Mai Trần: "Xin cứ yêu, cứ ghét tôi"

08/04/2006 16:27 GMT+7

Có thể nói với giải thưởng Diễn viên phụ xuất sắc - Cánh diều vàng lần thứ 4.2005 của Hội điện ảnh Việt Nam trao cho vai Năm Đực (phim Sống trong sợ hãi, kịch bản - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, Bùi Thạc Chuyên) thì sự lao động nghệ thuật không mệt mỏi của Mai Trần suốt một thời gian dài đã được ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng...

Dáng người tầm thước, mái tóc xoăn điểm bạc, làn da ngăm đen trông rất... "Pakistan" và đầy nam tính. Trên sân khấu, Mai Trần thường xuất hiện trong những vai phản diện, nhìn là thấy... ghét nhưng ngoài đời, chỗ nào có Mai Trần là có vui nhộn. Anh hòa đồng với tất cả những người chung quanh dù quen hay lạ, sẵn sàng tiếp bạn một "cơ" bi-da để thua cũng uống mà thắng cũng uống một vài chai bia. Nếu có cây đàn ghi-ta và anh bạn "bài trùng" - đạo diễn Trần Ngọc Phong ở đó nữa thì... vui hết biết bởi những bản nhạc "lời hai" hết sức hóm hỉnh!

Sinh năm 1954 tại Trà Vinh, 16 tuổi cậu bé Mai Văn Thịnh (tên thật của Mai Trần) đã vào học Trường quốc gia m nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (khoa Thoại kịch)... Sau 1975, Mai Trần thi vào Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (cùng khóa với Thương Tín, Minh Hoàng, Tấn Thành...) tốt nghiệp thủ khoa diễn viên trung cấp được đưa về Đoàn ca múa kịch Đồng Nai làm... đủ thứ, nhưng không dính dáng gì đến chuyên môn nên bỏ về thành phố theo học Khóa I Đạo diễn chuyên tu (1980). Phải mất 5 năm "lăn lộn" trên các sân khấu với hàng chục vai diễn, Mai Trần mới được nữ nghệ sĩ Kim Cương mời về đóng vai Hoàng Tú trong Nhân danh công lý. Với Mai Trần, đó là niềm hạnh phúc tột cùng vì từ đây anh đã được xuất hiện trên một sân khấu chuyên nghiệp. Và rồi những vai Lỗ Quý trong Lôi vũ, Juốc Đan trong Trưởng giả học làm sang, Ba thợ nhuộm trong Hẻm nhỏ tình người, Hoàng Sanh trong Đối mặt, trung úy Phêđo Rốpxki trong Đêm họa mi... đã làm thăng hoa tên tuổi anh từ đó.

Có thăng hoa thì cũng có tủi cực, đầu thập niên 1990 khi phim ảnh Hồng Kông, Trung Quốc... tràn ngập thì sân khấu các đoàn đều "rã", Mai Trần đã phải làm đủ thứ nghề. Anh mở lò bánh mì ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mua 3 chiếc xe đạp thồ (giao cho cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh một chiếc) để chở bánh đi bỏ mối ở chợ Cầu Muối. Có hôm dội hàng, anh và Lê Công Tuấn Anh về chợ Tân Định vừa nhai bánh mì vừa rao bán hoặåc mua từng cần xé bắp dạt (bắp thứ phẩm) về... phân loại bày bán ở chợ cầu Ông Lãnh: râu bắp nấu nước uống, bẹ bắp cho ngựa ăn, bắp non bào ra nấu chè. Mai Trần cũng từng bán bánh bao ở ngã sáu Nguyễn Văn Cừ. Một khách hàng quen thuộc là họa sĩ thiết kế sân khấu Lê Văn Định, đêm nào cũng ghé lấy một cặp bánh bao, bảo là đem về cho vợ. Sau này, tình cờ Mai Trần phát hiện bên hành lang cạnh nhà họa sĩ Định có rất nhiều... bánh bao khô. Lúc đó anh mới thấm thía cái tình người - đó là những san sẻ của một người anh đối với thằng em lúc sa cơ chứ thật ra anh Định chẳng có nhu cầu... ăn bánh bao! Cũng từng có lúc anh "chơi" luôn mảng gia công dây cu-roa để tồn tại và... chờ thời.

Và cái "thời" cũng đã quay trở lại: khi Nhà hát Hòa Bình có sân khấu quay với vở diễn khai trương Tình nghệ sĩ, Mai Trần và Thành Lộc đã rất thành công trong vai hai người đi bán vé số. Tiếp theo là các vở Lò heo quay, Những thước phim đời, Thương đâu gả đó... Là diễn viên kiêm đạo diễn sân khấu nhưng Mai Trần cũng rất có duyên ở những lĩnh vực nghệ thuật khác như cải lương và điện ảnh. Về cải lương, khởi đầu là cùng viết kịch bản và đồng đạo diễn với Hồng Phúc khi dựng vở Nghiệp cầm ca - một vở diễn quy tụ nhiều diễn viên gạo cội: Diệp Lang, Lệ Thủy, Minh Vương, Hoài Thanh, Thoại Miêu... Sau đó, anh được các đoàn cải lương mời về làm đạo diễn cho khoảng 5 vở diễn. Ở lĩnh vực điện ảnh, Mai Trần là diễn viên kiêm phó đạo diễn trong phim Những nẻo đường phù sa (đạo diễn Châu Huế) và tham gia các phim nhiều tập Bình minh châu thổ, Hướng nghiệp, Lời thề đất Mũi... Gần nhất là Sống trong sợ hãi - bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã giúp anh đoạt giải.

* Với giải thưởng Diễn viên phụ xuất sắc - Cánh diều vàng 2005 hẳn làm anh vừa lòng?

- Là nghệ sĩ ai cũng ao ước được như một cánh diều để bay cao. Thông thường ai cũng nghĩ diều bay được cao là nhờ gió: "Như diều gặp gió" mà! Tôi chơi diều từ bé và tôi biết thêm một điều: diều bay cao còn nhờ vào sợi dây và cách buộc lèo. Do đó, tôi không bao giờ quên những đồng nghiệp, bạn bè, những ràng buộc trong cuộc đời - họ luôn mong chờ tôi thành đạt. Điều may mắn của tôi là được tham gia vào một bộ phim (Sống trong sợ hãi) có tổ chức công nghệ thu tiếng trực tiếp của diễn viên tại hiện trường. Do vậy, tôi có thể phát huy hết khả năng sân khấu sở trường của mình: vừa nói, vừa diễn nên đạt được hiệu quả về xúc cảm và tâm lý nhân vật một cách chân thật.

* Những vai diễn tâm đắc của anh?

- Đó là vai Lỗ Quý trong vở Lôi vũ (của Tào Ngu). Số phận của hắn là một người giúp việc luôn nịnh hót để kiếm ăn. Tôi sáng tạo nhân vật bằng hành động cụ thể thay vì phải nói nhiều lời. Thí dụ khi đứng trước Phồn Y (cậu chủ) và cả trước Lỗ Phượng - con gái ruột của mình, tôi giả vờ khúm núm để làm rơi ra từ ống tay áo một túi vải nhỏ màu đỏ (thường dùng để đựng vàng). Túi vải cứ đu đưa trước mặt họ như nhắc họ ngầm hiểu: tôi đang vòi tiền. Hành động này cứ tái diễn làm khán giả cười lăn. Hoặc vai ông thầy giáo điên lúc nào cũng nói câu: "Tôi là người trước sau như một" trong vở Ai điên? (kịch bản Nguyễn Đông Thức). Để diễn điên thì Mai Trần hoàn toàn diễn tỉnh, riêng chi tiết mặc áo vét, thắt cà vạt thì khi ông giáo cởi áo vét ra xoay người lại, khán giả sẽ thấy sau lưng ông cũng có... thắt cà vạt, và ông nói: "Tôi là người trước sau như một!". Sau một lần diễn như thế, nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết đã vào hậu trường và nói vui với tôi rằng: "Nếu có quyền, chị sẽ trao giải Oscar cho em ở vai diễn này". Chỉ là vui thôi nhưng điều đó cũng động viên tôi rất nhiều...

* Chuyện nghề của anh cũng lắm nỗi lao đao, thế còn... chuyện tình có truân chuyên lắm không?

- Rất may là... không đến nỗi nào! Hiện nay tôi đang rất vui và hạnh phúc, bởi sau một "biến cố giữa đời", chuyện không hề muốn nhưng vẫn đến là chia tay với người bạn tình cũng là mối tình đầu (nghệ sĩ H.Y hiện ở nước ngoài), tôi đã đến với một người phụ nữ khác. Cuộc tình của chúng tôi đã được nghệ sĩ Minh Hoàng viết thành kịch bản Tình 281 (281 là tổng đài nhắn tin, nơi trước đây bà xã tôi làm việc với danh số 132 và vai nhà văn chính là số phận của Mai Trần trong đời thường). Chúng tôi cưới nhau cách đây 7 năm, cô ấy đã "bắt" tôi làm cha của một chú nhóc 6 tuổi và có lẽ vào cuối năm nay, tôi cũng sẽ làm cha của một... con chó (Bính Tuất) nhưng không biết là đực hay cái?!

* Anh có muốn tâm sự với khán giả điều gì không?

- Tuy đóng nhiều vai ác nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn sống trong tình yêu thương của đồng nghiệp và khán giả. Tôi muốn gửi đến những người "yêu và ghét Mai Trần": yêu thì xin cứ yêu con người thật dễ thương và vui tính Mai Trần và xin cứ ghét những vai diễn của Mai Trần một cách thậm tệ.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.