ hơn để tiết kiệm

ẢNH: PHẠM THU NGÂN

“Lúc trước, chúng tôi ở phòng rộng hơn. Đầu năm nay, tôi về quê sinh con thứ hai, rồi vì dịch phải ở luôn dưới. Chồng tôi và con trai ở lại thành phố chuyển sang mướn phòng nhỏ hơn, vì một tuần anh làm hồ chỉ được 1 - 2 ngày”, chị Nhung nói và cho biết thêm: “Đến đầu tháng 10, tôi mới xin vào công ty làm lại. Hiện giờ lương cơ bản của tôi được 4,7 triệu đồng. Nếu tăng ca nhiều, lương được hơn 7 triệu, tăng ca ít lương cỡ 6 triệu, nhưng năm nay không được thưởng tháng 13, giờ cả nhà vẫn còn lãnh quà từ thiện sống qua ngày”.
Anh Vũ làm thợ hồ với tiền công khoảng 250.000 đồng/ngày nhưng công việc này bấp bênh, rày đây mai đó. “Có hôm phải đi xa làm, di chuyển tự lo nên khi lãnh lương xong, trừ hết các chi phí chỉ còn mấy trăm ngàn. Năm nay dịch bệnh, 2 vợ chồng làm 1 tháng tằn tiện đủ lo cho 2 đứa nhỏ nên không gửi được cho cha mẹ ở quê. Không có dư dả, tết này làm sao dám về...”, anh Vũ âu lo.
Tết càng đến gần, tâm trạng “sợ tết” càng bao trùm nhiều gia đình công nhân tại xóm trọ, vì mong muốn có lương tháng 13 để về quê ăn tết giờ đây có phần viển vông.
Gia đình anh Huỳnh Thanh Ca (quê Cần Thơ) và chị Đặng Thị Kim Yến (quê An Giang) làm công nhân ngành giày dép cũng đang hy vọng mình “góp” đủ tiền về quê ăn tết. Căn phòng của anh chị treo tấm ảnh lớn của con gái năm nay đã 11 tuổi. Bé xa ba mẹ, sống với bà ngoại từ năm 2 tuổi. Năm trước, tiền lương của 2 vợ chồng hơn 12 triệu/tháng, dư lo cho con, thỉnh thoảng gửi về quê cho ba mẹ. Còn năm nay tiền lương góp lại khoảng 7 triệu/tháng, thiếu trước hụt sau, họ không để dành được đồng nào. Từ lúc dịch, anh Ca chỉ đi làm 2 ngày/tuần, ngày nghỉ không được hỗ trợ tiền. Đến đầu tháng 10, anh mới bắt đầu làm lại và có tăng ca thêm 2 tiếng.
“Làm cả năm chỉ trông tháng lương 13 để về quê ăn tết, nhưng bây giờ chỉ hy vọng công ty hoạt động ổn định, tăng thu nhập mỗi tháng là mừng rồi”, chị Yến tâm tình. (còn tiếp)
Những chủ nhà trọ nghĩa tình
Trong mùa dịch, không thể không nhắc đến “tấm lòng vàng” của nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn TP.HCM. Đặc biệt trong đợt giãn cách xã hội, nhiều chủ nhà trọ tại Q.Thủ Đức đã giảm, miễn tiền thuê nhà trọ hoặc trợ giúp bằng nhiều hình thức khác cho người lao động nghèo. Chị Võ Thị Hà (chủ một khu trọ trong hẻm 525, QL1, KP.3, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) rất được các công nhân quý mến. Trong đỉnh điểm mùa dịch, chị mua chừng chục ký gạo, mì gói, dầu ăn... rồi trực tiếp trao tận tay cho người lao động, theo như cách chị nói “là nhằm động viên tinh thần của công nhân, san sẻ cùng nhau bước qua đại dịch”.
Mong lo xong đám cưới của con trai
Cô Nguyễn Thị Nga (50 tuổi, quê Đồng Nai) hiện sống một mình trong khu trọ, đau yếu cũng phải tự lo, thỉnh thoảng mới có khách đến thăm. Trong đợt dịch, cô chỉ làm 3 ngày/tuần. Khoảng thời gian rảnh, cô đến mấy quán ăn xin phụ việc, rửa chén. Hiện nay, công việc của cô đã ổn định lại nhưng không có tăng ca.
Cô Nga kể cuộc sống gia đình mình không mấy suôn sẻ. Chồng cô trước đây nát rượu, hay hạch sách, đánh đập cô khi say nên cô trốn xuống TP.HCM làm công nhân. “Ở đây cũng đã 11 năm, tôi đi làm suốt rồi dành dụm tiền để dựng vợ gả chồng cho các con. Bây giờ tôi chỉ muốn lo cho con trai út lấy vợ, dư chút đỉnh về quê ăn cái tết cũng vui rồi”, cô Nga chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.