Ly móng

10/04/2010 16:00 GMT+7

Ly móng là thuật ngữ y khoa ít người nghe đến, nhưng trong thực tế có nhiều người gặp phải tình trạng này.

Triệu chứng

Gần đây có một số bạn đọc gửi thư hỏi về nguyên nhân gây ly móng. Chẳng hạn như thư của một bạn nữ 28 tuổi tâm sự: “Tôi bị ly móng tay, móng chân đã 10 năm nay, xét nghiệm không có nấm, lớp da dưới móng dày và khô như cục chai, không đau, không ngứa, bôi nhiều loại thuốc trị nấm, thuốc trị viêm da nhưng không khỏi. Nay, qua Báo Thanh Niên, tôi nhờ bác sĩ tư vấn giúp cách chữa trị”.

Chúng tôi đem thắc mắc này hỏi bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, chuyên gia về da liễu, giảng viên bộ môn Da liễu (ĐH Y Dược TP.HCM), và được bác sĩ Sương cho biết như sau: Ly móng (Onycholysis) là một thuật ngữ y khoa để chỉ tình trạng phần phiến móng bên trên bị tách ra khỏi giường móng bên dưới. Với ly móng, các móng vẫn có thể phẳng phiu, bóng và không có phản ứng viêm. Màu sắc của móng có thể bình thường nhưng cũng có thể thay đổi do tình trạng nhiễm trùng thứ phát làm phía bên dưới của móng bị đổi màu. Móng bị tách bắt đầu từ phần xa của móng rồi đi lần vào bên trong; cũng có trường hợp móng bị tách ở phần gần, rồi lan dần ra phía bờ tự do bên ngoài nhưng hiếm hơn.

Rất nhiều nguyên nhân

Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly móng. Nguyên nhân bên trong cơ thể gây ly móng có thể đến từ các bệnh toàn thân như amyloid và đa u tủy, thiếu máu thiếu sắt, giãn phế quản, tiểu đường, cường và nhược giáp, bệnh phong, lupus ban đỏ, viêm khớp, giang mai… Ngoài ra, các bệnh lý ở da cũng có thể gây ly móng, đứng đầu là vảy nến, lichen phẳng, chàm; hoặc các u ác tính ở phổi hoặc ung thư tế bào vẩy ở giường móng.

Ly móng cũng có thể là một bất thường mang tính di truyền…

Còn nhóm nguyên nhân bên ngoài có thể là: các chấn thương cơ học hoặc hóa học (tình trạng tiếp xúc thường xuyên các hóa chất tẩy rửa, sơn, làm đẹp móng…), hoặc do nhiễm nấm, vi khuẩn, siêu vi hoặc do thuốc (rất nhiều thuốc có thể gây ly móng).

Việc điều trị ly móng, theo bác sĩ Bạch Sương thường thay đổi, phụ thuộc vào việc xử lý các nguyên nhân, chứ không chỉ tập trung vào nguyên nhân nhiễm nấm và viêm da như thư của bạn đọc trên cho biết. Với những trường hợp bị ly móng, trước mắt, cần tránh các chấn thương gây ảnh hưởng trên móng, luôn giữ móng khô sạch, hạn chế tiếp xúc chất tẩy rửa, chất giữ ẩm… Nếu không khỏi thì cần đến bác sĩ để được tư vấn, chữa trị thích hợp. 

Thanh Tùng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.