Mang cá chết ra quốc lộ chặn xe, đòi gặp lãnh đạo

14/10/2016 06:01 GMT+7

Sáng 13.10, bức xúc trước tình trạng cá chết liên tục, người dân nuôi cá bè xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã mang xác cá ra QL51 chặn các phương tiện đang lưu thông, gây áp lực đòi gặp lãnh đạo các cấp.

Từ sáng sớm, do nắm được thông tin người dân dùng xe máy và xe ba gác chở cá chết (chủ yếu cá bớp) đổ ra QL51 (đoạn ngã ba Long Sơn, gần trạm thu phí thuộc xã Tân Hải, H.Tân Thành), cơ quan chức năng đã tổ chức chốt chặn ở nhiều ngả đường.
Tuy nhiên, hàng chục người dân xuống xe đi bộ, dùng dây cột vào đuôi cá chết rồi lôi cá ra QL51, dàn thành hàng ngang chặn ô tô chạy hướng TP.Vũng Tàu đi TP.HCM và chiều ngược lại. Nhiều phụ nữ ngồi bệt xuống đường, tay cầm xác cá bớp nặng hơn 5 kg/con không cho bất cứ ô tô nào đi qua. Công an tỉnh và Công an H.Tân Thành đã huy động lực lượng bảo vệ trật tự, đồng thời phân luồng cho các phương tiện lưu thông qua hướng khác để tránh tắc nghẽn.
Đại diện nhiều sở ngành cùng lãnh đạo địa phương đến vận động, yêu cầu người dân về trụ sở UBND tỉnh để đối thoại nhưng không người nào chấp nhận. Mãi đến hơn 11 giờ cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh đến hiện trường vận động bà con, hứa giải quyết vụ việc thì người dân mới chịu theo lãnh đạo về tỉnh để đối thoại.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh (bìa trái) vận động người dân về trụ sở UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đối thoại

Nghi “thủ phạm” là các nhà máy chế biến hải sản
Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, do ông Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì, người dân nuôi cá bè phản ánh rằng cống số 6 xả tràn làm nước ô nhiễm sông Chà Và khiến cá nuôi lồng bè chết hàng loạt. Trong khi đó, đại diện sở, ngành chuyên môn cho rằng cá nuôi chết là do thiếu ô xy do nhiều ngày qua mưa lớn.
Người dân không đồng ý cách giải thích trên. Ông Nguyễn Công Biên (chủ nuôi cá lồng bè lớn nhất nhì trên sông Chà Và) cho rằng: “Cho dù mưa lớn cả ngày đêm thì nước cũng ở trên mặt sông 30 cm, cá vẫn lặn dưới nước sống được. Tại lồng bè nuôi, tôi đã dùng máy tạo ô xy, lúc nào đo cũng đạt. Nếu các nhà chuyên môn nói cá thiếu ô xy chết thì xin mời đến bè tôi để đo ô xy”. Ông Biên nói thêm hiện nay các nhà máy chế biến hải sản vẫn hoạt động và xả thải nhưng không ai theo dõi, giám sát. “UBND tỉnh nói cưỡng chế, di dời các nhà máy hoạt động không phép ở khu chế biến nhưng đến nay có thực hiện đâu. Thậm chí, với các nhà máy tỉnh không cho hoạt động thì đến nay họ đã hoạt động trở lại”, ông Biên bức xúc. Về vấn đề này, một lãnh đạo Sở TN-MT trả lời: “Hiện nay chỉ có 6 nhà máy chế biến hải sản đang hoạt động”. Ông Biên phản ứng lại: “Có 11 nhà máy đang hoạt động chứ không phải 6!”. Nghe vậy, vị lãnh đạo Sở TN-MT mới nói: "Để cho kiểm tra lại".
Kết thúc cuộc gặp mặt các chủ nuôi cá lồng bè, ông Nguyễn Thanh Tịnh hứa trả lời cho dân nguyên nhân cá chết trong vài ngày tới. Cũng theo ông Tịnh, UBND tỉnh sẽ di dời tất cả các nhà máy chế biến hải sản ở khu vực cống số 6 đến vị trí mới ở H.Xuyên Mộc vào đầu năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.