Mỗi tuần một bài hát xuân

'Ly rượu mừng' - giấc mơ Việt Nam

08/02/2024 10:00 GMT+7

Viết bài cuối cùng cho series 'Mỗi tuần một bài hát xuân' này, khi tôi nghe tới câu 'thoát ly đời gian lao nghèo khó...', tôi đã không cầm được nước mắt.

Tôi khóc vì mấy hôm nay đọc báo thấy nhiều người khó khăn trong cái tết, nên khi nghe đến những ca từ này của Ly rượu mừng thì chạm... Giấc mơ ấy dường như vẫn còn ám ảnh chúng ta.

'Ly rượu mừng' - giấc mơ Việt Nam- Ảnh 1.

Chúc mẹ một sớm quê hương...

Võ Thiện Thanh

Tôi khóc vì một bài hát mang một ước mơ thật chính đáng và thiết thực đã hơn 70 năm (nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác bài hát này năm 1952). Mơ ước ấy vẫn còn trên hành trình dài.

Lật tờ báo xuân, tôi thấy GS Nguyễn Lân Dũng viết một bài có tựa: "Một dân tộc thông minh thì không cam chịu nghèo nàn". Bài báo thật hay, nhưng cũng làm tôi chợt chạnh lòng. Chúng ta thông minh, vậy còn thiếu điều gì chăng... Có rất nhiều nguyên nhân mà báo chí đã phân tích trong suốt thời gian qua rồi. Giờ là thời khắc mà tất cả chúng ta cùng uống Ly rượu mừng và hướng tới tương lai để tin rằng mọi điều tốt đẹp hơn.

Hôm nay, tôi muốn viết cảm nhận của riêng mình về Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, một bài hát không thể không nhắc tới trong mỗi dịp xuân về, và nhất là gần tới thời khắc giao thừa xuân Giáp Thìn này.

Ly rượu mừng là bài hát có tuổi đời gần bằng tuổi cha mẹ của tôi. Khi tôi vẫn chưa được là cái phôi trong bụng mẹ, thì giấc mơ về một Việt Nam vững mạnh, hùng cường và ấm no đã vang lên khắp chốn rồi. Nó đã vang lên cách đây 72 năm rồi chứ không chỉ bây giờ:

"Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi

Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi

Người thương gia lợi tức

Người công nhân ấm no

Thoát ly đời gian lao nghèo khó"

Ước mơ ấy, hoài bão ấy, khát vọng ấy tết này vẫn đang được tô đậm, được nhấn mạnh bằng những hàng chữ mang màu sắc rực rỡ trên những trang báo xuân khắp mọi miền đất nước. Một lần nữa, những tờ báo xuân lại nhắc nhở chúng ta: “Giấc mơ vẫn còn đó, vẫn trên một hành trình dài”.

Có quá nhiều người kể về hoàn cảnh ra đời của Ly rượu mừng và hành trình của bài hát rồi. Xuân này, tôi chỉ muốn phân tích vì sao nó được xem là một trong những bài hát xuân hay nhất trong kho tàng các bài hát xuân Việt Nam.

Thật vậy! Để đủ sức chứa đựng một nội dung đồ sộ và lớn lao như thế, Ly rượu mừng có cấu trúc như một Rondo (*) trong hình hài một ca khúc vậy. Ở đó, các phiên khúc như những episode luân phiên nhau xoay quanh một điệp khúc. Chính các phiên khúc này mỗi lần quay trở lại đều thay đổi, mục đích là không bỏ sót một thành phần nào trong xã hội. Mỗi thành phần xã hội ấy tương ứng với một episode. Trong tính chất chung của điệu waltz với âm nhạc tươi sáng và lạc quan, nếu bạn để ý kỹ, sẽ thấy episode đại diện cho những người lính, những người hy sinh đời mình cho đất nước, giai điệu bỗng trầm buồn hơn khi nó được ly điệu về điệu thứ song song. Rồi lại tiếp tục về chủ âm bằng hình ảnh thật cảm xúc khiến ta liên tưởng đến người mẹ già trông ngóng đàn con là những chiến sĩ trở về:

"Rót thêm tràn đầy chén quan san

Chúc người binh sĩ lên đàng

Chiến đấu công thành

Sáng cuộc đời lành

Mừng người vì nước quên thân mình

Kìa nơi xa xa có bà mẹ già

Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa

Chúc bà một sớm quê hương

Bước con về hòa nỗi yêu thương"

Cách đây ít hôm, khi ngồi trò chuyện cuối năm với người anh là một đạo diễn, anh ấy có kể cho tôi nghe những tháng ngày anh ấy làm nghề và bức xúc ra sao khi hình ảnh người nghệ sĩ, những người với sứ mệnh đi tìm cái đẹp cho đời, đôi khi bị xúc phạm và anh ấy luôn luôn bảo vệ hình ảnh của đồng nghiệp mình khi có ai đó làm tổn thương đến người nghệ sĩ. Nhưng cũng có khi chính nghệ sĩ lại cũng tự làm xấu hình ảnh của chính mình. Hãy nghe một episode trong Ly rượu mừng nói về hình ảnh và sứ mệnh người nghệ sĩ:

“Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương

Xây tổ ấm trên cành yêu đương

Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ

Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới”

Chức năng người nghệ sĩ được ví như bài thơ và nét cọ để “chấm phá tô thêm đời mới". Sứ mệnh này hiện nay lại được một vài “nghệ sĩ” tự biến mình thành người “phục vụ, bưng bê” trên con đường tìm kiếm danh vọng. Cống hiến và phụng sự hoàn toàn không phải như thế! Hỡi những người nghệ sĩ:

‘Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ

Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới”

Hiếm có một bài hát về mùa xuân nào mà mọi thành phần trong một xã hội, trong một quốc gia lại được nhắc đến, được công nhận, được chúc lành và biết ơn bình đẳng với nhau như Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu không muốn nói là duy nhất. Đó là nguyên nhân vì sao bài hát được ví là “đệ nhất xuân ca”. Khi nó được cất lên trong những ngày xuân thì đồng nghĩa với sức mạnh cả một dân tộc gom về một mối.

Với một nội dung lớn lao nằm trong một hình thức đặc biệt như vậy, nên vấn đề phối khí và thể hiện Ly rượu mừng, theo tôi, không hề đơn giản. Và kể từ khi mới ra đời cho đến nay, bài hát giống như một con người “vĩ đại” lúc nào cũng trong một vẻ ngoài thật “khiêm tốn”. Nhưng Ly rượu mừng sẽ thật sự lớn lao hơn thế nếu nó đồng hành cùng một dàn nhạc giao hưởng để cất lên cái khát khao về một hành trình giấc mơ Việt, cùng với Xuân và tuổi trẻ để trở thành những khúc ca biểu tượng của mọi người Việt Nam!

Ly rượu mừng (sáng tác: Phạm Đình Chương, ca sĩ: Đức Tuấn, sản xuất âm nhạc: Ignace Lai)

Bản phối gần đây nhất cho Ly rượu mừng của ca sĩ Đức Tuấn rất gần với ý tưởng trên. Nhưng giá như người phối biết tiết chế hơn một chút nữa trong từng episode, không vội vã mà dâng từ từ đến cao trào, biết biến tấu hơn trong thủ pháp phối khí khi một episode mới xuất hiện, phần mix cho giọng Tuấn mạnh mẽ và uy lực hơn, dàn hợp xướng đầy đặn hơn, thì có lẽ đây là chiếc áo gần vừa nhất với những điều vô cùng lớn lao chứa đựng bên trong Ly rượu mừng.

'Ly rượu mừng' - giấc mơ Việt Nam- Ảnh 2.

"Nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hòa"

Võ Thiện Thanh

Ly rượu mừng đã từng lỗi hẹn với chúng ta 40 năm. Cùng với Xuân và tuổi trẻ, những khúc ca này phải được bảo tồn, trân trọng và đầu tư tương xứng để trở thành những điệu waltz huy hoàng và tráng lệ, mang tính biểu tượng nhất trong mỗi dịp xuân về. Tôi tin từ bây giờ và mãi mãi về sau, những khúc ca này sẽ luôn đồng hành cùng tất cả mọi người để cất lên ước mơ, hoài bão và khát vọng về một Việt Nam vững mạnh, hùng cường, mọi nhà đều ấm no và hạnh phúc vững bền. Nào hãy:

"Nhấc cao ly này

Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình

Muôn người hạnh phúc chan hòa”

Đó cũng chính là giấc mơ Việt Nam.

(*): Rondo là hình thức gồm nhiều phần, trong đó có một phần được nhắc lại nhiều lần (ít nhất 3 lần), gọi là chủ đề; xen kẽ giữa chủ đề là những phần khác nhau (episode) về nội dung được gọi là các đoạn chen.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.