Lưu ý điểm sàn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển

Hà Ánh
Hà Ánh
21/07/2023 07:15 GMT+7

Thí sinh còn gần 10 ngày để đăng ký, bổ sung và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Một trong những yếu tố thí sinh cần đặc biệt lưu ý thời điểm này chính là điểm sàn xét tuyển mà các trường ĐH đang công bố.

Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua (20.7) với chủ đề "Đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển thông minh" được phát trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

ĐIỂM CHUẨN CÓ CAO HƠN ĐIỂM SÀN?

Nhiều trường ĐH hiện đã công bố mức điểm sàn xét tuyển cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý thí sinh (TS) cần phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn.

Lưu ý điểm sàn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển - Ảnh 1.

Các chuyên gia thông tin những điều thí sinh cần lưu ý trong thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển tại chương trình tư vấn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Riêng với Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thạc sĩ Tư cho biết điểm sàn các ngành dao động từ 16 - 20 điểm. Dự kiến điểm chuẩn năm nay có thể cao hơn 1 - 2 điểm so với điểm sàn. Trong đó, các ngành khoa học máy tính, thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng điểm chuẩn có thể cao hơn các ngành khác vài điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM (tên cũ Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), cho biết năm nay trường xác định điểm sàn các ngành từ 16 - 20 điểm. Trong đó, một số ngành TS đạt từ 20 điểm mới đủ điều kiện đăng ký như: công nghệ thông tin, marketing, ngôn ngữ Anh, công nghệ thực phẩm…

Bật mí thêm về điểm chuẩn, tiến sĩ Khả cho biết năm ngoái trường tuyển khoảng 4.000 với điểm chuẩn các ngành từ 22 - 27 điểm. Năm nay, trường được Bộ GD-ĐT cho phép tăng thêm hơn 2.000 chỉ tiêu nên điểm chuẩn có thể thấp hơn 1 - 2 điểm so với năm ngoái.

Tương tự, thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết trường còn khoảng 40% tổng chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm sàn trường đã công bố năm nay tương đối ổn định so với năm ngoái. Riêng các ngành khoa học sức khỏe, trường vẫn chờ ngưỡng đảm bảo chất lượng chung theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, TS quan tâm tới các ngành có thể tham khảo mức điểm của năm 2022: ngành y khoa 24 điểm, dược học 22 điểm và y học dự phòng 19 điểm.

Mã trường có phải là tên viết tắt của trường ?

Theo ông Vũ Quang Huy, hiện nay khi đăng ký trên hệ thống, có những TS vẫn bị nhầm lẫn mã trường và tên viết tắt tiếng Anh của trường đó. Ví dụ, chuyên gia này cho biết có TS gọi về trường phản ánh tìm mã Trường ĐH Công nghệ TP.HCM là "HUTECH" trên hệ thống nhưng không thấy. Trong khi đó, mã trường đúng là DKC, còn HUTECH là tên viết tắt của trường.

Liên quan điểm này, thạc sĩ Vương Văn Khởi nói thêm: "Tùy theo từng trường sẽ có quy định khác nhau giữa tên viết tắt và mã trường. Có trường tên viết tắt chính là mã trường, nhưng có trường không phải vậy. Ví dụ, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM sử dụng mã trường đồng thời là tên viết tắt UEF".

Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng thông tin trường đã công bố điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp các ngành dao động từ 16 - 19 điểm, trong đó ngành công nghệ thông tin có mức nhận hồ sơ cao nhất. Lời khuyên cho TS về tình hình điểm chuẩn nói chung, ông Huy cho rằng: "TS có thể tham khảo điểm chuẩn 3 năm gần đây của các trường theo các ngành cụ thể. Tuy nhiên, năm nay 7 - 8 điểm/môn là mức điểm nhiều TS đạt được nên mức độ cạnh tranh giữa các TS trong khoảng điểm này rất cao".

Thạc sĩ Vương Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết trường đưa ra mức sàn các ngành từ 16 - 19 điểm. Trong đó, ngành kinh doanh quốc tế có điểm sàn cao nhất. Phân tích tình hình điểm chuẩn của trường, ông Khởi nói: "Thực tế tuyển sinh các năm, điểm chuẩn của trường thường dao động 2 - 3 điểm so với điểm sàn. Trường hiện còn 25% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp. Ngoài ra, trường vẫn nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào học bạ đến hết ngày 30.8".

Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lập, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho biết điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp của trường năm nay từ 15 điểm trở lên. Theo kết quả tuyển sinh năm 2022, điểm chuẩn các ngành bằng điểm thi tốt nghiệp THPT bằng hoặc cao hơn điểm sàn từ 1 - 3 điểm tùy ngành. Năm nay, trường dành khoảng 40% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp, tương đương 1.600 TS.

Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thị Xuân Hiền, đại diện Trường ĐH Việt Đức, cho biết hiện nay trường chưa công bố điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, năm ngoái điểm sàn các ngành dao động từ 18 - 20 điểm và năm nay dự kiến cũng tương tự. Điểm chuẩn các ngành của trường cũng không quá chênh lệch so với mức trên.

TRÁNH SAI SÓT KHI ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN

Chia sẻ về cách đăng ký NV thông minh, thạc sĩ Cao Quảng Tư tư vấn: "Cách đặt NV thông minh chính là sắp xếp NV theo thứ tự ưu tiên để đạt được mục tiêu trúng tuyển ngành yêu thích nhất. Thông minh ở đây là có nhiều giải pháp và luôn có phương án dự phòng". Ông Tư lưu ý TS nên lấy yếu tố ngành học yêu thích làm tiêu chuẩn khi đăng ký dù là NV1 hay các NV dự phòng 2, 3.

Ý KIẾN

"Nếu TS không xác nhận nhập học ở đợt 1 thì coi như từ chối cơ hội trúng tuyển để tham gia xét tuyển bổ sung".

Lưu ý điểm sàn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển - Ảnh 4.

Thạc sĩ Trương Quang Trị

"TS không nên chờ đến những ngày cuối cùng mới đăng ký NV mà nên thao tác ngay trong thời điểm này".

Lưu ý điểm sàn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển - Ảnh 5.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả

"Năm nay 7 - 8 điểm/môn là mức điểm nhiều TS đạt được nên mức độ cạnh tranh giữa các TS trong khoảng điểm này rất cao".

Lưu ý điểm sàn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển - Ảnh 6.

Ông Vũ Quang Huy

"Năm ngoái điểm sàn các ngành của Trường ĐH Việt Đức dao động từ 18 - 20 điểm, năm nay dự kiến cũng tương tự".

Lưu ý điểm sàn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển - Ảnh 7.

Thạc sĩ Phạm Thị Xuân Hiền


Cũng liên quan đến chọn NV, thạc sĩ Tư tâm tư: "Có lẽ khó nhất TS bây giờ là xác định ngành học mình gắn bó khi đặt ở NV1. Có những ngành học rất muốn học nhưng mình không đủ điểm thì có thể lựa chọn những ngành gần". Lý giải cho lời khuyên này, theo thạc sĩ Tư hiện nay tính liên ngành giữa các ngành rất cao và một ngành học có thể làm được nhiều việc khác nhau. "Mỗi người sẽ có một lựa chọn phù hợp với mình, quan trọng nhất là đúng đam mê để nỗ lực trong suốt 4 năm học ĐH và nhiều năm nghề nghiệp sau đó. Khi chọn ngành học, cần tin tưởng vào lựa chọn đó, không chọn vì lựa chọn của người khác", thạc sĩ Tư khuyên.

Trong chương trình, chuyên gia tư vấn cũng lưu ý TS về kỹ thuật xét tuyển trong những ngày tới. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả nhấn mạnh TS chỉ còn chưa tới 10 ngày để đăng ký, điều chỉnh và bổ sung NV. "TS không nên chờ đến những ngày cuối cùng mà nên thao tác ngay trong thời điểm này. Trong trường hợp có trục trặc, TS liên hệ số điện thoại đường dây nóng của phần mềm hoặc các trường ĐH muốn xét tuyển", tiến sĩ Khả nói.

Ông Vũ Quang Huy thì lưu ý: "Những năm trước, không ít TS trúng tuyển nhưng sai NV. Điều này có nguyên nhân từ việc sắp xếp chưa đúng thứ tự các NV theo mong muốn cá nhân".

Ở góc nhìn khác, thạc sĩ Trương Quang Trị lưu ý, năm nay, kể cả TS đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm, nếu bỏ qua bước đăng ký và nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT sẽ không chính thức trúng tuyển. Ngoài ra, sau thời điểm các trường ĐH công bố điểm chuẩn trúng tuyển, TS vẫn phải làm thủ tục nhập học trực tuyến trên hệ thống. "Nếu TS không xác nhận nhập học ở đợt 1 thì coi như từ chối cơ hội trúng tuyển để tham gia xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, đợt bổ sung còn tùy trường và tùy ngành có xét bổ sung hay không", ông Trị nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.