Màn ảnh 'giải cứu' án oan

30/05/2020 06:29 GMT+7

Vừa qua, Netflix tung ra loạt phim tài liệu về 8 vụ án oan với hành trình đòi tự do đầy cay đắng mang tên The Innocence Files (Những hồ sơ vô tội).

Phần lớn những nhân vật bị bắt khi không biết mình bị buộc tội gì và tất cả đã phải trải qua nhiều thập niên trong tù cho những tội ác mà họ chưa bao giờ gây ra.
Đây là sự tiếp nối từ “cú hích” mà bộ phim mang tên When they see us (Khi họ nhìn thấy chúng tôi) chiếu trên Netflix vào năm ngoái mang lại, dựa trên vụ án oan sai nổi tiếng Central Park Five (5 người ở công viên trung tâm). Khi xem phim, nhiều khán giả mới lần đầu biết đến những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, xử án tại Mỹ.
5 giờ chiếu phim khắc họa một bức chân dung tàn khốc trong 25 năm cuộc đời của 5 nhân vật chính, mà trước đó mỗi nguyên mẫu được phỏng vấn trong 9 giờ đồng hồ.

Vén màn đòn tâm lý bức cung

Một buổi tối năm 1989, Trisa Meili, người phụ nữ da trắng đang chạy bộ xuyên qua công viên trung tâm tại New York, bất ngờ bị hành hung, hãm hiếp dã man, bỏ lại trong tình trạng trần truồng. 12 ngày tỉnh dậy sau cơn hôn mê, não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, Trisa không thể nhớ nổi chuyện gì từng xảy ra với mình.
Không lâu sau, 5 thanh thiếu niên người Mỹ gốc Phi và Tây Ban Nha trở thành nghi phạm rồi bị truy tố nhanh chóng về các tội cướp bóc, tấn công, gây bạo loạn và hãm hiếp. Việc truy tố chủ yếu dựa vào lời khai của các nghi phạm ngay sau khi bị đưa về đồn. Những đứa trẻ tuổi từ 14 - 16 bị điều tra liên tục trong 7 giờ đồng hồ, không được cấp bất kỳ quyền công dân nào, đưa ra lời chứng mà không có sự có mặt của cha mẹ, giám hộ, cố vấn pháp lý. Lời khai cuối cùng của từng em bị ghi hình lại cũng thiếu bóng dáng luật sư bào chữa.
Vài tuần sau, những nghi phạm rút lại lời khai và từ chối các thỏa thuận nhận tội. Các em tuyên bố rằng mình đã bị cảnh sát đe dọa, nói dối, đánh đập và ép buộc đưa những lời thú tội giả. Trong hàng loạt các phiên sơ thẩm, kết quả điều tra cũng chỉ ra không có ADN của ai trong số 5 nghi phạm trùng khớp với 2 mẫu tinh dịch thu được từ cổ tử cung và đôi tất của nạn nhân. Cũng không có bằng chứng vật lý hay nhân chứng nào thực sự kết nối bất kỳ ai với hiện trường vụ án. Thế nhưng, các em vẫn bị kết án tù 5 - 15 năm và một trong số đó bị đưa thẳng lên nhà tù người lớn.
Hình ảnh những đứa trẻ bị tra khảo một cách bạo lực về tâm, thân được nữ sản xuất, biên kịch kiêm đạo diễn Ava Duvernay đưa lên ngay từ tập đầu phim When they see us. Bà tái hiện theo sát thực tế sự mất phương hướng của những cậu bé bị còng tay hằng giờ, bị đánh đập, không được ăn và đi vệ sinh. Những điều tra viên liên tục gào thét vào mặt, dồn các cậu bé bằng những lời nạt nộ. Sau này, Yusef kể lại anh đã khai bằng lời nói của thanh tra. Anh thú nhận mình có mặt trong vụ hiếp dâm sau khi người này khẳng định dấu vân tay đã được tìm thấy trên quần áo nạn nhân và nếu trùng khớp, anh sẽ bị buộc tội. “Tôi nghe thấy họ đánh đập Kevin ở phòng kế bên, sau đó họ vào phòng tôi, trừng trừng nhìn tôi với ý: Mày sẽ là đứa tiếp theo bị tẩn đấy! Nỗi sợ hãi khiến tôi lâm vào ảo giác như mình vừa bị phát hiện bởi điều mà mình… không hề làm!”. Không ai trong số những đứa trẻ còn lại - Antron, Raymond, Korey - khai rằng mình trực tiếp hãm hại cô gái. Song, tất cả đều thú nhận mình là đồng phạm, bao gồm khống chế, động chạm cơ thể trong khi một hoặc nhiều người khác cưỡng hiếp nạn nhân.
When they see us quá thành công với tiếng vang và những giải thưởng nên ngay sau khi bộ phim ra mắt, một công ty cố vấn chuyên đào tạo điều tra viên thẩm vấn đã đệ đơn kiện vị đạo diễn và Netflix vì tội phỉ báng, mô tả không đúng phương pháp thẩm vấn và yêu cầu xóa bỏ một số đoạn thoại trong phim. Vụ kiện càng dồn sự chú ý về kỹ thuật thẩm vấn Reid, phương pháp được gọi tên trên phim, cùng những phương pháp bức cung tương tự.
Tháng 3.2020, đơn kiện đoàn phim và Netflix được tòa án Illinois bác bỏ. Hayley Cleary, giáo sư tâm lý hình sự kiêm chuyên gia về các phương pháp thẩm vấn, đã cảm ơn ê kíp làm phim tái hiện chân thực quá trình thẩm vấn như một tư liệu quý, giúp các bồi thẩm đoàn trong tương lai hiểu rằng nghi phạm có thể bị bức cung nhận những tội ác mà họ không làm.

Nỗ lực “giải oan” qua màn ảnh

The Innocence Files (Những hồ sơ vô tội) mà Netflix tung ra gần đây tiếp tục là cuộc bắt tay đòi lại công lý giữa những nhà làm nghệ thuật với Dự án Vô tội (Innocence Project - 1992) chuyên dựa vào công nghệ ADN để lật ngược lại những cáo buộc gian lận, sai trái. Chùm phim chỉ ra 3 nguyên nhân chính của một án oan: lạm dụng bằng chứng pháp y hoặc sử dụng khoa học “rác”, sử dụng sai lời khai của nhân chứng và cuối cùng là các hành vi sai trái của công tố viên trong quá trình điều tra, kết án.
Bản thân kết thúc của When they see us, đến khi Martias Reyes, hung thủ thực sự ra đầu thú và nêu rõ hắn thực hiện hành vi này một mình thì 5 phạm nhân da màu mới được minh oan. Quá muộn khi 13 năm thanh xuân của mỗi người đã bị đốt cháy để trả giá cho tội lỗi của người khác.
Nữ đạo diễn Ava Duvernay tuyên bố, bà sẽ theo đuổi việc giải cứu án oan qua màn ảnh suốt đời. “Nếu chúng ta ngừng nói về án oan là chúng ta đang lấy tấm màn che đậy sự thật. Ngược lại, nếu chúng ta tiếp tục bàn luận một cách không mệt mỏi, cùng với sự can thiệp của khoa học tiến bộ, chí ít, những cuộc đời oan trái ấy sẽ không bị lãng quên hay kết thúc trong cay đắng!”.
Một số phim tài liệu dựa trên án oan có thật
Amanda Knox
David and Me
Making a murder
The Thin Blue Line
An Unreal Dream
The Central Park Five
Conviction
The exonerated
The wrongled Man
In the name of the Father
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.