Măng không mọc được

29/02/2012 03:53 GMT+7

Trong nghệ thuật, sáng tạo, ai cũng mong có người trẻ xuất hiện để làm thế hệ kế thừa và phát triển. Nói chung là tre già thì măng phải mọc, và mọi người luôn tìm cách phát hiện, vun bón, đào tạo lớp trẻ này vì tương lai của nghệ thuật.

Trong nghệ thuật, sáng tạo, ai cũng mong có người trẻ xuất hiện để làm thế hệ kế thừa và phát triển. Nói chung là tre già thì măng phải mọc, và mọi người luôn tìm cách phát hiện, vun bón, đào tạo lớp trẻ này vì tương lai của nghệ thuật.


Vở Kính thưa ô-sin của tác giả Nguyễn Kháng Chiến rất ăn khách suốt hơn 4 năm nay - Ảnh: H.K 

Thế nhưng, mới đây, đã có những quyết sách hình như đi ngược lại tâm huyết này, khiến cho ngành sân khấu khó mà tìm được những ngọn măng tử tế. Năm nào, Hội Sân khấu TP.HCM cũng tổ chức trại sáng tác kịch bản, và nhiều tác giả được đầu tư kinh phí để có điều kiện viết tốt hơn. Hội đã mở rộng đối tượng được tham gia trại, là những tác giả mới, chưa được kết nạp hội viên, thậm chí chưa hề xuất hiện bao giờ, miễn kịch bản gửi về thấy đạt yêu cầu là được đầu tư. Chính nhờ cách đối xử “không phân biệt” hội viên hay không hội viên, mà sân khấu đã phát hiện thêm những cây bút mới. Điều này rất quan trọng trong tình hình đang thiếu kịch bản trầm trọng. Và qua những lần dự trại như thế, các cây bút mới có cơ hội học hỏi, rút kinh nghiệm từ đàn anh đi trước, trưởng thành dần lên, trở thành chuyên nghiệp. Chẳng hạn tác giả Nguyễn Kháng Chiến, cách đây 5 năm đang làm một nghề khác, chợt ngẫu hứng viết một kịch bản gởi cho trại sáng tác. Thế là anh được đầu tư, sau này trở thành cây bút chuyên nghiệp luôn, năm nào cũng có vở được dựng.

Chính vì thế mà nhiều người đang bức xúc với chủ trương mới năm nay khi đầu tư cho kịch bản bắt buộc tác giả phải nộp kèm thẻ hội viên. Nghĩa là, những cây bút mới, chưa được kết nạp vào Hội Sân khấu, chưa có thẻ, thì không cách gì lọt vào trại sáng tác, dù kịch bản có hay đến đâu chăng nữa. Cánh cửa đã đóng lại trước mặt người trẻ. Măng không mọc được dẫu hàng loạt cây tre đã già, cần lớp sau thay thế. Ngay cả anh em hội viên cũng bức xúc. Tác giả Nguyễn Kháng Chiến nói: “Nếu năm đó cũng đóng cửa thế này thì làm gì tôi được phát hiện, được bồi dưỡng. Bây giờ tôi đã là hội viên, được đầu tư, nhưng vẫn buồn, vì nghĩ đến những cây bút mới như mình hồi ấy, không có cơ hội như mình”.

Trong nghệ thuật, tác phẩm là quyết định chứ không phải là cái thẻ hội viên. Chúng ta đang cần những tác phẩm tốt, cần đội ngũ kế thừa, nên mở rộng cánh cửa cho lớp trẻ bước vào. Nguồn đầu tư ban đầu rất quan trọng, giúp họ phấn khởi hơn để đi tiếp con đường sáng tạo, sau này mới có nhiều kịch bản chất lượng, rồi mới được kết nạp hội viên. Nếu không, chút năng khiếu, chút thành công ban đầu ấy bị gạt ra, sẽ khiến họ rẽ sang đường khác.

Nói cho cùng, “đóng cửa” là cách giữ hầu bao chặt chẽ, sợ tiền bị “rơi rụng”? Nhưng vô tình chúng ta đã làm rơi rụng những mầm non nghệ thuật tương lai...

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.