Lý giải tình trạng mệt mỏi sau bữa ăn

07/08/2023 15:42 GMT+7

Ăn quá nhiều hoặc ăn nhiều thực phẩm khó tiêu hóa có thể khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi sau bữa ăn.

Sau một buổi sáng bận rộn, bữa trưa là cần thiết để tiếp thêm năng lượng cho cơ thể. Nhưng đôi khi, bữa trưa lại là tác nhân chính khiến bạn muốn chợp mắt ngay tại bàn làm việc.

Theo đài CNN, cảm giác mệt mỏi sau bữa ăn còn được gọi là buồn ngủ sau ăn. Hiện tượng này chủ yếu là do sau khi ăn, cơ thể có thể sản xuất nhiều serotonin - chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh giấc ngủ và tâm trạng. Chất này có thể được sản xuất nhiều hơn nếu trong bữa ăn có nhiều axit amin tryptophan - loại axit amin có nhiều trong thịt gà, phô mai và cá.

Dưới đây là một số nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng mệt mỏi sau khi ăn.

Lý giải tình trạng mệt mỏi sau bữa ăn - Ảnh 1.

Việc ăn quá nhiều thức ăn sẽ thúc đẩy cơ thể dễ mệt hơn

Shutterstock

Bữa ăn có quá nhiều thức ăn hoặc nhiều đường

Việc ăn quá nhiều thức ăn sẽ làm cơ thể dễ mệt mỏi hơn. Theo bà Julie Stefanski, chuyên gia tại Viện Dinh dưỡng và chế độ ăn Mỹ, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi sau bữa ăn thì nên cân nhắc việc ăn chậm lại và cắt giảm khẩu phần ăn một chút. 

"Bởi vì bất kể ăn gì, cho dù đó là tinh bột, chất béo, protein, nếu bạn ăn quá nhiều thì cơ thể sẽ mất nhiều thời gian để tiêu hóa lượng thức ăn đó", bà Stefanski nói.

Ngoài ra, thành phần của một số loại thực phẩm có thể góp phần gây ra cảm giác mệt mỏi. Chất béo là chất dinh dưỡng khó tiêu hóa nhất vì các phân tử của chúng lớn hơn nhiều so với protein hoặc tinh bột. Nếu bạn đã ăn một bữa ăn nhiều chất béo, như đồ chiên rán hoặc bánh pizza, sẽ khiến bạn cảm thấy dễ mệt mỏi hơn.

Các bữa ăn nhiều đường bổ sung như mật ong, siro cũng có thể làm cơ thể dễ mệt mỏi hơn.

Bà Stefanski cho biết đồ uống có đường cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn. Ngoài ra, rượu là một loại thuốc an thần cũng có thể gây nên hiện tượng tương tự.

Chất lượng giấc ngủ kém

Theo CNN, giấc ngủ giúp điều chỉnh nội tiết tố, bao gồm nội tiết tố tiêu hóa. Và nếu bạn bị thiếu ngủ, cơ thể bạn có khả năng ức chế các hormone thèm ăn hoặc báo hiệu đã no.

Không được nghỉ ngơi đầy đủ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ra quyết định, điều tiết cảm xúc và khả năng não điều chỉnh lượng thức ăn nạp vào. Điều này khiến bạn khó cưỡng lại cảm giác thèm ăn. Do đó, cơ thể sẽ có xu hướng tiêu thụ thức ăn nhiều hơn và gây nên cảm giác mệt mỏi.

Các chuyên gia khuyên bạn nên ngủ đủ từ 7 đến 9 giờ/đêm trong căn phòng mát mẻ, yên tĩnh. Ngoài ra, bạn nên tránh dùng caffein ít nhất 6 giờ trước khi ngủ để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.