Lý do khiến Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con

30/10/2015 17:00 GMT+7

(TNO) Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29.10 thông báo bãi bỏ chính sách một con tồn tại trong suốt 35 năm qua ở nước này. Lý do thực sự của sự thay đổi này là gì?

(TNO) Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29.10 thông báo bãi bỏ chính sách một con tồn tại trong suốt 35 năm qua ở nước này. Lý do thực sự của sự thay đổi này là gì?

Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con được cho là vì lý do kinh tế - Ảnh: ReutersTrung Quốc bãi bỏ chính sách một con được cho là vì lý do kinh tế - Ảnh: Reuters
Với dân số 1,4 tỉ người, Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới. Chính sách một con được ban hành vào năm 1979 với mục tiêu kiểm soát cuộc khủng hoảng về dân số đã khiến nước này khó khăn để đáp ứng nhu cầu về nước và các nguồn tài nguyên khác. Theo chính phủ Trung Quốc, chính sách này đã ngăn chặn được khoảng 400 triệu ca sinh đẻ, theo NBC News ngày 29.10. Chính sách một con đã tác động lớn đến xã hội, kinh tế và bản sắc Trung Quốc, bị chỉ trích đã kéo theo tình trạng nạo phá thai, triệt sản, mất cân bằng giới tính, nạn buôn bán trẻ em.
Chính sách cũ chẳng đi đến đâu
Các hộ dân ở nông thôn và tộc người thiểu số từ lâu được phép có 2 con mà không bị phạt nếu con đầu là nữ. Năm 2013, các cặp vợ chồng là con một cũng được phép sinh 2 con. Khi tầng lớp trung lưu tăng dần lên và thu nhập tăng, nhiều cặp vợ chồng dư dả ra nước ngoài để sinh con, gần thì tại Hồng Kông, còn xa thì sang Mỹ, tạo ra ngành công nghiệp du lịch sinh con. Vì vậy, đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định xóa bỏ chính sách một con tồn tại từ lâu.
Dân số già đi trong khi không thể duy trì lực lượng lao động giá rẻ khiến đảng Cộng sản Trung Quốc phải bãi bỏ chính sách 1 con - Ảnh: Reuters
Lý do kinh tế
Năm 2013, chính phủ thông báo sáp nhập cơ quan giám sát chính sách một con là Ủy ban kế hoạch hóa gia đình và dân số quốc gia vào Bộ Y tế. Và sau đó chính phủ cũng chuyển trách nhiệm lên kế hoạch nhân khẩu cho cơ quan lên kế hoạch kinh tế là Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia.
Kinh tế chính là yếu tố quyết định khiến Trung Quốc thay đổi chính sách tồn tại hàng thập niên này, theo NBC News. Một trong những thách thức thúc đẩy Trung Quốc tạo ra sự thay đổi, từ một gã khổng lồ về sản xuất hàng thứ cấp trở thành nền kinh tế hàng đầu về tiêu dùng, chính vì nước này không thể duy trì được lực lượng lao động giá rẻ.
Trung Quốc hiện không có đủ người trẻ để tăng cường nguồn lao động giá rẻ cho các ngành công nghiệp sử dụng lao động phổ thông. BBC dẫn dữ liệu của công ty thống kê Statista cho biết, đến năm 2050, một phần tư dân số Trung Quốc ở độ tuổi 65 trở lên.
Lý do thứ hai là vì dân số Trung Quốc đang già đi nhưng không có đủ sự chăm sóc. Gánh nặng đổ dồn lên vai con cái họ. Những cặp vợ chồng chỉ có một con, thì đứa con đó đương nhiên phải một mình chăm sóc cho cả cha mẹ lẫn ông bà, thay vì được san sẻ nếu có anh chị em.
Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng thậm chí không đủ khả năng để sinh con thứ hai. Theo NBC News, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc năm 2007 khi được hỏi muốn có 2 con không, đều trả lời là không. Chi phí cho cuộc sống tại các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải rất đắt đỏ và họ muốn dồn hết mọi điều tốt đẹp cho đứa con duy nhất. Cuộc cải cách chính sách năm 2013 cũng không làm câu trả lời khác đi.
“Chúng tôi thiếu sự hỗ trợ từ xã hội đối với các gia đình 2 con. Trung Quốc không cung cấp trợ cấp cũng như giáo dục miễn phí”, một người dân Bắc Kinh nói.
Các nhà nhân khẩu học cũng cho rằng việc thay đổi cũng không có nghĩa là sẽ làm đảo ngược tình trạng tỉ lệ sinh giảm, và việc đảng Cộng sản Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con là một quyết định chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn.
Hãng truyền thông BBC ngày 30.10 đã đưa ra 5 con số thống kê về dân số Trung Quốc dưới thời chính sách một con được áp dụng:
1. Giảm bớt được 400 triệu ca sinh: Chính phủ Trung Quốc cho hay từ khi chính sách một con chính thức được áp dụng năm 1979, nước này đã giảm được 400 triệu ca sinh.
2. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em là 21 nam/28 nữ: Chính sách một con được cho là đã khiến cho nhiều gia đình phải bỏ đi con gái vì họ cho rằng con gái ít có khả năng được trả lương cao hơn con trai sau này, bên cạnh đó là điều kiện sức khỏe và dinh dưỡng cho con trai cũng là một nguyên nhân.
3. 1,16 bé trai trên mỗi bé gái: Cứ mỗi bé gái được sinh ra thì có 1,16 bé trai tương ứng, theo Tân Hoa xã. Sự lựa chọn giới tính khi sinh được cho là nguyên nhân của sự mất cân bằng này.
4. Công thức 4-2-1: Dân số Trung Quốc già đi khi chính sách một con được áp dụng khiến cho các gia đình thường có tỉ lệ 4 ông bà (nội ngoại), 2 bố mẹ và 1 con. Gánh nặng sẽ đặt nhiều hơn lên vai người mẹ và người con trong vai trò chăm sóc.
5. Trung Quốc đã thu được 2.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 315 tỉ USD) tiền phạt từ các gia đình sinh quá quy định từ năm 1980. Trường hợp nặng nhất là đạo diễn Trương Nghệ Mưu và vợ với số tiền phạt là 7,5 triệu nhân dân tệ (1,2 triệu USD) vì sinh con thứ ba hồi năm 2014.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.