Lý và tình

11/01/2014 09:00 GMT+7

Vụ 'hôi bia' đang được xử lý theo mong muốn của dư luận ngay khi sự việc vừa xảy ra. Nhưng nay, khi hai người bị khởi tố, tạm giam, thì nhiều người lại nói 'nên tha'.

Vụ "hôi bia" đang được xử lý theo mong muốn của dư luận ngay khi sự việc vừa xảy ra. Nhưng nay, khi hai người bị khởi tố, tạm giam, thì nhiều người lại nói "nên tha".

>> Nên xem xét cho hai bị can tại ngoại chờ xét xử trong vụ 'hôi bia
>> Vụ 'hôi bia' ở Đồng Nai: Khởi tố hai bị can


Hành vi “hôi bia” được thực hiện bởi những người có ý thức - Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Theo Bộ luật Hình sự, hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị đến 2 triệu đồng là đủ căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tài sản không đến hai triệu đồng mà muốn khởi tố thì hành vi ấy phải gây ra “hậu quả nghiêm trọng”.

TAND tối cao có hướng dẫn, “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”… thì hậu quả đó có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc hậu quả phi vật chất (như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội...).

Chưa cần xét đến yếu tố có nghiêm trọng hay chưa thì hành vi “hôi bia” của một số người đã hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Bởi lẽ những thùng bia này là tài sản hợp pháp, được pháp luật bảo vệ và việc xông vào “hôi” là nhằm chiếm đoạt tài sản không thuộc của mình. Hành vi “hôi bia” được thực hiện bởi những người có ý thức (ít nhất là hai người bị khởi tố, bắt tạm giam) và được điều khiển bởi ý chí của người phạm tội.

Trong trường hợp này, các anh chạy xe ba gác không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhưng với số đông “hôi bia” ấy tài xế Hậu đã lâm vào tình thế không thể chống lại để rồi bị họ công khai chiếm đoạt trước mắt. Dấu hiệu “công nhiên chiếm đoạt” đã quá rõ.

Nói dài dòng vậy để thấy rằng việc cơ quan điều tra xác định và ra lệnh tạm giam hai bị can “hôi” 11 thùng bia, với tổng trị giá khoảng 3 triệu đồng là không cần bàn cãi.

Vậy sao nhiều người hay mạnh mồm “xử lý nghiêm theo luật” nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền lại bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với bị can trong vụ hôi bia, thậm chí còn lên tiếng bài xích cơ quan điều tra?

Rất dễ nhận thấy là nhiều người đã không vượt qua được tình cảm thông thường.

Những thái độ thương cảm là đáng trân trọng. Nhưng tôi cho rằng, sự việc cần được nhìn nhận thấu đáo hơn. Trong vụ “hôi bia” này, ngoài thiệt hại về tài sản trực tiếp cho tài xế Hậu còn gây ra những hậu quả phi vật chất nữa mà nếu xem xét kỹ càng nó có thể ở mức “nghiêm trọng” như hướng dẫn của TAND tối cao. Thực tế, đây là hậu quả phi vật chất mang tính chất định tính, không thể cân đong đo đếm cụ thể được. Nhưng thực tế, khi vụ việc vừa xảy ra thì dư luận phẫn nộ, vì hành vi đáng xấu hổ này càng làm đạo đức xã hội xuống cấp. Đặc biệt, có đài truyền hình nước ngoài còn đưa tin, gây hình ảnh xấu của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Sẽ có nhiều người dễ dãi với những điều này và xuê xoa nói rằng: “không đáng, không nghiêm trọng” nên việc nghiêm trọng hay không còn tùy thuộc vào độ “khó - dễ”, tức sự phán xét của từng người. Nhưng chúng ta cần làm gì để hy vọng thay đổi những gì diễn ra trong xã hội hôm nay đang ẩn chứa nhiều bức xúc?

Còn nhớ, vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em ngay khi được thông tin đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Nhưng khi hình ảnh hai bảo mẫu này được đưa lên mặt báo, nhiều người bày tỏ sự thương cảm và cho rằng dư luận đang “ác”. Thế nhưng, họ quên rằng, hậu quả của các bảo mẫu này gây ra không chỉ là những tổn hại về sức khỏe đơn thuần của các bé mà hậu quả gây ra còn lớn hơn, tức nó sẽ tác động đến tâm lý, hằn sâu vào đầu các bé về những hành vi bạo lực. Đến đây, trộm nghĩ nhiều người tất sẽ nhìn thấy những hậu quả lâu dài về sau mà xã hội phải gánh chịu nếu vụ việc không sớm được phát hiện, xử lý. Thử hỏi, việc xử lý (đối với người vi phạm) và qua đó để răn đe (cả người khác) nhằm tạo một xã hội tích cực là có nên?

Như đã nói, sự thương cảm là điều đáng để vun đắp nhưng nếu quá cảm tính, nhiều lúc sẽ gây ra sự đảo lộn, trật tự xã hội rối ren.

Trật tự xã hội, chỉ đơn giản như việc xả rác bừa bãi, thích thì vượt đèn đỏ… sẽ khó mà lặp lại, nếu chúng ta giữ nếp nghĩ cũ, bị tình cảm bộc phát (cũng như lòng tham bộc phát khi thấy bia rơi nhào vô "hôi") che lấp những suy nghĩ đầy đủ, chính chắn.

Vân Sam (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một luật gia đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Vụ 'hôi bia': Tài xế Hậu chuyển trả gần 230 triệu cho các nhà hảo tâm
>> Tôi thấy có mình trong đám đông 'hôi bia
>> Vụ 'hôi bia': Tài xế không phải bồi thường thiệt hại số bia bị cướp
>> Tài xế xe tải bị ‘hôi bia’: ‘Tôi đã van xin nhưng họ vẫn ào vào lấy’
>> Vụ 'hôi bia' ở Đồng Nai: Công ty vận chuyển sẽ đền bù cho chủ hàng
>> Hôi bia': Nếu còn chút xấu hổ, hãy trả lại tiền cho chủ hàng
>> Tác giả tấm băng rôn 'xấu hổ' về hành động 'hôi bia' ở Đồng Nai là ai?
>> Treo băng rôn 'xấu hổ' về hành động 'hôi bia' ở Biên Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.