Lý Hùng: Từng có hãng phim trả 60 cây vàng để mời nhưng tôi không nhận lời

21/01/2022 06:53 GMT+7

Xuất hiện trong chương trình Hạnh phúc ở đâu , diễn viên Lý Hùng đã có những chia sẻ về chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình. Bên cạnh đó, nam diễn viên cũng tiết lộ về cát sê 'khủng' ở thời đỉnh cao.

Lý Hùng cho rằng vì cát sê cao mà tham gia những bộ phim không chỉn chu, nghiêm túc giống như đánh đổi tên tuổi của mình vì tiền

chụp màn hình

Lý Hùng cho biết vai diễn đầu tiên mà anh đảm nhận là trong bộ phim Phượng, lúc chỉ mới 12 tuổi. Theo như lời kể của nam tài tử, thời điểm đó anh đang đi chơi với NSND Lý Huỳnh thì được đạo diễn “chọn đại” vào vai một cậu bé bán báo do thiếu người. Phân cảnh của cậu bé trong phim là dùng súng bắn giả vào mông ông cảnh sát sau đó phải chạy thật nhanh. Vì chưa từng diễn bao giờ, Lý Hùng đã dùng súng bắn thật khiến nam diễn viên kia tức giận. Sau đó, đạo diễn phải giải thích và anh cũng bước đến xin lỗi. Đó là kỷ niệm mà Lý Hùng không bao giờ quên. "Từ đó tôi cũng thấy vui và bắt đầu đam mê phim. Sau đó, bác Cao Thụy mời tôi thử vai cho phim Đàn chim và cơn bão, tôi vào vai một cậu bé bụi đời. Tôi vào thử vai, mình có lợi thế về võ nữa nên diễn rất nhanh. Đúng 3 ngày sau, bác chọn tôi vào vai chính Dũng lì cho phim luôn", anh kể.

Từ thành công của bộ phim này, con trai Lý Huỳnh được các đạo diễn chú ý và mời phim rất nhiều. Thời điểm mới vào trường học, nam tài tử đã "bỏ túi" cho mình được khoảng 5, 6 vai chính. Anh cho hay: "Lớp của tôi là lớp Điện ảnh Việt Nam, khóa tôi tuyển sinh khó lắm. Tôi nhớ từ Đà Nẵng đổ vào miền Nam nhưng chỉ lấy khoảng 20 người. Thầy cô chọn kỹ và có sự đào tạo, chọn lọc. Tôi vào chung lớp với Diễm Hương, Lê Tuấn Anh, Ngọc Hiệp, Thiệu Ánh Dương, Võ Thế Vỹ... và cũng còn rất nhiều diễn viên nổi tiếng khác. Những lớp khác chỉ cần 2, 3 người nổi tiếng là thầy cô mừng lắm rồi, vậy mà lớp tôi nổi tiếng hơn một nửa".

Vai chính đầu tiên của Lý Hùng là nhân vật Dũng lì trong bộ phim Đàn chim và cơn bão

chụp màn hình

Tuy nhiên, Lý Hùng cho rằng thời của anh muốn nổi tiếng không hề dễ dàng và cũng không giống như các thế hệ đàn em hiện nay. Anh kể, khi diễn viên đóng phim, báo muốn đăng cũng mất từ 3-5 ngày, sau đó khán giả mua báo thì mới biết. "Chứ không phải như bây giờ, chỉ cần 30 giây là họ biết mình đang ở đâu, làm gì. Chính vì như thế mà tôi mới nói, nghệ sĩ là phải tôn trọng nghề, phải đam mê và khổ luyện mỗi ngày thì nghề không phụ mình. Muốn tồn tại lâu thì phải như thế, đừng dùng từ ăn may...", anh quan niệm.

Theo Lý Hùng, với nghệ sĩ thì cha nổi tiếng nhưng chưa chắc con cũng nổi tiếng. Bởi nghệ thuật là phải có máu nghề, phải học tập, siêng năng, đam mê, yêu nghề và tôn trọng nghề. Nam tài tử nhớ mãi câu nói người thầy của mình: "Mình nổi tiếng là trăm điều khó, mà giữ được tiếng thì ngàn lần khó hơn".

Nam diễn viên cho rằng nghệ sĩ muốn tồn tại lâu thì phải tôn trọng nghề, đam mê và khổ luyện mỗi ngày chứ không thể ăn may

chụp màn hình

Diễn viên Tây Sơn hào kiệt cho hay thời của anh một bộ phim chiếu rạp khoảng 90 phút phải quay từ 3-5 tháng. Điển hình là bộ phim Phạm Công Cúc Hoa, nam diễn viên tiết lộ mình quay suốt 4 tháng, phải đi từ Sài Gòn ra tới Huế. "Tôi còn nhớ có mình, Diễm Hương và nghệ sĩ cải lương Thoại Mỹ ngồi trong xe mà không có điều hòa. Thời đó đường xá ổ voi ổ gà nhiều kinh khủng, đoạn từ Phan Thiết ra tới Nha Trang mà đi gần 1 ngày. Thời đó đi đóng phim cực lắm, không sung sướng như bây giờ", Lý Hùng tâm sự.

Cũng trong chương trình, Lý Hùng có những chia sẻ thẳng thắn về chuyện làm phim "mì ăn liền" giai đoạn thập niên 90. Nam diễn viên cho biết thời điểm đó phim chiếu rạp rất hút khán giả. Nếu hãng phim nào làm một cách nghiêm túc, chỉn chu thì khán giả đều xếp hàng để coi. Anh nhận định: "Có thể nói lúc đó điện ảnh đang thịnh vượng, hốt bạc về doanh thu. Một số hãng phim, nhà đầu tư họ thấy hay quá, họ làm phim dạng thâu tiếng trước, diễn viên ra múa múa nhép nhép, cũng bán vé giống vậy. Khán giả là một ban giám khảo rất công bằng. Khi coi phim đó xong, họ bất mãn và tẩy chay điện ảnh luôn. Họ mua vé coi, bắt họ ngồi 90 phút mà như tra tấn họ".

Lý Hùng khẳng định mình có nhiều hi sinh với nghề mới có được tên tuổi như ngày hôm nay

chụp màn hình

Lý Hùng cũng tiết lộ, thời điểm đó có rất nhiều hãng phim mời mình tham gia, sẵn sàng trả cát sê rất cao song anh vẫn không nhận lời. "Cát sê của tôi thời đó là 30 triệu, tính ra là 60 cây vàng, bây giờ là khoảng 2 tỉ. Các hãng phim sẵn sàng trả vậy luôn, tôi vẫn không nhận lời. Không bao giờ tôi đóng, tại vì như vậy giống như mình đánh đổi tên tuổi của mình vì tiền, tôi không làm. Sau đó, điện ảnh thập niên 90 bắt đầu đi xuống, họ mới nói là phim "mì ăn liền" và chưa bao giờ tôi tham gia những phim đó. Để tôi khẳng định được đến ngày hôm nay, trên tay tôi toàn là sẹo, những bộ phim hành động mình làm thật, mình phải hi sinh với nghề mới được tên tuổi như ngày hôm nay", con trai Lý Huỳnh bộc bạch.

Khi tham gia một bộ phim, nam diễn viên nói anh luôn đọc kịch bản xem có phù hợp với mình hay không rồi mới nhận lời. Lý Hùng tự nhận mình may mắn, được khán giả khen đa tài bởi có thể vào được tất cả loại vai chứ không đóng khung ở dạng vai nào. Sao phim Ngọc trong đá bày tỏ: "Thời của tôi có anh Lê Tuấn Anh, ảnh nam tính, lãng tử nên hay vào những vai cá tính, hơi đểu. Anh Lê Công Tuấn Anh cũng rất nổi tiếng, ảnh đóng những vai sinh viên, khán giả thích lắm. Còn tôi thì tham gia nhiều loại, đóng sinh viên được, đóng cổ trang, phim hành động, tình cảm xã hội đều được. Tôi may mắn là các loại vai đều tham gia chứ không đo ni đóng giày một thể loại nào cả".

Nam diễn viên bày tỏ NSND Lý Huỳnh vừa là cha và vừa là người thầy đưa mình vào nghề

chụp màn hình

Nhắc đến NSND Lý Huỳnh, nam diễn viên Bạch Công Cúc Hoa thể hiện sự tự hào và hạnh phúc. Lý Hùng nói rằng tính mình gần gũi, hòa đồng cũng là học được từ cha bởi "ba tôi sống rất hòa đồng, bình dân". Sau khi nghệ sĩ Lý Huỳnh qua đời, gia đình thường xuyên thực hiện các dự án thiện nguyện theo đúng tâm nguyện của ông. "Ba tôi mất cũng đã được 1 năm rồi. Những nguyện vọng của ba, tôi và gia đình đã hoàn thành. Ba vừa là người cha, vừa là người thầy đưa tôi vào nghề. Khi ba mất, ba có ước nguyện xây chiếc cầu ở Vĩnh Long, nơi quê hương ba sinh ra. Ba thấy các em học sinh qua sông vất vả quá, nên trong năm 2022, chiếc cầu sẽ được khánh thành", anh bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.