Ma trận lãi, phí thẻ tín dụng: Nhiều người bỗng dưng mắc nợ

19/03/2024 04:29 GMT+7

Làn sóng kiểm tra thông tin tài khoản, đóng thẻ tại các ngân hàng vẫn đang diễn ra, sau vụ một khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau 11 năm lên hơn 8,8 tỉ đồng. Lúc này nhiều người mới ngã ngửa vì bỗng dưng mắc nợ ngân hàng.

Tài khoản không sử dụng cũng bị nợ

Một khách hàng tên N.Dũng (Q.10, TP.HCM) chia sẻ: "Cách đây mấy năm, tôi có bạn làm ở ngân hàng (NH) phải chạy chỉ tiêu mở thẻ tín dụng nên tôi đồng ý mở giúp bạn. Khi mở thẻ thì hoàn toàn miễn phí và còn được tặng thưởng 100.000 đồng trong tài khoản. Tuy nhiên do không có nhu cầu sử dụng nên tôi quên. Sau đó tự dưng NH báo nợ phí thường niên 400.000 đồng nên tôi hốt hoảng chạy ra trả và làm thủ tục đóng thẻ. Cũng may mà NH nhắc nợ và tôi trả luôn rồi".

Ma trận lãi, phí thẻ tín dụng: Nhiều người bỗng dưng mắc nợ- Ảnh 1.

Khách hàng cần quản lý kỹ tài khoản, thẻ tín dụng

Ngọc Dương

Trường hợp khác, anh N.Đức (TP.HCM) đăng ký thẻ tín dụng tại một NH nhưng không kích hoạt. Những tưởng là chưa kích hoạt có nghĩa là cũng không sử dụng, sẽ không bị tính phí gì, thế nhưng qua năm thứ 2, NH báo anh nợ 600.000 đồng phí thường niên.

Oái oăm hơn, chị B.T.Hoa (Q.Tân Bình, TP.HCM) hoảng hồn khi cô con gái gọi hỏi có phải chị đang sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank hay không. Bởi hơn 1 năm trước, chị Hoa có khoản vay tại Eximbank và nhân viên tín dụng yêu cầu chị phải mở kèm theo 1 thẻ tín dụng. Lớn tuổi, không có nhu cầu nên chị không muốn mở thẻ, nhưng nhân viên cứ nói phải mở thẻ kèm theo khi vay, chị đành đồng ý. Sau khi kiểm tra thì cô con gái tá hỏa là phí thường niên 1,2 triệu đồng/năm, vì đã hết hạn năm đầu. Con gái chị Hoa cho hay: "May là mấy hôm nay có vụ lùm xùm từ nợ thẻ tín dụng của Eximbank nên mình mới nhớ mẹ có thẻ khi đi vay NH này và vội kiểm tra. Dù vậy vẫn chưa thể chở mẹ ra NH đóng thẻ được, mà phải đợi vài hôm nữa mới có thời gian…".

Không chỉ thẻ tín dụng (loại xài trước trả sau), nhiều khách hàng dù mở thẻ debit (nạp tiền trước xài sau) cũng bị trừ phí đến âm tiền. Cụ thể, phí thường niên cho các loại thẻ debit tại nhiều NH cũng dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/năm trở lên tùy loại thẻ. Tùy thuộc vào chính sách quản lý của từng NH thì dù tài khoản không có số dư, thẻ tạm ngưng hoạt động cũng sẽ bị trừ phí quản lý và sẽ bị ghi số âm… 

Chị Phan Thanh (Q.3, TP.HCM) nhớ lại cách đây nhiều năm tham gia trong một sự kiện tài chính được nhân viên DongABank mời mở thẻ để trải nghiệm dịch vụ, phí toàn bộ là 0 đồng. Thấy cũng không mất gì nên chị Thanh đồng ý; nhưng nhiều năm sau đó, chị không sử dụng thẻ này mà mỗi tháng đều nhận tin nhắn trừ phí. 

Thấy phiền phức, chị Thanh ra NH đóng thẻ thì nhân viên yêu cầu đóng nợ gần 140.000 đồng vì "ngoài phí nhắn tin còn có cả phí thường niên hằng năm", người này giải thích. Dù rất bực mình nhưng muốn đóng tài khoản thẻ thì phải nộp phí trên, còn không nộp thì phí cứ nhảy theo thời gian, nên chị Thanh đành nộp tiền để đóng thẻ.

Cũng bức xúc như nhiều trường hợp khác, chị L.Minh cho biết đã có tài khoản tại DongABank từ năm 2013 và nhiều năm qua không sử dụng. Mới đây chị gọi điện đến tổng đài kiểm tra thì được báo đang nợ phí duy trì tài khoản 1,2 triệu đồng. Để đóng tài khoản này thì vài ngày tới chị phải xin nghỉ phép để ra quầy giao dịch trong giờ hành chính vì thực hiện qua mạng không được.

Làn sóng đóng thẻ, tài khoản

Vẫn chưa hết cơn tức, bà Ngọc Mai (H.Bình Chánh, TP.HCM) kể: Sáng 18.3, bà đến chi nhánh Eximbank gần nhà để kiểm tra tài khoản do cơ quan mở để trả lương từ năm 2012. Đến năm 2015, bà nghỉ hưu và từ đó đến nay không sử dụng. Thế nhưng khi ra NH, nhân viên tín dụng cho hay nếu đóng tài khoản thì bà phải đóng phí quản lý những năm qua là 715.000 đồng. "Tại sao tôi đã không sử dụng gần 10 năm mà NH vẫn tính phí quản lý?", bà Mai bức xúc. 

Bà kể thêm, mới đây vào đầu năm 2024, bà còn phát sinh một tài khoản tại NH Shinhan do bán nhà. Người mua nhà đang làm thủ tục vay tại NH Shinhan nên khi ký hợp đồng 3 bên, bà phải mở tài khoản tại NH này để nhận tiền. Sau khi nhận tiền xong, bà muốn đóng luôn tài khoản này thì nhân viên bảo quy định phải hết 1 năm mới đóng tài khoản và phí sẽ là 150.000 đồng. "Tự dưng bắt mở tài khoản rồi sau đó đóng thì thu phí, trong khi mình không có nhu cầu", bà Mai nói.

Rất nhiều khách hàng có mở tài khoản tại Eximbank đang tra soát lại toàn bộ tài khoản xem có bị nợ không. Chị H.Anh (Q.3, TP.HCM) cho hay vừa kiểm tra lại thông tin tài khoản Eximbank trên ứng dụng điện thoại di động thì phát hiện đang bị nợ 1,2 triệu đồng. "Tuy nhiên trên app không thấy ghi lịch sử trừ tiền như thế nào và các loại phí gì. Gọi tổng đài, họ nói đến quầy giao dịch để trao đổi cụ thể. Tự dưng mình thành con nợ", chị H.Anh bức xúc.

Là người làm việc trong ngành tài chính, chị Thanh Vân (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết nhân viên NH được giao chỉ tiêu doanh số mở thẻ nên nhiều khi khách không có nhu cầu mà vẫn mở. Trường hợp của mẹ chị Vân khi làm hồ sơ vay vốn, nhân viên đưa thêm giấy đề nghị mở thẻ tín dụng, hạn mức được cấp lên cả trăm triệu đồng. Lúc này chị Vân phát hiện và ra NH trả thẻ, đóng tài khoản chứ không để lâu lại quên, phải đóng phí thường niên mấy triệu đồng mỗi năm. "Người lớn tuổi thường không có thói quen dùng thẻ nên sẽ rất dễ quên. Mình còn trẻ mà đôi khi quên đóng tiền thẻ tín dụng, huống hồ người già", chị Vân cho hay.

Ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), thông tin: Những ngày gần đây, lượng khách hàng đăng ký tài khoản tra soát thông tin dư nợ tăng nhiều lần. Hiện nay CIC đang quản lý dữ liệu của hơn 55 triệu khách hàng đã và đang có mối quan hệ tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, trong đó có khoảng 20 triệu hồ sơ hiện đang vay. Theo quy định hiện nay, những khoản nợ từ 1 triệu đồng trở lên sẽ được cập nhật trên hệ thống CIC và thông tin được lưu 5 năm. Đối với những tài khoản không hoạt động thời gian dài, khách hàng nên chủ động đến NH đóng nhằm tránh phát sinh phí nếu có. Một số NH hiện nay trong thỏa thuận khi mở thẻ có quy định trong khoảng thời gian bao lâu sẽ tạm ngưng đóng tài khoản. Thế nhưng trong trường hợp tài khoản còn tiền thì NH cũng khó tạm ngưng.

Liên quan đến những khoản nợ xuất phát từ khách hàng không vay mà bị kẻ gian lợi dụng mở tài khoản vay, thẻ tín dụng, ông Cao Văn Bình cho biết có 2 cách xử lý. Đó là khách hàng khiếu nại trực tiếp đến NH có phát sinh khoản nợ, sau khi NH có ý kiến bằng văn bản gửi đến CIC sẽ giải quyết. Cách thứ hai, khách hàng phản ánh đến CIC. Lúc này CIC sẽ chuyển cho NH để có hướng xử lý và sau khi nhận công văn phản hồi từ NH, CIC sẽ điều chỉnh thông tin. 

Số lượng thẻ tín dụng tăng

Theo NH Nhà nước, lượng thẻ nội địa NH có xu hướng ngày càng giảm. Dữ liệu mới nhất công bố quý 3/2023, lượng thẻ nội địa giảm 10,55 triệu thẻ so với cuối năm 2022, còn 102,15 triệu thẻ. Trong khi đó, thẻ tín dụng có xu hướng tăng 6,05 triệu thẻ, lên 38,54 triệu thẻ. Đồng thời, các giao dịch qua máy ATM cũng ngày càng đi xuống về doanh số giao dịch, còn giao dịch qua quẹt thẻ có xu hướng tăng lên qua các quý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.