Mắc bệnh về máu, người phụ nữ phải thay 4,7 lít máu/tháng

Ngọc Quý
Ngọc Quý
06/12/2021 09:10 GMT+7

Căn bệnh kỳ quái khiến Sonia Chane-Sam ở Anh phải thay máu 4 tuần/lần. Khi đến hạn thay máu, 4,7 lít máu trong cơ thể cô sẽ được rút ra để truyền 4,7 lít máu khác vào.

Cô Sonia Chane-Sam, 40 tuổi, sống ở thành phố London (Anh). Từ khi còn trẻ, cô là người rất yêu thể thao và tập gym rất nhiều, theo Newsbreak.

Bệnh hồng cầu hình liềm khiến cô Sonia Chane-Sam ở Anh phải thay 4,7 lít máu/tháng

SHUTTERSTOCK

Tuy nhiên, vào năm 2014, khi 33 tuổi, cô Sonia lại bất ngờ bị đột quỵ. Nhưng nhờ có thể trạng tốt, cô đã bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ yêu cầu cô phải giảm cường độ tập, tránh tập luyện quá sức.

“Tôi được yêu cầu bỏ thuốc lá, sống lành mạnh nhất có thể và tránh căng thẳng”, cô Sonia kể lại.

Nhưng vào năm 2015, khi đang mang thai đứa con thứ hai, cô Sonia bị chẩn đoán mắc bệnh hồng cầu hình liềm (SCD). Đây là căn bệnh di truyền có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhiễm trùng, tổn thương cơ quan nội tạng hay đột quỵ.

Ở người bình thường, tế bào hồng cầu sẽ có hình tròn. Nhưng ở người mắc bệnh hồng cầu hình liềm, tế bào hồng cầu của họ có hình lưỡi liềm. Tế bào hình liềm nãy sẽ chết sớm, khiến người bệnh bị thiếu hồng cầu liên tục.

Trong trường hợp của cô Sonia, cách duy nhất để kiểm soát bệnh là phải truyền máu thường xuyên. Cứ 4 tuần, cô Sonia phải lọc máu 1 lần. Máu trong cơ thể cô sẽ được rút ra và truyền vào 4,7 lít máu mới.

Dù mắc bệnh nhưng cô không để bệnh tật ảnh hưởng đến lối sống lành mạnh của mình. Cô vẫn thường xuyên tập luyện bằng cách đạp xe.

Sau mỗi lần thay máu, cô thường được yêu cầu nên về nhà bằng taxi. Tuy nhiên, người phụ nữ luôn từ chối và về nhà bằng chiếc xe đạp của mình. Cô Sonia đã tham gia một câu lạc bộ đạp xe và hoàn thành nhiều chuyến đi để thỏa niềm yêu thích với bộ môn này.

Cách chữa bệnh hồng cầu hình liềm duy nhất là phải ghép tế bào gốc. Các tế bào gốc này nằm trong tủy xương, có chức năng sản sinh ra hồng cầu. Thủ thuật ghép tế bào gốc trong tủy xương có tỷ lệ thành công cao nhưng vẫn có thể đối mặt những rủi ro lớn.

Em gái cô là người hiến tủy phù hợp và sẵn sàng cho việc này. Nếu được ghép tủy, cô Sonia phải trải được hóa trị và xạ trị. Toàn bộ quá trình điều trị này kéo dài 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô đã quyết định tạm dừng ca ghép tủy, theo Newsbreak.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.