Malaysia đặt bẫy loài hổ nguy cấp sau các vụ tấn công chết người

07/12/2023 17:50 GMT+7

Malaysia đã bắt đầu đặt bẫy và di dời những con hổ đi nơi khác sau khi 3 người bị loài động vật cực kỳ nguy cấp này giết chết trong hai tháng qua.

Các quan chức địa phương ở Malaysia ngày 7.12 cho biết, trong những tuần gần đây, 11 chiếc lồng bẫy và 20 camera đã được lắp đặt tại khu vực rừng ở Gua Musang, thuộc bang Kelantan phía đông bắc đất nước, nơi xảy ra các vụ tấn công chết người, theo AFP.

Ông Mohamad Hafid Rohani, giám đốc Sở Động vật hoang dã và Công viên Quốc gia ở Kelantan, nói họ đã ghi nhận 5 vụ hổ tấn công khiến 4 người thiệt mạng ở Gua Musang kể từ năm 2021. Ba người trong số đó thiệt mạng trong các vụ tấn công xảy ra vào vào tháng 10 và tháng 11 năm nay.

"Chúng tôi rất lo ngại. Đây là những trường hợp tử vong tồi tệ nhất liên quan đến hổ trong nhiều thập niên ở Malaysia", AFP dẫn lời ông Hafid.

Malaysia đặt bẫy loài hổ nguy cấp sau các vụ tấn công chết người - Ảnh 1.

Hổ Mã Lai là động vật quốc gia của Malaysia

SHUTTERSTOCK

Bẫy được sử dụng là những chiếc lồng hình chữ nhật bọc bằng lá cọ để ngụy trang. Chúng đã được đặt ở các "điểm nóng" nơi các vụ tấn công xảy ra. Một trong số những chiếc bẫy này được đặt tại một đồn điền dầu cọ.

Những con dê sống được nhốt trong các chuồng gần đó để dụ hổ vào bẫy bằng tiếng kêu của chúng.

Là động vật quốc gia của Malaysia, hổ Mã Lai hiện được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào loại cực kỳ nguy cấp.

Khoảng 3.000 con hổ Mã Lai từng lang thang trong các khu rừng rậm ở Malaysia vào những năm 1950. Song quần thể hổ Mã Lai đã suy giảm nghiêm trọng sau nhiều thập niên do quá trình phát triển và mở rộng canh tác nông nghiệp khiến hổ mất môi trường sống, cũng như nạn săn trộm.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Malaysia (WWF-Malaysia) ước tính loài này chỉ còn chưa tới 150 cá thể còn sống trong tự nhiên. Theo ông Hafid, ước tính 35 con hổ Mã Lai đang sống ở bang Kelantan.

Các vụ hổ tấn công người rất hiếm khi xảy ra, nhưng những sự cố như vậy được cho là đã xảy ra ở những khu vực mà sự phát triển lấn chiếm môi trường sống của động vật.

Tháng trước, một con hổ cái đã mắc bẫy và được đưa đến Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Quốc gia ở bang Perak lân cận. Song ông Hafid thừa nhận rằng các quan chức "không chắc liệu con hổ này có liên quan đến bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào con người hay không".

Hai trong số những người thiệt mạng kể từ năm 2021 là công nhân đồn điền trong khi những nạn nhân còn lại là cư dân, theo ông Sik Choon Foo, lãnh đạo cơ quan cảnh sát ở Gua Musang.

Ông cho biết kết quả khám nghiệm tử thi các nạn nhân và "dấu chân hổ" được tìm thấy tại hiện trường mỗi vụ tấn công đều chỉ ra thủ phạm là những con vật thuộc loài mèo lớn.

Các quan chức bảo vệ động vật hoang dã đã cảnh báo người dân nên ở trong nhà hoặc đi ra ngoài theo nhóm.

Lãnh đạo một tổ chức bảo vệ động hoang dã ở Malaysia cho biết việc di dời đàn hổ là một "tình huống đáng buồn", nhưng đây là "giải pháp thiết thực nhất" để ngăn hổ tấn công con người trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.