Sau hơn 6 tháng từ khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, loại virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 được phát hiện đầu tiên tại Trung Quốc giờ đã len lỏi ở gần như mọi ngóc ngách xã hội. Tính đến đầu tháng 8, số ca nhiễm toàn cầu tiệm cận mốc 18 triệu người và hơn 684.000 người tử vong.

Đến nay, giới khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác của SARS-CoV-2, trong khi nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới vẫn đang chạy đua bào chế vắc xin nhằm khống chế đại dịch.

Theo CNN, việc chưa có kết luận về nguồn gốc của virus Corona chủng mới khiến chủ đề này trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các giả thuyết. Có giả thuyết cho rằng SARS-CoV-2 là vũ khí sinh học do Trung Quốc chế tạo; hoặc do quân đội Mỹ đưa đến Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc); vô tình bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay có nguồn gốc từ chợ động vật ở Vũ Hán...

CNN phỏng vấn nhiều chuyên gia virus học về nguồn gốc của virus và tất cả đều khẳng định nếu có người tuyên bố biết điều này thì cũng chỉ là phỏng đoán. Họ nhấn mạnh chưa có bất kỳ chứng cứ nào thể hiện việc chính phủ Trung Quốc hay Mỹ cố tình đưa SARS-CoV-2 ra môi trường.

Hồi tháng 2, một nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc) dẫn đầu nhận thấy rằng trình tự gien của chủng virus Corona mới được tách ra từ tê tê giống tới 99% so với trình tự bộ gien virus ở người mắc Covid-19. Tuy nhiên, giả thuyết tê tê có thể là vật chủ trung gian lây nhiễm SARS-CoV-2 sau đó đã bị giới khoa học bác bỏ.

Trước đó vào tháng 1, một nhóm nhà khoa học ở Viện Virus học Vũ Hán phát hiện SARS-CoV-2 có chung 96% số gien trong bộ di truyền với BatCoV RaTG13, một loại virus Corona khác được tìm thấy ở loài dơi móng ngựa (tên khoa học là Rhinolophus affinis) sống trong các hang động ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

“Nhiều khả năng virus lây từ dơi và có nguồn gốc tại Vũ Hán và đây là lời giải thích đơn giản, rõ ràng và khả dĩ nhất”, theo giáo sư Simon Anthony tại Đại học Columbia và là thành viên chương trình PREDICT do chính phủ Mỹ tài trợ.

Đến ngày 10.7, một nhóm chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bay tới Bắc Kinh trong nỗ lực điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào được công bố.

Trong gần 8 tháng kể từ khi Trung Quốc ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, giới khoa học ghi nhận SARS-CoV-2 đã có nhiều biến thể với diễn biến hết sức phức tạp. Vào tháng 5, các bác sĩ ở Trung Quốc phát hiện chủng virus trong số nhóm nhiễm mới ở khu vực đông bắc nước này biểu lộ không giống so với virus trong người bệnh nhân ở thành phố Vũ Hán.

Bác sĩ Khâu Hải Ba, từng đến Vũ Hán hỗ trợ phòng chống Covid-19, hôm 19.5 phát biểu trên truyền hình rằng những bệnh nhân Covid-19 ở hai tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang dường như mang trong người virus này lâu hơn và mất nhiều thời gian hơn để có thể xét nghiệm cho kết quả dương tính so với những bệnh nhân ở Vũ Hán trước đó, theo Bloomberg.

Cũng vào tháng 5, chủng virus gây Covid-19 tại châu Âu được xác định có khả năng lây lan nhanh hơn dòng virus ban đầu tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Đài ABC dẫn nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm khoa học gia tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu Los Alamos (bang New Mexico, Mỹ) cho thấy chủng virus mới xuất hiện tại châu Âu trước khi lây sang bờ Đông Mỹ và hiện đang lây lan tại nhiều nước từ giữa tháng 3. Biến thể này với tên gọi D614G có khả năng lây lan nhanh hơn và khiến bệnh nhân dễ bị tái dương tính hơn.

Tuy nhiên, có một thông tin khả quan khi các nhà khoa học tại Đại học bang Arizona (Mỹ) vào tháng 5 đã phát hiện một biến thể mới cho thấy virus này có xu hướng suy yếu đi như virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2003.

Sử dụng 382 mẫu dịch đường hô hấp của các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại Arizona, họ phát hiện một biến thể của SARS-CoV-2 chưa từng được phát hiện. Trong bộ gien AZ-ASU2923, cấu trúc đường xoắn kép của ADN trong gien ORF7 khuyết đến 81 cặp liên kết ba-zơ.

Việc bị khuyết gien sản xuất protein này cho thấy virus có thể đang yếu đi tương tự như virus gây SARS. Trong giai đoạn giữa và cuối dịch SARS, virus từng có các biến thể khiến chúng tự suy yếu.

Sự xuất hiện của chủng virus mới tại Trung Quốc đã kích hoạt cuộc điều tra của cộng đồng khoa học toàn cầu. Ngay cả khi mới chỉ xảy ra trong lãnh thổ Trung Quốc, nhiều nước bên ngoài cũng bắt đầu nghiên cứu về căn bệnh mới để có biện pháp nhận biết, cơ chế lây lan, cách kiểm soát, phòng ngừa và điều trị.

Đến nay, trong khi nhiều nơi trên thế giới vừa thoát ra khỏi cảnh phong tỏa và giãn cách xã hội, đại dịch Covid-19 tăng tốc trở lại với tốc độ kỷ lục tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ và một số nơi khác, cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc tìm ra phương thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh.

Trong một bài viết trên chuyên san Nature gần đây, các nhà khoa học cho rằng để phát triển thành công loại thuốc chữa Covid-19 cần đến hơn 10 năm. Do vậy mà các nhà nghiên cứu đang sử dụng những loại thuốc sẵn có, dùng để trị bệnh khác, như là phương án tạm thời để hạn chế những ảnh hưởng của Covid-19.

Đa số các loại thuốc đang được phát triển hoặc thử nghiệm để trị Covid-19 là thuốc chống virus. Bác sĩ Bruce Y. Lee, giáo sư tại Trường Y tế công và chính sách y tế thuộc Đại học Thành phố New York, cho biết các loại thuốc chống virus hoạt động hiệu quả hơn nếu được sử dụng sớm, trước khi virus có cơ hội sinh sôi trong cơ thể. 

Trong một nghiên cứu trên chuyên san y khoa British Journal of Pharmacology hồi tháng 5, các nhà khoa học Anh xác định 3 giai đoạn có thể tấn công virus hiệu quả nhất: ngăn chặn virus xâm nhập tế bào, ngăn chặn virus sinh sôi trong tế bào và giảm thiểu tác động của virus đối với các cơ quan. 

Bên cạnh đó, một số nước cũng đang sử dụng cách truyền huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục cho bệnh nhân đang điều trị với hy vọng rằng kháng thể trong đó sẽ giúp chống lại SARS-CoV-2. Phương pháp này được cho là mang lại những kết quả khả quan nhưng bị hạn chế về lượng huyết tương. Bên cạnh đó, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu thêm về việc liệu những người hồi phục có tạo ra đủ kháng thể trong máu để giúp đỡ những người bệnh khác.

Ngoài việc tìm kiếm thuốc đặc trị, cuộc đua phát triển vắc xin ngừa Covid-19 đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy so với việc phát triển các loại vắc xin khác. Giới chuyên gia cho rằng chính tác động to lớn của Covid-19 đã thúc đẩy chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ và tài trợ cho việc nghiên cứu của các nhà khoa học để sớm tìm ra vắc xin phòng bệnh.

Tính đến ngày 31.7, có hơn 165 loại vắc xin đang được nghiên cứu và 27 loại đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Một số loại vắc xin tiềm năng do các nhà khoa học Anh, Mỹ và Trung Quốc phát triển vừa chỉ mới bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3, trong khi nhiều dự báo cho thấy thế giới chỉ phát triển thành công vắc xin sớm nhất là đầu năm 2021. 

Tuy nhiên, trong một thông báo đầy bất ngờ vào ngày 1.8, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết nước này đã hoàn tất việc thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19 do Viện Gamaleya ở Moscow bào chế. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Murashko cho hay các nhà phát triển đang đăng ký giấy phép cho loại vắc xin này và việc tiêm chủng đại trà sẽ bắt đầu vào tháng 10.2020. Trong khi đó, vắc xin AD5-nCoV do Hãng Công nghệ sinh học CanSino Biologics (Trung Quốc) phát triển cùng Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh dù mới qua giai đoạn thử nghiệm thứ 2 nhưng đã được phê chuẩn sử dụng hạn chế trong quân đội Trung Quốc.

Mặt khác, giới nghiên cứu toàn cầu cũng hợp tác trong việc phát triển thiết bị xét nghiệm Covid-19 và phát hiện kháng thể, những công cụ được đánh giá là rất quan trọng trong việc xác định mức độ an toàn để mở cửa nền kinh tế.

Cuộc đua phát triển thuốc và vắc xin ngừa Covid-19 đang diễn ra sôi động nhưng chưa gì có thể đảm bảo sẽ tìm ra người chiến thắng trong tương lai gần. “Đây là thử nghiệm vô cùng lớn và không ai biết nó sẽ diễn biến ra sao”, chuyên gia James Le Duc, Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Galveston thuộc Đại học Y khoa Texas (Mỹ) nhận định. Các loại vắc xin thường mất từ vài năm đến cả chục năm mới đến được người dân, trong đó kỷ lục nhanh nhất là vắc xin quai bị cũng mất đến 4 năm. Trong diễn biến hứa hẹn nhất, vắc xin Covid-19 có thể sẵn sàng được đưa ra thị trường trong 12-18 tháng nhưng giới chuyên gia cho rằng cần tính đến trường hợp ngược lại và chuẩn bị nhiều phương án dự phòng.

Trong khi đó, giới chuyên gia cũng cho rằng việc thử nghiệm vắc xin thất bại là điều hết sức bình thường trong nghiên cứu khoa học. “Tôi mong điều này không xảy ra, nhưng mọi người cần chấp nhận nếu mọi thứ không đi theo lộ trình họ mong muốn”, bà Maria Elena Bottazzi, giám đốc Trung tâm Phát triển vắc xin thuộc Bệnh viện Nhi Texas (Mỹ) cho biết.

Giáo sư y tế toàn cầu David Nabarro thuộc Đại học Hoàng gia London, đặc phái viên WHO về Covid-19, cho rằng có một số loại virus mà loài người chưa tìm ra vắc xin ngăn ngừa. Ông Nabarro nói điều quan trọng là xã hội cần chuẩn bị phương án phòng ngừa Covid-19 như là mối đe dọa lâu dài, cần chuẩn bị phương án khôi phục hoạt động kinh tế xã hội với Covid-19 đang ở trong chúng ta. 

Trong thời gian đó, việc phòng ngừa vẫn là cách điều trị tốt nhất. Trang Medical News Today dẫn lời giới chuyên gia khuyến cáo người dần cần tuân thủ các biện pháp như giữ khoảng cách ở nơi công cộng, cách ly khi bị bệnh, hạn chế, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng. Những người có triệu chứng nhẹ có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà trong khi những trường hợp nặng cần được can thiệp y tế và nhập viện.

Nếu Covid-19 không thể bị xóa sạch, xã hội có thể sẽ phải học cách sống chung với dịch. Các nền kinh tế sẽ dần mở cửa trở lại nhưng các khuyến cáo phòng bệnh vẫn được yêu cầu phải tuân thủ. Việc xét nghiệm và truy vết sẽ trở thành một phần của cuộc sống. Thuốc trị bệnh có thể được phát triển sớm hơn vắc xin nhưng việc bùng phát có thể xảy ra bất cứ khi nào và con số tử vong sẽ không ngừng tăng lên.

Lịch sử không ít lần chứng minh điều này. Năm 1984, cộng đồng khoa học xác định thành công virus HIV và giới chức Mỹ dự đoán sẽ thử nghiệm vắc xin trong 2 năm, theo CNN. Tuy nhiên, sau gần 4 thập niên và 32 triệu người tử vong, thế giới vẫn chưa tìm ra được vắc xin HIV.

Ngay cả khi vắc xin được phát triển thành công và thông qua khâu cấp phép với 50% hiệu nghiệm, việc sản xuất trên quy mô lớn và phân phối cho người dân toàn cầu cũng là một quá trình dài. Một số loại vắc xin thậm chí cần phải tiêm 2 liều mới có thể kích hoạt cơ chế bảo vệ cho cơ thể. “Nó có thể không phải là loại thần dược sẽ giúp ngăn chặn ngay đại dịch, và mọi người cần chuẩn bị cho khả năng đó”, nhà virus học Angela Rasmussen tại Đại học Columbia (Mỹ) nói với STAT News.

Tại cuộc họp ngày 1.8 của Ủy ban Khẩn cấp thuộc WHO, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo tác động của đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài trong nhiều thập niên. “Dù việc bào chế vắc xin đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, chúng ta phải học cách sống chung với Covid-19 và chiến đấu với dịch bệnh bằng mọi công cụ chúng ta có”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.


Bài viết: Vi Trần, Khánh An
Đồ hoạ: Thiên Ý
Ảnh: AFP/Reuters

Báo Thanh Niên
03.08.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.