'Ma trận' lừa tiền online bủa vây người dùng

03/08/2023 08:59 GMT+7

Lợi dụng các công cụ giao tiếp trên internet, kẻ gian liên tục thay đổi chiến thuật lừa tiền khiến nạn nhân mất cảnh giác, không nghĩ mình là "con mồi".

Liên tục đổi nội dung lừa tiền trên mạng

Trò lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn bắt đầu xuất hiện nhiều từ năm 2022 và bùng phát mạnh mẽ thời gian qua. Dù nhiều phương tiện truyền thông, chuyên gia cũng như người dùng đã lên tiếng cảnh báo, đưa ra những trường hợp nạn nhân thực tế với số tiền bị lừa lên tới cả tỉ đồng, số lượng nạn nhân của các chiêu trò và biến thể từ hình thức lừa tiền này vẫn không giảm.

Sau thời gian dài "núp bóng" các sàn TMĐT, kẻ gian bắt đầu lợi dụng tên tuổi của những thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước cũng như quốc tế để tạo lòng tin. Nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng đã phải kêu cứu khi thương hiệu của mình trở thành "miếng mồi câu" bị sử dụng cho trò lừa tuyển cộng tác viên việc nhẹ lương cao, "ngồi làm ở nhà cũng có thu nhập 500.000 đồng đến cả triệu đồng" mỗi ngày.

Một kẻ giả danh doanh nghiệp để tìm kiếm nạn nhân cho trò lừa tiền làm cộng tác viên

Một kẻ giả danh doanh nghiệp để tìm kiếm nạn nhân cho trò lừa tiền làm cộng tác viên

Anh Quân

Danh sách các thương hiệu lớn liên tục được cập nhật và thay đổi hình thức "cộng tác", từ việc xem video, bấm Like (thích) để tăng tương tác, kiểm tra đường dẫn... đến mua gói ưu đãi đặc biệt, tham gia chương trình ưu đãi, nhận quà tri ân với chi phí 0 đồng.

Theo một chuyên gia bảo mật từng tiếp xúc với nhiều trường hợp nạn nhân bị lừa đảo, có không ít người đã cẩn trọng kiểm tra thông tin về đơn vị được sử dụng thương hiệu cũng như các bài báo, chia sẻ về hình thức "cộng tác, làm việc tại nhà" xem có phải lừa đảo không. Hay mới đây xuất hiện một số trường hợp đăng ký tài khoản ứng dụng tìm bạn bè, yêu cầu nộp tiền để tạo tài khoản VIP (ưu đãi đặc quyền)... nhưng thực chất chỉ là một chiêu lừa mới cập nhật.

"Họ không tìm ra kết quả về các trường hợp bị lừa từng ghi nhận giống hình thức việc làm thu nhập cao đang được giới thiệu, trong khi thương hiệu lại hoàn toàn có thật, đầy đủ thông tin doanh nghiệp, website... nên tin tưởng tham gia vào đường dây. Điều này cho thấy kẻ gian liên tục thay đổi các nội dung, nhiệm vụ của công việc để tránh bị phát hiện, đồng thời lợi dụng tín nhiệm của doanh nghiệp khác nhằm tăng niềm tin, dễ dàng dẫn dụ 'con mồi' vào cái bẫy đã giăng sẵn. Nhưng trên hết, chúng vẫn đánh trúng tâm lý ham việc nhẹ lương cao, thu nhập mỗi ngày cả triệu đồng mà vẫn vừa làm vừa chơi", vị chuyên gia chia sẻ.

Những điểm chung của các trò lừa đảo

Đặc điểm đầu tiên của hình thức lừa tiền bằng việc làm trên internet hiện nay là "vẽ" ra một công việc nhàn hạ, có thể làm từ xa, không yêu cầu đóng tiền cọc trong khi thu nhập mang về vô cùng lớn so với mặt bằng chung. Với số tiền được hứa hẹn từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày, nhiều người sẽ mất đi sự tỉnh táo cần thiết để phát hiện ra sự bất thường trong công việc.

Tiếp cận bằng các hình thức mang tính cá nhân: tin nhắn, ứng dụng OTT, nền tảng mạng xã hội, cuộc gọi trực tiếp đến số di động cá nhân... là các cách tiếp cận phổ biến của kẻ gian trên hành trình "tìm mồi". Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này nhưng dường như đều bị người dùng bỏ qua. Theo đó, các công ty khi tuyển nhân sự đều đăng tải thông tin chính thức trên website của hãng cũng như các trang tuyển dụng việc làm uy tín, không cho nhân viên tạo nhóm hay trực tiếp liên hệ đến số điện thoại ngẫu nhiên để tìm kiếm ứng viên. Đặc biệt, không có doanh nghiệp nào "việc nhẹ lương cao", sẵn sàng trả thu nhập 15 - 30 triệu đồng mỗi tháng cho người làm công chỉ việc ngồi nhà và thưởng thức các nội dung trên internet.

"Tuyển nhân sự" tại Việt Nam là một trong những nội dung lừa tiền phổ biến thời gian qua

"Tuyển nhân sự" tại Việt Nam là một trong những nội dung lừa tiền phổ biến thời gian qua

Anh Quân

Tạo nhóm hướng dẫn, thả "chim mồi": nhiều nạn nhân bị lừa cho biết họ được đưa vào một nhóm chat (trên ứng dụng điện thoại) với sự hướng dẫn của "trưởng nhóm". Người này có nhiệm vụ điều phối công việc cho các thành viên, chịu trách nhiệm liên hệ cấp cao hơn, tới cả trưởng bộ phận, giám đốc... khi có sự cố xảy ra. Bên trong nhóm cũng có thành viên luôn "trúng" các nhiệm vụ có thù lao lớn, hoặc gửi tin nhắn riêng tới người khác để tâm sự về thành công của mình, khoe các khoản tiền khổng lồ được nhận về khi chăm chỉ theo hướng dẫn của trưởng nhóm.

Tất cả đều là chiêu đánh vào tâm lý và tạo ham muốn đi tới cùng cho nạn nhân. "Không có trưởng nhóm, trưởng bộ phận, giám đốc hay người thành công nào trong đó, tất cả chỉ là vở kịch được dàn dựng công phu, từng bước xây dựng niềm tin và làm mờ mắt nạn nhân trước khi đi đến mục đích cuối cùng của vụ dàn dựng là khiến nạn nhân mất số tiền lớn rồi biến mất không để lại dấu vết", chuyên gia bảo mật khẳng định.

Nạp tiền và hàng trăm lý do báo lỗi: dù ở hình thức tiếp cận hay thực thi nhiệm vụ nào, trong mọi trò lừa đều yêu cầu nạn nhân nạp tiền vào tài khoản do kẻ gian chỉ định để nâng hạng thành viên, mở gói ưu đãi nhiều quyền lợi hơn, mở nhiệm vụ trao thưởng lớn... Ban đầu, chúng sẽ trả cho người tham gia một vài lần nhận thưởng với khoản tiền nhỏ, tạo kích thích và tin tưởng vào sự uy tín của "công ty".

Sau khi số tiền được nâng lên, các lần nạp sau đều thông báo lỗi chưa nhận được thanh toán với đủ lý do như sai cú pháp, sai thông tin thành viên, ngoài giờ hành chính, sự cố hệ thống... Kẻ gian sẽ yêu cầu nạn nhân nạp thêm tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để chứng thực thông tin hợp lệ, nhưng vẫn tiếp tục lỗi. Vì tiếc số tiền đã chuyển khoản, nhiều người tiếp tục nạp thêm với hy vọng lấy được tiền về như lời hứa hẹn của những kẻ đứng sau trò lừa. Khi đã gom được "mẻ lưới" đủ lớn và nhận thấy dấu hiệu sắp bị bại lộ, chúng sẽ ôm số tiền biến mất. Nhiều vụ lừa đảo được nạn nhân báo cáo số tiền bị mất lên tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng nhưng gần như không có cơ hội lấy lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.