Lý sự với 'Truyền thông theo phong cách win-win'

21/07/2020 14:50 GMT+7

Truyền thông theo phong cách win-win đầy những câu chuyện cuốn hút vì thực sự có ích cho những người làm báo, lẫn truyền thông.

Lâu nay chỉ biết anh Phạm Tấn Lời là người làm truyền thông cho các tập đoàn kinh tế “có hạng” chứ không nghĩ là anh còn viết được cả sách, mà sách nói về những chuyện liên quan đến làm báo và công việc của người làm truyền thông hẳn hoi, dưới cái tên Phạm Sông Thu. Tên sách cũng gợi không ít tò mò cho người xem: Truyền thông theo phong cách win-win.
Cái thú của những anh lười đọc sách “cục gạch” (tức sách dày quá) như tôi là gặp những quyển sách khi mở bất cứ chỗ nào cũng có thể xem mà không sợ bị đứt quãng.
Mở chương nào của sách “win-win” này, tôi cũng có thể xem một cách hứng thú mà không sợ bị đứt quãng vì liên quan đến những chương trước đó. Mỗi phần trong sách đều đứng độc lập nhưng chúng lại kết dính với nhau để hình thành một bức tranh tổng thể về truyền thông thời nay.
Đọc lời giới thiệu mới biết, anh Phạm Sông Thu từng làm báo, mà toàn những báo “có cỡ”, hèn chi anh nói chuyện về nghề, rành rẽ đâu ra đó. Tức là tác giả viết về cái nghề mà mình từng trải qua hoặc viết về công việc mình đang làm chứ không phải hóng hớt, "nghe lóm" rồi viết thành sách.
Điều ấy rất khác với những quyển sách được gọi là “giáo trình báo chí” của những thầy giáo đứng trên bục giảng nhiều hơn là “đứng” ở các điểm nóng để tác nghiệp. Không ít sinh viên học báo chí hẳn hoi, nhưng khi tiếp cận công việc ngoài thực địa, tỏ ra lúng túng không biết xử lý thế nào. Thì đây là quyển sách, với nhiều chương, mục trong đó sẽ cung cấp cho bạn đọc một kinh nghiệm vậy.

Sách Truyền thông theo phong cách win-win

Ảnh: Trần Đăng

Đây không phải là quyển “cẩm nang dạy nghề”, tác giả chỉ kể lại sự việc mà mình hoặc là trực tiếp xử lý hoặc đã chứng kiến.
Nhà báo, nếu đọc những câu chuyện kể bằng những sự việc cụ thể ấy, tự mỗi người rút ra bài học cho mình khi tác nghiệp. Ví dụ như chuyện “con ruồi” trong chai nước “tăng lực” của "đốc tờ" Thanh dạo nào chẳng hạn. Tác giả không chỉ kể lại, đưa ra nhận định được-mất của câu chuyện mà còn lý giải theo cách của mình nếu được giao cho việc xử lý khủng hoảng truyền thông.
Các trường đào tạo ra các nhà báo tương lai chắc chắn là không nghĩ ra các “kịch bản” mà sinh viên của mình sau này gặp phải. Vì vậy, xử lý khủng hoảng truyền thông là một nghệ thuật, đòi hỏi cả kinh nghiệm lẫn sự thông minh của người trong cuộc. Xử lý không khéo không những không “win-win” mà còn trắng tay là đằng khác.

KOL - “con dao” hai lưỡi

Tác giả của cuốn Truyền thông theo phong cách win-win chia sẻ, với sự phổ biến của mạng xã hội như hiện nay, xử lý khủng hoảng theo mô hình truyền thông một chiều hay dùng quyền lực kinh tế để bóp nghẹt mầm mống khủng hoảng một cách cứng nhắc như trước đây, sẽ không còn nhiều tác dụng, thậm chí phản tác dụng...
Tuy nhiên, bản thân tác giả cũng thừa nhận “môi trường mạng xã hội ở Việt Nam đang như một bức tranh đầy sự hỗn độn”. Theo đó, việc sử dụng những người sở hữu tài khoản mạng xã hội có lượt đăng ký, theo dõi cao (thường được gọi là KOL, viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Key opinion leader - tức nhân vật có sức ảnh hưởng) chính là đang cầm vào “con dao hai lưỡi”, bởi KOL cũng chỉ là con người, có thể họ đúng ở vụ việc này, nhưng lại “lố” ở vụ việc khác. Việc doanh nghiệp quá phụ thuộc vào KOL có thể sẽ khiến doanh nghiệp “vạ lây”.
Truyền thông theo phong cách win-win, theo tác giả, có nghĩa là đôi bên cùng thắng, nhưng không có nghĩa là “thỏa hiệp”. Sự “cùng thắng” này phải dựa trên cơ sở chân thành, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, bản thân doanh nghiệp phải có những tiền đề phát triển bền vững.
Tác giả Phạm Sông Thu ví công việc quản lý truyền thông tốt, giống như một chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, trong đó dự báo trước các tình huống để không xảy ra khủng hoảng là cấp độ ưu tiên số 1. Để một sự cố xảy ra và xử lý khủng hoảng cũng giống như một người lính cứu hỏa - chỉ có thể cố gắng trong một thời gian nhanh nhất, hạn chế được thiệt hại...
Tác giả giả cho rằng, trong nguyên tắc xử lý khủng hoảng truyền thông, phải chân thành để cộng đồng có niềm tin; xử lý bằng cách dùng “thủ thuật” chỉ khiến cho một cuộc khủng hoảng truyền thông càng tồi tệ.
Xu hướng truyền thông đa phương tiện lên ngôi, người quản trị truyền thông phải thay đổi tư duy: tương tác, chia sẻ và dẫn dắt thông tin.
Thu Thủy 
Nhiều doanh nghiệp “có cỡ”, chỉ vì không khôn khéo trong xử lý khủng hoảng truyền thông mà dẫn đến những thua thiệt không đong đếm hết. Trong thời gian làm cho những tập đoàn kinh tế lớn, hẳn Phạm Sông Thu cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong câu chuyện “xử lý khủng hoảng” này.
Vì thế, tác giả của cuốn Truyền thông theo phong cách win-win không chỉ cung cấp cho những người đang làm truyền thông mà còn cho cả bên phía các nhà báo những kinh nghiệm để khi phải xử lý, cả hai cùng win-win vậy. Trước đây, ta thường nghe đến các khái niệm thắng-thua, bây giờ là win-win, cả hai cùng được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.