Mang thai hộ - Phép màu tìm con: Một đời mong tiếng 'Mẹ ơi!'

Lê Vân
Lê Vân
08/10/2023 07:39 GMT+7

Phương pháp thụ tinh ống nghiệm được ứng dụng trong thực tế đã giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn chạm tới ước mơ có 'con quý'. Nhưng với những phụ nữ có chỉ định tuyệt đối không thể mang thai, nỗi khát khao ấy trở nên tuyệt vọng. Từ khi luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (có hiệu lực từ ngày 1.1.2015), một lần nữa, khoa học đã khiến 'phép màu' là có thật với các cặp vợ chồng trên hành trình gian nan đi tìm con.

"Cô bị ghiền thuốc à?"

Trước đó, dù lập gia đình vào năm 2010 nhưng chị Hương đi khám và biết mình khó mang thai tự nhiên do nội mạc tử cung mỏng. Là một phụ nữ hiện đại và có kiến thức về y khoa, chị Hương đã quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) sớm từ năm 2011. Nhưng rồi cứ đi chuyển phôi hoài mà vẫn không đậu thai đã khiến người mẹ ấy luôn rơi vào những nỗi lo mơ hồ đến mức muốn trầm cảm. "Cô bị ghiền thuốc à?" là câu hỏi như vừa thương vừa trách của các bác sĩ khi chị Hoàng Hương nhiều lần vô thuốc để kích trứng, làm dày niêm mạc tử cung.

Một đời mong tiếng 'Mẹ ơi !'  - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ (TP.HCM)

NGỌC DƯƠNG

Kể từ ngày bắt đầu làm TTTON, chị Hương có 15 phôi lưu trữ nhưng chưa lần nào chuyển phôi mà đậu thai. Cuối năm 2018, hầu hết các bác sĩ đều lắc đầu, từ chối làm cho chị vì lượng thuốc nội tiết chị đưa vào người đã có tác dụng phụ tạo cục máu đông, có thể khiến chị bị đột quỵ bất cứ lúc nào. Lúc này, bước sang tuổi 40, số phôi lưu trữ cũng ít lại sau gần 10 năm, chị Hương còn bị bệnh huyết khối, giãn tĩnh mạch khá nghiêm trọng khi công việc chị đang làm lại nhiều áp lực.

Một đời mong tiếng 'Mẹ ơi !'  - Ảnh 2.

Các bác sĩ BV Hùng Vương kiểm tra bình Canister trữ đông phôi, tinh trùng

NGỌC DƯƠNG

"Khi vô thuốc làm dày nội mạc tử cung tăng khả năng cho phôi bám dính để đậu thai cũng đồng nghĩa với nguy cơ thuyên tắc mạch do huyết khối, có thể bị ung thư vú hay ung thư tử cung, nhẹ hơn là bệnh giãn tĩnh mạch… do tác dụng phụ của thuốc trong quá trình làm TTTON. Tôi hiểu hết nhưng cứ làm thôi, càng thất vọng lại càng hy vọng", chị Hương thổ lộ.

Có con và được mang trong mình hình hài của con là điều mà hầu hết các bà mẹ đều khao khát. Khi bác sĩ từ chối, chị Hương đã có lúc muốn từ bỏ việc có con vì không tìm được người mang thai hộ (MTH) hợp pháp. "Thực ra mình đã có ý định nhờ người mang bầu giùm. Mình có cô em nhưng lại ngại không dám mở lời vì sợ chồng của em không đồng ý, ảnh hưởng đến gia đình em. Em của mình cũng có 2 con rồi. Cách đây vài năm, khi mình đang bế tắc thì cô em họ nhận lời MTH. Có lẽ cổ thương mình trầy trật suốt nhiều năm chờ đợi được làm mẹ nên ngay khi nghe đánh tiếng nhờ là em nhận lời ngay…", chị Hương nhớ lại.

Mai này mình sẽ nói với con…

Khoảng đầu năm 2020, người MTH cho chị Hương đậu thai và bắt đầu thai kỳ. Cuối năm đó, một bé gái xinh xắn chào đời, kết thúc hành trình đằng đẵng mong con của vợ chồng chị Hương. Nhớ lại khoảnh khắc bồng con trên tay, chị Hương còn xúc động như mới đây: "Lúc ấy tự nhiên bao cảm xúc vỡ òa, ôm con trong tay rồi mà còn không dám tin...".

Một đời mong tiếng 'Mẹ ơi !'  - Ảnh 3.

Chuyên viên phôi học Trần Thị Hạnh Dung, Trưởng phòng Lab TTTON làm ISCI (tiêm tinh trùng vào trứng để nuôi cấy phôi)

NGỌC DƯƠNG

Tháng 8.2023, khi gặp chúng tôi, dù đã trải qua những tháng ngày cơ cực nhất để được làm mẹ nhưng chị Hương vẫn còn nhiều nỗi phập phồng lo âu. Chị kể rằng, người em họ rất quyết đoán khi nhận lời mang thai giùm, nhưng suốt gần 9 tháng thai kỳ với chị là những ngày dài nhất cuộc đời. Khi mang thai phôi của vợ chồng chị Hương, em họ chị chưa tới 30 tuổi, đã hai lần sinh con. Về chỉ định y khoa, Hương không có gì phải lo lắng. "Nhưng vẫn có nhiều nỗi sợ mơ hồ lắm. Như là khi em họ mình mang bầu, khả năng thai kỳ bất ổn vẫn có. Phập phồng chờ ngày em ấy đi kiểm tra dị tật thai nhi, rồi lại lo sắp tới có gì bất trắc không? Có khi nào em ấy đổi ý trong lúc đang có bầu mà muốn ngưng lại?", chị Hương bộc bạch. Chỉ khi tới ngày em bé chào đời, chị Hương và chồng mới thở phào. Chị đón con về "nuôi bộ" vì em họ không có sữa.

Không phải gia đình nào cũng tự tin khi nhờ người MTH. Chuyện nhạy cảm và cần sẻ chia từ chính gia đình họ cho tới cách nhìn nhận của xã hội, vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý trẻ được nhờ MTH trong tương lai. Vì vậy, trước khi thực hiện phương pháp này, chúng tôi luôn tư vấn tâm lý kỹ và đặc biệt là nhấn mạnh mục đích "nhân đạo" để người phụ nữ đạt được ước nguyện chính đáng là làm mẹ.


Bác sĩ Lê Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ (TP.HCM)

Ở tuổi 42, lần đầu được làm mẹ, chị Hương nghẹn ngào nhìn lại: "Trộm vía con dù hay bệnh vặt nhưng nay ổn dần, bé như mở ra cho mình một cuộc sống mới, hạnh phúc vô cùng. Dù cho sau này bé lớn lên, có thể con sẽ thắc mắc tại sao mẹ không sinh ra con như bao bạn khác? Nhưng với mình chỉ cần con lớn lên đủ đầy tình yêu thương thì đã hạnh phúc rồi. Đến đâu tính đó, vì mình đã dành cả cuộc đời, đối diện với bao nguy cơ để có con nên điều mong mỏi nhất là con luôn khỏe mạnh và hạnh phúc. Còn lại bé có thể chọn thêm một người mẹ nữa cũng là phước lành mà mình muốn con có được…".

Một đời mong tiếng 'Mẹ ơi !'  - Ảnh 5.

Các BS, NHS Khoa Hiếm muộn, BV Từ Dũ chuẩn bị chuyển phôi cho người mang thai hộ

LV chụp ngày 13.9.2023

Những băn khoăn của chị Hương không phải cá biệt. Nhiều bà mẹ nhờ mang thai giùm mà tôi được gặp cũng có chung tâm sự. Họ muốn giấu đi câu chuyện của mình vì lo mai này khi con lớn lên sẽ tự hỏi về bản thân, về cách mà bé đến với cuộc đời này? Bác sĩ Lê Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, chia sẻ: "Không phải gia đình nào cũng tự tin khi nhờ người MTH. Chuyện nhạy cảm và cần sẻ chia từ chính gia đình họ cho tới cách nhìn nhận của xã hội, vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý trẻ được nhờ MTH trong tương lai. Vì vậy, trước khi thực hiện phương pháp này, chúng tôi luôn tư vấn tâm lý kỹ và đặc biệt là nhấn mạnh mục đích "nhân đạo" để người phụ nữ đạt được ước nguyện chính đáng là làm mẹ". (còn tiếp) 

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Cho phép các cặp vợ chồng không thể tự sinh con có thể nhờ người MTH vì mục đích nhân đạo. Việc MTH là thỏa thuận hai bên giữa người nhờ MTH và người được phép MTH theo luật. Trong đó, người MTH phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ MTH, đã từng sinh con và chỉ được MTH một lần, có độ tuổi phù hợp, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng MTH. Người nhờ MTH phải có chỉ định tuyệt đối từ Hội đồng chuyên môn về y khoa mới được nhờ người MTH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.