M.U đáng phải chịu kết cục này

22/11/2021 07:12 GMT+7

Ole Gunnar Solskjaer không đủ trình độ huấn luyện M.U? Kết luận ấy càng rõ, thì “lỗi hệ thống” ở M.U càng đáng bàn. Toàn bộ hệ thống chuyên môn xung quanh Solskjaer, tính từ Phó chủ tịch điều hành Ed Woodward trở xuống, đều kém. Họ đáng phải chịu kết cục tồi tệ như hiện nay.

Không ai còn cảm thấy lạ khi rút cuộc thì M.U cũng phải sa thải HLV trưởng Solskjaer. Lạ chăng, chỉ là ở chỗ: sao phải đến tận bây giờ mới làm điều đó? Solskjaer thì quá kém rồi, nhưng phải nhấn mạnh: cả ban lãnh đạo M.U lẫn vị HLV này đều lì lợm như nhau. Và đòn trừng phạt đích đáng cho sự lì lợm của họ là M.U thua Watford, theo một cách không thể nào nhục nhã hơn. Trong suốt lịch sử Premier League, chưa bao giờ M.U thua một đối thủ vừa thăng hạng với kết quả đậm đà như thế (1-4). Và chưa bao giờ, trong suốt lịch sử tồn tại, M.U thua Watford 2 trận liên tiếp!

HLV Solskjaer bị sa thải sau chuỗi trận bết bát của M.U

AFP

Giá trị duy nhất mà người ta có thể nói về Solskjaer chỉ là ông này từng gắn bó với M.U trong phần lớn sự nghiệp chơi bóng đỉnh cao. Đó là “siêu dự bị”, đã cùng Teddy Sheringham ghi liền 2 bàn trong 2 phút chót giúp M.U thắng ngược Bayern Munich ở trận chung kết Champions League 1999. Đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao. Nhưng, chính vì ấn tượng ấy quá sâu đậm, và sự nghiệp bóng đá của Solskjaer còn có nhiều dấu ấn sâu đậm khác để giới hâm mộ phải nhớ mãi, nên phần lớn những ai quan tâm đến M.U đều đã sai lầm ngay từ đầu: tin rằng Solskjaer hiểu M.U đến tận chân tơ kẽ tóc, từ đó sẽ thành công khi huấn luyện M.U.

Carrick thế chỗ Solskjaer ở Manchester United, cùng nhìn lại 3 năm trắng tay đã qua

Gennaro Gattuso không hiểu AC Milan ư? Nhưng ông thất bại thảm hại khi trở lại dẫn dắt Milan. Frank Lampard cũng hiểu Chelsea, và cũng bị sa thải khi huấn luyện đội bóng cũ. Quá rõ ràng: hiểu đội bóng cũ là chưa đủ. Năng lực huấn luyện mới là điều quan trọng nhất trong nghề này. Đó là chưa kể, Solskjaer chắc gì đã hiểu M.U. Ông từng vào sân từ ghế dự bị, ghi đến 4 bàn, rồi vẫn phải ngồi dự bị ở trận kế tiếp. Phải có lý do chứ!

Nói về cầu thủ M.U trong thời gian gần đây, là phải nói về Harry Maguire. Hậu vệ đắt giá nhất thế giới thường xuyên diễn vai “tội đồ” - kể cả trong trận thua Watford mới đây. Vấn đề không chỉ là thói quen “tấu hài”. Maguire chơi bóng rất… không thông minh. Ví dụ điển hình: hễ đối phương sút phạt trực tiếp, bạn sẽ thấy Maguire đứng trong “hàng rào”. Anh là trung vệ, là chỉ huy trưởng hàng thủ, thậm chí là thủ quân toàn đội. Phải “trực chiến”, ứng biến với bao tình huống quan trọng, chứ sao lại đứng “chết” trong hàng rào? Và vì sao HLV Solskjaer không thể nhận ra những điều như vậy. Có rất nhiều chi tiết nhỏ nói lên hẳn vấn đề lớn, kiểu như thế.

Thật ra, HLV trưởng trong bóng đá đỉnh cao là một nghề đặc biệt, ở chỗ không ai thấy rõ nhà cầm quân này làm việc như thế nào, làm những việc cụ thể gì. Kết quả hoặc sự thể hiện của lối chơi trên sân bất quá cũng chỉ “phản ánh” công việc của HLV - có thể là phản ánh đúng hoặc không đúng. Cho nên, muốn nói Solskjaer huấn luyện kém, cũng không phải dễ! Vấn đề ở đây là có những chi tiết quá cụ thể, cho thấy Solskjaer là HLV… tào lao. Chẳng hạn chi tiết vừa nêu: ông nhìn thủ lĩnh Maguire đứng trong hàng rào mà thậm chí không biết như thế là sai căn bản. Hoặc ông chọn mua Van de Beek nhưng hầu như không dùng cầu thủ này. Ông mua Jadon Sancho rồi lại mua thêm Cristiano Ronaldo, để M.U phải trông mong vào cặp tiền đạo tổng cộng 70 tuổi (Ronaldo - Cavani)… Đó đều là những chi tiết phản logic.

Solskjaer không phải là “tội phạm” duy nhất

Nhưng, nếu Solskjaer không đủ năng lực huấn luyện M.U, thì đó trước tiên là lỗi của ban điều hành M.U, khi họ ký hợp đồng chính thức với nhân vật này. Phó chủ tịch điều hành Ed Woodward (một nhà đầu tư hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng) từ lâu đã mang tai tiếng là không biết quả bóng có mấy múi! “Tội trạng” tăng cao khi Woodward luôn quyết liệt bảo vệ Solskjaer, đến tận bây giờ. Premier League nói chung (chứ không riêng gì M.U) phát triển mạnh chủ yếu nhờ khâu điều hành, chứ không chỉ có mỗi chuyện chuyên môn huấn luyện.

Sân Old Trafford, sân nhà của M.U

reuters

Một thời, nói đến M.U là phải nói đến các nhà điều hành xuất chúng như Peter Kenyon hoặc David Gill. Bây giờ, khâu này là con số 0, với mỗi Woodward “ngoại đạo” phía trên và Solskjaer “bất tài” phía dưới. Xung quanh họ, cũng có đủ cố vấn tuyển trạch hoặc giám đốc săn lùng tài năng…, nhưng đều là hữu danh vô thực, chẳng ai có tài năng kinh luân gì.

Giám đốc kỹ thuật Darren Fletcher hoặc trợ lý HLV Michael Carrick cũng chỉ thế thôi. Họ cũng là cựu cầu thủ M.U như Solskjaer. Và họ cũng chẳng có gì khác ngoài cụm từ rỗng tuếch kiểu “mang sẵn ADN M.U trong người”. Carrick ngày xưa là tiền vệ trung tâm. Vậy ông này chính là “thủ phạm” khiến tiền vệ trung tâm của M.U mùa này đá như đi bộ trên sân?

Giả sử “M.U lụn bại” là một vụ án, phải đưa ra tòa, thì chắc chắn Solskjaer không phải là “tội phạm” duy nhất, cũng chưa chắc phải lãnh hình phạt cao nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.