“Khi cần, bạn có thể bẻ một góc giường, cạnh bàn, thậm chí là một mảng tường để... nấu ăn, nêm nếm”. Đây chỉ là một trong nhiều điều thú vị về sa mạc muối lớn nhất thế giới Salar de Uyuni.

Đúng, bạn không lầm đâu. Đó là một sa mạc chỉ toàn là muối nằm ở độ cao 3.656 m, diện tích gần 11.000 km2 (gấp 15 lần Singapore) trên đất nước Bolivia, Nam Mỹ

Từ thủ đô La Paz, sau 14 giờ vật vờ trên xe đò qua những con đường dằn xóc và bụi mịt mù, tôi đến thị trấn nhỏ Uyuni. Tại đây tôi cùng năm du khách “hợp chủng quốc” thuê chiếc xe hơi khám phá sa mạc muối trong ba ngày. Anh tài xế kiêm hướng dẫn viên người địa phương Roberto chỉ dặn gọn lỏn: “Nhớ mang theo kính mát”

Chúng tôi lên đường từ sáng sớm. Chiếc Land Cruiser chạy với tốc độ hơn 100 km/giờ giữa một màu trắng toát của đất và xanh ngắt của trời. Không có đường nhựa trên sa mạc, tài xế chỉ chạy theo vết xe trước và nhìn ngọn núi lửa Tunupa để làm mốc. Đối với dân địa phương, núi lửa Tunupa khá linh thiêng vì đó là nơi “sinh ra” sa mạc muối Salar de Uyuni. Theo truyền thuyết, ngày trước Tunupa là một phụ nữ trẻ xinh đẹp sống hạnh phúc với chồng. Rồi một ngày khi Tunupa sắp sinh con, một phụ nữ khác đã dụ dỗ chồng cô đi mất. Tunupa khóc, nước mắt và sữa từ ngực cô chảy xuống, quyện lại, tạo thành sa mạc muối có màu trắng của sữa và vị mặn của nước mắt.

Xe dừng lại để mọi người ngắm cảnh. Vừa bước xuống xe, đập vào mắt là cả một biển muối mênh mông, trắng lóa đến mức khó thể mở mắt ra nếu không đeo kính mát. Lúc này mới thấy lời dặn không thừa chút nào. Càng vươn tầm mắt ra xa, mọi người càng cảm giác như mình chìm trong đại dương trắng trải dài đến vô tận.

Không như những sa mạc khác với cát bay mù trời, ở Salar de Uyuni dưới tác động của thời tiết, lớp muối kết lại cứng chắc như bê tông, tạo thành những hình lục lăng tuyệt đẹp. Đã thế, vào mùa mưa (tháng 3, 4) sa mạc muối còn đẹp hơn nhiều. Do bao quanh bởi dãy núi Andes nên trời mưa nước không thoát nhanh được. Một lớp nước lấp xấp trên bề mặt phẳng lặng không chút gợn sóng đã biến cả sa mạc muối này thành một tấm gương phản chiếu khổng lồ (mà theo một số tài liệu, nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong đã nhìn thấy từ mặt trăng vào năm 1969).

“Lúc đó dường như thế giới được nhân đôi và phản chiếu đầy đủ trong tấm gương: từ bầu trời xanh thẳm, những đám mây trắng xốp như bông, những ngọn núi tĩnh lặng cho đến ánh hoàng hôn… Không thể phân biệt được đâu là trời, đâu là đất. Chính hiệu ứng này đã thu hút biết bao du khách khắp thế giới đến đây để chụp lại khung cảnh đáng kinh ngạc này”, Roberto kể. Chúng tôi đến vào mùa khô, không có dịp chiêm ngưỡng điều anh nói, nhưng những gì chứng kiến đã đủ làm thỏa mãn những vị khách khó tính nhất rồi. 

XÂY NHÀ BẰNG MUỐI

Tại Salar de Uyuni, người dân vẫn thu hoạch muối theo cách truyền thống: chất thành gò để bay hơi nước rồi sấy khô, thêm i ốt vào. Họ mở hẳn tour xem quy trình sản xuất muối này. Salar de Uyuni có trữ lượng khoảng 10 tỉ tấn muối, nếu Bolivia vẫn khai thác như hiện nay (khoảng 25.000 tấn/năm) thì phải đến… 400.000 năm nữa mới khai thác được hết số muối này.

Điều đặc biệt nhất là nhà ở đây đều được làm từ… muối. Họ cắt những tảng muối thành từng “bánh” 35 x 35 cm làm vật liệu chính để xây nhà vì đó là thứ rẻ nhất và không kém phần chắc chắn. “Muối là thứ rẻ nhất ở đây. Hơn nữa, xây những căn nhà bằng muối như vậy sẽ rất thu hút khách, đó cũng là một cách làm du lịch của người dân địa phương”, anh hướng dẫn viên cho biết.

Đêm đầu tiên trên sa mạc, chúng tôi qua đêm tại khách sạn Bãi biển trắng (Hotel de sal playa blanca). Đương nhiên nó cũng làm bằng muối. “Bãi biển trắng” có cả một quầy bar, phòng khách, phòng ăn với những chiếc ghế, bàn… hoàn toàn làm từ muối. Điều này làm khách rất ngạc nhiên và thích thú. Hầu như vị nào cũng lén lè lưỡi liếm thử tường, cột nhà, hoặc bàn, ghế, giường để xem chúng có thật sự làm bằng muối không.

Không chỉ có muối, Salar de Uyuni còn có những ngọn núi lửa vẫn hoạt động, có đảo xương rồng cổ thụ với những cây 1.200 tuổi, cao 12 m, có những hồ nước đủ màu: xanh lá, xanh ngọc, hồng, đỏ… (do những loại vi khuẩn và tảo trong nước). Tháng 11 hằng năm, hàng ngàn con hồng hạc Nam Mỹ tụ tập về đây tạo thành một cảnh tượng khó quên. Vì thế, ba ngày đầy những bất ngờ tại sa mạc muối trôi nhanh như chớp mắt. 

Báo Thanh Niên
30.01.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.