‘Luyện gà chọi’ tìm học bổng du học - Kỳ 2: Có cần khổ luyện?

26/07/2014 03:00 GMT+7

Có phải chỉ cần khổ luyện là học sinh sẽ nhận được học bổng các trường ĐH hàng đầu trên thế giới như mong muốn? Phải chăng ai vào học các trường tốp đầu rồi cũng hạnh phúc, thành công trong cuộc sống?

Có phải chỉ cần khổ luyện là học sinh sẽ nhận được học bổng các trường ĐH hàng đầu trên thế giới như mong muốn? Phải chăng ai vào học các trường tốp đầu rồi cũng hạnh phúc, thành công trong cuộc sống?

‘Luyện gà chọi’ tìm học bổng du học: Có cần khổ luyện?
Các buổi triển lãm du học Mỹ thường thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh và phụ huynh - Ảnh: Đăng Nguyên

Rèn từ lúc 10 tuổi

Năm 2011, cuốn sách Khúc chiến ca của mẹ Hổ ra đời lập tức gây ra những cuộc tranh cãi kịch liệt về phương pháp dạy con trên thế giới. Đây là cuốn hồi ký của Amy Chua, 49 tuổi, giảng viên ĐH Yale (Mỹ). Bằng cách dạy con hà khắc, khổ luyện, con gái đầu của Amy Chua, đã đỗ liền một lúc hai trường ĐH danh tiếng nhất nước Mỹ là Harvard và Yale.

Ở các nước châu Á, việc phụ huynh buộc con học ngày đêm ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ để được vào các trường ĐH danh giá trong nước và thế giới cũng không phải hiếm và cũng gây nhiều tranh cãi.

Theo “trường phái” buộc phải rèn luyện, tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tổ chức giáo dục Mỹ, cho rằng các nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy không có gì là “bí mật” trong công thức để đạt được thành công. Ông dẫn chứng rằng những nghiên cứu mới nhất về thần kinh học chỉ ra công thức chung cho sự thành công kiệt xuất là luyện tập có chủ đích khoảng 10.000 giờ. Nếu mỗi ngày luyện tập 5 giờ, theo công thức này, cần phải bền bỉ luyện tập có chủ đích trong khoảng 2.000 ngày, tức là khoảng gần 6 năm.

Vì vậy, theo ông Toàn, học sinh nên được luyện từ độ tuổi khoảng 10 - 14 là tốt nhất. Mỗi năm có hàng trăm nghìn bộ hồ sơ gửi về xin học tại mỗi trường trong nhóm tốp đầu ở Mỹ. Học sinh nộp hồ sơ dự tuyển đều là những gương mặt xuất sắc đến từ khắp nơi trên thế giới. Tỷ lệ “chọi” vì thế thường là một với hàng nghìn và ai cũng có thành tích cao ở bậc học phổ thông, có điểm TOEFL, SAT cao. Các trường dùng các loại điểm số này để “sàng gạo”, gạt bớt các ứng viên không có thành tích học tập xuất sắc. Con số còn lại vẫn còn rất lớn, và họ phải dựa vào các tiêu chí khác, thí dụ như khả năng lãnh đạo, tranh luận, hùng biện và viết luận, kiến thức và kinh nghiệm về xã hội cũng như các hoạt động ngoại khóa độc đáo. Do đó, các phụ huynh và học sinh chỉ tập trung vào luyện thi TOEFL và SAT thường ngậm ngùi chấp nhận thất bại. Những người biết “luật chơi trường tốp” thì khác, họ biết đưa con vào các trung tâm “luyện gà chọi” kiểu mới - để đạt “giấc mơ Harvard” từ khi còn bé.

Lựa chọn vừa sức để đi đường dài

Ngược lại, ông Trần Thắng, Chủ tịch Hội Văn hóa và giáo dục VN tại Mỹ (IVCE), cho rằng việc luyện tiếng Anh, các kỹ năng làm dày hồ sơ để xin học bổng các trường ĐH tại Mỹ cũng tốt. Tuy nhiên, học sinh cần xác định rõ kế hoạch dài hơi cho mình trước khi đi du học.

Theo ông Thắng, học sinh tại các trường THPT của Mỹ đã được đào tạo với nền giáo dục Mỹ, đọc rất nhiều sách, viết bài luận… Học ĐH đối với những học sinh này chỉ là tiếp tục học ở mức độ cao hơn sau THPT. Học sinh VN rất yếu ở mảng này và khó cạnh tranh được với học sinh Mỹ. Còn để học ở các trường hàng đầu, tốt nhất là học 4 năm phổ thông trước tại Mỹ, sau đó mới vào ĐH ở nước này.

Cũng theo ông Thắng thước đo thành công của sinh viên học tại các trường như Harvard, Stanford, Princeton... là học lên tiến sĩ chứ không phải học xong cử nhân để đi làm việc. 95% sinh viên học tại các trường này đều xác định sẽ học lên các bậc cao hơn. Du học sinh VN thành công tại các trường này là hết sức hiếm hoi. Vì vậy, sẽ không có vấn đề gì nếu học sinh chọn  học tại các trường xếp hạng khoảng 30 - 50.

Trong khi đó, theo một chuyên gia của trung tâm du học ở TP.HCM, khuyên phụ huynh cần nhận biết sự khác biệt trong cách thức tuyển sinh của các trường. Đừng nghĩ đã ôn thi chắc chắn có học bổng. Việc chuẩn bị này là để có một bộ hồ sơ mang tính cạnh tranh và nộp cho nhiều trường. Dựa vào các kỹ năng như phát biểu trước đám đông, hoạt động xã hội... có nhiều trường sẽ cấp học bổng. Nhưng có nhiều trường khác, như ĐH Yale, còn bắt buộc học sinh phải có ý thức xã hội, việc kiểm tra không chỉ trên giấy tờ mà còn phỏng vấn trực tiếp...

Ý kiến:

“Nếu không trải qua khóa luyện, việc xin học bổng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Vì trước đó, học sinh ít có kinh nghiệm làm hồ sơ, và thường làm bài luận cũng không tốt lắm. Học sinh cũng không biết sử dụng những điểm nào về bản thân để tạo sự khác biệt trong hồ sơ để dễ được chấp nhận học bổng hơn”.

 Nguyễn Phan Tài Vương
(Người được 7 trường ĐH của Mỹ cấp các suất học bổng cao, trong đó có học bổng toàn phần của University of Kansas)

“Em đã tìm hiểu về thông tin các trường, về học bổng ở khắp nơi trên thế giới. Bắt đầu bằng việc học tiếng Anh để hoàn thành hồ sơ. Sau khi hoàn thành hết các thủ tục hồ sơ là đến lúc những căng thẳng cho 2 tháng học ôn. Mỗi ngày về nhà, em thường dành một đến hai giờ cho việc đọc tài liệu trên mạng liên quan đến ngành học, tra từ mới và học một ngày vài lần”.

Nguyễn Khắc Tâm
(Người trúng tuyển ngành công nghệ thông tin kinh doanh Trường ĐH Khoa học ứng dụng Lahti (Phần Lan) với số điểm 82/100 điểm, trong khi điểm chuẩn của trường là 50/100)

Bao nhiêu tiền cho “giấc mơ Harvard” ?

 “Giấc mơ Harvard” là khái niệm nói riêng cho giấc mơ vào trường ĐH này của học sinh trên thế giới, cũng có thể là khái niệm nói chung cho tất cả những người muốn xin học bổng vào học tại các trường ĐH hàng đầu trên thế giới. Để hiện thực hóa giấc mơ này, ở rất nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada..., những “lò luyện” mọc lên ở khắp nơi. Tại VN, muốn tìm học bổng các trường ĐH Mỹ, nếu từ lớp 4 học sinh bắt đầu luyện đến khi học lớp 11 thì học phí khoảng trên 500 triệu đồng. Lớp luyện đầu vào du học Phần Lan có học phí 1.000 USD (trên 21 triệu đồng) học trong 2 tháng.

Cần khả năng tự lực của mỗi người

Hầu như bất cứ ai trước khi đi du học đều phải trải qua một hay nhiều đợt luyện thi. Mà đã gọi là luyện thi thì phải có thầy chỉ dẫn. Tuy nhiên, khác với cách luyện theo kiểu “học tủ” hay gặp trong nước, việc luyện thi nhắm đến những trường ĐH ở nước ngoài thường tập trung rèn luyện cho học viên những kỹ năng và khả năng tư duy, các mẹo để có thể làm tốt những bài kiểm tra tiêu chuẩn như TOEFL, IELTS, SAT, GMAT, GRE...

Tôi cho rằng, những ai được luyện thi thì vẫn tốt hơn là tự mày mò. Bởi khi đó, chúng ta sẽ không phải mất công đi đường vòng, không phải trả giá cho những sai lầm người khác đã gặp. Tuy nhiên, việc luyện thi chỉ là điều kiện cần, còn khả năng tự lực của mỗi người mới là điều kiện đủ để có thể gặt hái thành công. Nói cách khác, người ta chỉ hỗ trợ cho bạn kiến thức, kỹ năng cần thiết, còn bạn mới chính là người quyết định tương lai của mình bằng chính năng lực, bằng việc cố gắng từng giờ, từng ngày để phát huy tối đa tiềm năng của mình.

HUỲNH THẾ DU
(Chủ tịch Hội Thanh niên - Sinh viên VN tại Mỹ, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)

Như Lịch (ghi)

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.