Lý do khó tin khiến một số đội tuyển bị “cấm cửa” dự Euro và World Cup

29/09/2022 20:43 GMT+7

Trong lịch sử, đã có những đội tuyển bóng đá từng bị cấm ở các kỳ Euro và World Cup . Vì những lí do khác nhau từ bất ổn chính trị, xã hội, có chiến tranh và thậm chí là…vu khống. Hãy cùng điểm qua một số trường hợp trong video này nhé!

Đức: Phát-xít không phải là lí do

World Cup 1950 ở Brazil là kỳ giải đầu tiên được tổ chức kể từ sau Thế chiến II. Ban đầu có 16 đội nhưng sau khi Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Scotland rút lui thì giải đấu chỉ còn lại 13 cái tên tranh tài. Trở lại với chủ đề chính, đội tuyển Đức mất quyền tham dự World Cup 1950 không phải do đất nước của họ là theo phe phát xít trong Thế chiến II. Bằng chứng là một đất nước thuộc phe phát-xít khác là Ý vẫn có mặt tại giải đấu. Đức đã thay đổi rất nhiều vấn đề xã hội sau Thế chiến II, trong đó có cả bóng đá. Và vào thời điểm diễn ra World Cup 1950, Đức vẫn chưa được duyệt cho gia nhập lại Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vì vậy nên không thể tham dự giải đấu năm 1950.

Nam Phi: Chủ nghĩa A-pac-thai

6 kỳ giải liên tiếp từ 1970 đến 1990 là giai đoạn mà Nam Phi bị cấm tham dự World Cup. Chưa đội tuyển nào trên thế giới bị cấm khỏi những kì World Cup lâu như vậy. Nguyên nhân là bởi vào năm 1948, tân thủ tướng Daniel Francois Malan, đã áp dụng chính sách phân biệt chủng tộc, thứ mà được nhiều người biết đến với cái tên chủ nghĩa A-pac-thai lên đất nước Nam Phi. Tóm tắt về A-pac-thai thì chủ nghĩa này đảm bảo rằng Nam Phi bị thống trị về mặt chính trị, xã hội và kinh tế bởi người da trắng, vốn chiếm thiểu số của quốc gia (khoảng 19%). Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cũng không phải là ngoại lệ.Sau đó, đã có một phong trào tẩy chay thể thao Nam Phi ở quốc tế để phản đối A-pac-thai. Năm 1957, Nam Phi bị loại khỏi CAN Cup, và chỉ một năm sau đó, họ bị Liên đoàn bóng đá châu Phi khai trừ. Và cho đến thập niên 70 của thế kỉ trước, phong trào chống A-pac-thai được đẩy lên cao trào, Nam Phi bị cấm tham dự World Cup và cho đến khi chế độ A-pac-thai được lật đổ vào năm 1992, lệnh cấm được xóa bỏ.

Chile: Roberto Rojas và “vết cắt phẩm giá” tại Maracana

Brazil tiếp đón Chile trên sân vận động Maracana để tranh tấm vé duy nhất của bảng đấu đến với World Cup 1990. Phút 67, các vũ công Samba đang dẫn 1-0, một tỷ số rất ổn để họ đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, thậm chí chỉ cần hòa thôi Brazil cũng sẽ có vé.Lúc này, đột nhiên Roberto Rojas, thủ môn của đội tuyển Chile gục xuống sân, và bên cạnh anh là một quả pháo sáng. Sau một hồi hỗn loạn, Rojas được đưa ra khỏi sân với gương mặt đầy máu, trận đấu phải tạm dừng. Anh và các cầu thủ Chile cáo buộc quả pháo sáng được ném từ khán đài kia là tác nhân khiến cho mình bị thương và chuẩn bị kiện lên FIFA và CONMEBOL. Người Chile hy vọng điều này sẽ khiến Brazil bị xử thua, nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Argentina Ricardo Alfieri đã tố cáo Rojas. Quả pháo sáng đã không rơi trúng Rojas, nó rơi bên cạnh anh. “Rojas gục xuống giữa quả pháo sáng, và tấm tiếp theo tôi chụp anh ta thì Rojas đã đầy máu. Tôi có ấn tượng là nó (quả pháo sáng) không rơi trúng anh ta, nhưng thật mâu thuẫn, vậy sao anh ta lại chảy máu? Đây là năm 1989, bạn không thể tưởng tượng một vận động viên chuyên nghiệp lại thi đấu với một con dao ở trong găng tay.” Alfieri trả lời tờ Goal. Roberto Rojas đã tự cắt vào đầu mình bằng con dao ở trong găng tay. Vết cắt mà sau này khi nhớ lại, anh bảo đó là “vết cắt vào phẩm giá của bản thân”. Vì vụ việc này, đội tuyển Chile bị xử thua 0-2 và bị cấm thi đấu ở World Cup 1994. Rojas và một số đồng đội cùng quan chức bóng đá Chile có liên quan bị nhận lệnh cấm vĩnh viễn khỏi hoạt động bóng đá của FIFA. Đến năm 2000, Rojas được tha thứ và bỏ lệnh cấm bởi FIFA.

Nam Tư: Lệnh cấm từ Liên Hợp Quốc và UEFA

Ngày 30.5.1992, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết thứ 9 về vấn đề Chiến tranh Nam Tư – Nghị quyết 757. Nghị quyết được đưa ra nhằm khẳng định lại 8 nghị quyết trước đó và áp đặt lệnh trừng phạt lên Nam Tư trên mọi mặt kinh tế, quân sự, khoa học kĩ thuật, thể thao...Nội dung nghị quyết nêu rõ: “Thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn sự tham gia vào các sự kiện thể thao trên lãnh thổ các thành viên Liên Hợp Quốc của những người hoặc nhóm đại diện cho Cộng hòa Liên bang Nam Tư (Serbia và Montenegro)”’.Và chỉ một ngày sau, ngày 31.5.1992, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã tuyên bố loại Nam Tư khỏi kì Euro 1992 ở Thụy Điển, chỉ 10 ngày trước trận khai mạc.Miljan Miljanic, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nam Tư khi đó đã gọi các biện pháp trừng phạt là “khắc nghiệt nhất được thực hiện trong lịch sử thể thao quốc tế và là một hành động gây hấn chống lại bóng đá.” Cùng năm đó, Ủy ban Olympic Nam Tư cũng bị Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) rút thư mời tham dự Thế vận hội mùa hè 1992 tại Barcelona, nhưng các vận động viên của Nam Tư vẫn có thể tham dự với tư cách độc lập (tương tự Nga ở Olympics 2018).Sau đó, đội tuyển Nam Tư (lúc này chỉ còn lại Serbia và Montenegro) tiếp tục bị cấm khỏi World Cup 1994 và Euro 96. Họ quay trở lại với đấu trường quốc tế ở World Cup 1998, vào đến vòng 1/16.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.